Theo Bộ KHCN, Việt Nam đã trải qua 2 làn sóng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Làn sóng đầu tiên là những năm 2000, với việc ban hành Luật Doanh nghiệp và sự ra đời của các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam như Quỹ IDG Venture quy mô 100 triệu USD.

Tiếp đó, vào những năm 2010 với sự bùng nổ của Internet, Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư của các quỹ đầu tư Nhật Bản, điển hình như quỹ CyberAgent đã đầu tư cho hơn 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu biểu trong lĩnh vực thương mại điện tử như: Tiki, Sendo…

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam từ những chính sách kiến tạo

Sau 7 năm triển khai Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Đề án 844), nếu chiếu theo thang đánh giá về hệ sinh thái gồm 4 giai đoạn – Kích hoạt (Activation), Toàn cầu hóa (Globalization), Thu hút (Attraction) và Hội nhập (Integration) thì Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn đầu tiên là kích hoạt (2013-2016). Trong đó, năm 2013-2015, Chính phủ Việt Nam bước đầu tập trung hình thành hành lang pháp lý về phát triển thị trường KHCN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ các doanh nghiệp mới, giàu sức sáng tạo phát triển, mở rộng, đủ sức cạnh tranh với các thị trường quốc tế.

Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo các nước phát triển. Cụ thể như Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV), chính thức được phê duyệt và triển khai từ năm 2013, theo Quyết định số 1383/QĐ-BKHCN. Ngoài vai trò hỗ trợ tài chính, VSV còn là cầu nối mở đường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp gỡ với các nhà đầu tư, chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng.

Đây cũng là giai đoạn Việt Nam đào tạo ra các hạt giống hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ban đầu, điển hình như thông qua sự hỗ trợ từ Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP2).

Năm 2016, từ kết quả trên Bộ KHCN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025” (Đề án 844) để phát triển hệ sinh thái rộng và đồng đều.

Nhìn chung giai đoạn này, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và thúc đẩy kinh doanh khi có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.

Tiếp theo là giai đoạn toàn cầu hóa (2017-2020). Giai đoạn này Chính phủ đã thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn với sự hỗ trợ tài chính thông qua Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhanh, cung cấp vốn rủi ro cho các doanh nghiệp mới thành lập.

Các startup giai đoạn này đã huy động được nguồn vốn từ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2019, Việt Nam vươn lên đứng thứ ba trong số các quốc gia ASEAN về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore; lượng vốn đầu tư mạo hiểm tăng từ 5% năm 2018 lên 17% trong tổng vốn đầu tư cho startup ở khu vực./.

HƯƠNG LAN

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/nang-tam-he-sinh-thai-khoi-nghiep-cua-viet-nam-tu-nhung-chinh-sach-kien-tao-33198.html