web analytics

Không để nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn 24/06/2022

(KDTT) – Bộ Công Thương phải chủ động điều hành, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì tuần trước.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, áp lực lạm phát có xu hướng tăng, giá nguyên, nhiên vật liệu đặc biệt là mặt hàng xăng dầu có nhiều biến động, tác động đến mặt bằng giá nhiều mặt hàng trong đó có những mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải và một số nhóm dịch vụ như giáo dục, y tế… Điều này đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo, đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng Bộ yêu cầu Công thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.

Theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho Quý III và cuối năm 2022.

Tại buổi họp báo thường kỳ Quý II/2022 về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 5 tháng đầu năm vào tuần trước, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) thông tin: Để đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 vừa qua và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã xây dựng Đề án Nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia và sẽ sớm hoàn thiện, trình Chính phủ.

Hiện, Bộ Công thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.

Tại Việt Nam, cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn là dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Hiện nay, dự trữ sản xuất đến từ 2 nhà máy lọc dầu. Dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối. Cuối cùng là nguồn dự trữ quốc gia.

“Theo quy định, nguồn đầu tiên ưu tiên sử dụng là dự trữ thương mại của doanh nghiệp, tiếp tới là nguồn dự trữ sản xuất tại các doanh nghiệp lọc dầu; cuối cùng mới dùng tới nguồn dự trữ quốc gia. Trong bối cảnh căng thẳng nguồn cung xăng dầu vừa qua, chúng ta chưa phải dùng tới nguồn dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, nguồn này mỏng nên cần thiết phải nâng lên”, bà Hiền cho biết.

Hôm 21/6 vừa qua, trong kỳ điều chỉnh theo chu kỳ, giá xăng trong nước đã có kỳ điều chỉnh tăng lần thứ 7 liên tiếp, qua đó tiến gần đến ngưỡng 33.000 đồng/lít. Theo Bộ Công Thương, nhu cầu xăng dầu năm 2022 khoảng 20,7 triệu m3.

Bạn đang đọc bài Không để nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn tại chuyên mục Thời sự. Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0369452904. Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT