web analytics

Doanh nhân Việt: Hội tụ – Làm giàu – Kiến quốc 15/10/2018

(KDTT) – Từ ngày 11-13/10, tại Hà Nội và Bắc Ninh đã diễn ra chương trình kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Chương trình do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh phối hợp thực hiện.

Tham dự chương trình có đại diện các đồng chí lãnh đạo Trung ương; Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các hiệp hội, đại diện gia đình công thương tiền khởi nghĩa cùng hàng trăm doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, nghề trong cả nước.

Bên cạnh những nội dung thường niên, chương trình năm nay mang tới nhiều nội dung ý nghĩa, nhằm tạo không gian gặp gỡ, giao lưu cho doanh nhân Việt Nam; gợi niềm tự hào về truyền thống của tầng lớp mình; động viên, cổ vũ tinh thần “Hội tụ – Làm giàu – Kiến quốc” cho tầng lớp doanh nhân.

Trong những năm gần đây, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, giới doanh nhân từ chỗ bị mang định kiến trong xã hội, đến nay đã được coi trọng, tôn vinh, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định trong bức thư gửi giới Công thương ngày 13/10/1945: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.

Trong khuôn khổ chương trình, ngày 11/10, đại diện Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam, các doanh nhân tiêu biểu đã đến dâng hương và làm lễ báo công, xin ngọn lửa thiêng và Quốc kỳ tại ban thờ Bác trong khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Đại diện các doanh nhân tại lễ báo công và xin lửa, quốc kỳ tại ban thờ Bác trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Báo công dâng hương với Vua Hùng và các vị tiên liệt tại Đình Đền Tướng Quốc, những doanh nhân nguyện: Tiếp nối truyền thống “Ích quốc lợi dân” của giới công thương – doanh nhân Việt Nam; ra sức rèn luyện, nâng cao trí tuệ, năng lực, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường để đảm nhiệm trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó; phấn đấu hết mình vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông, nguyện một lòng cùng nhau đoàn kết, đóng góp công sức và trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững mạnh, hùng cường và phát triển.

Các doanh nhân tại lễ thả chim bồ câu với ước nguyện hòa bình, hạnh phúc.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam khẳng định: Trong những năm gần đây, qua những bước thăng trầm của thời đại, doanh nhân từ chỗ bị định kiến, kỳ thị đến nay được coi trọng, hơn nữa còn được tôn vinh. Đảng, Nhà nước đã phong tặng doanh nhân các danh hiệu cao quý như “Sao vàng đất việt” hay “Doanh nghiệp trẻ”… Đảng ta đã có nghị quyết riêng về Doanh nhân là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.12.2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Được ví như “nguồn của cải vật chất khổng lồ”, doanh nhân Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào tiềm lực kinh tế, tạo việc làm cho xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

PGS TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà công thương Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình.

Tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – Nguyễn Đức Kiên – đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình, động viên kịp thời giới Công Thương cả nước đã và đang vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước với mục đích “Hội tụ – Làm giàu – Kiến quốc”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Với ngọn lửa thiêng được truyền từ Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh, các nhà Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định trong bức thư gửi giới Công Thương ngày 13/10/1945: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao ngọn lửa thiêng được xin từ ban thờ Bác cho PGS TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà công thương Việt Nam.

Thay mặt doanh nhân trẻ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh – Mẫn Ngọc Anh – chia sẻ: Trong mái nhà chung của Câu lạc bộ các nhà Công Thương Việt Nam, và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh, đã có rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã khẳng định được vị thế thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.

Đóng góp vào sự phát triển không ngừng của đất nước, các doanh nhân hội viên của Câu lạc bộ các nhà Công Thương Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ Bắc Ninh đã và đang hướng đến mục tiêu trở thành các doanh nghiệp khát khao khám phá, sáng tạo, làm giàu cho bản thân, cho dân tộc trong khuôn khổ pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng, tiếp tục khẳng định tâm thế doanh nhân Việt Nam ở trong nước và quốc tế…

Ông Mẫn Ngọc Anh. – Chủ tịch HĐQT , Tổng Giám đốc Tập đoàn Hanaka phát biểu tại chương trình.

Bên cạnh đó, ngày 13/10 trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra diễn đàn diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0 với nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam” với sự tham dự của ông Trần Văn Túy, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ, Trưởng ban công tác đại biểu của Quốc hội; ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cùng các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp, khoa học công nghệ hàng đầu ở Việt Nam: ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam… ông Võ Trí Thành chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, PGS TS Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế cao cấp… cùng đông đảo doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực trên địa bàn cả nước.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp đa ngành. Trên thực tế, nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế “mới nổi” tiềm ẩn nhiều rủi ro như Việt Nam. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực ngày càng rõ nét đến nông nghiệp Việt Nam, việc áp dụng các thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ vào nông nghiệp trở thành yêu cầu bức thiết. Tại Hội nghị về đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hanaka cho rằng: Nông nghiệp công nghệ cao trở thành một đề tài hấp dẫn nhưng cũng rất mới mẻ, nhiều thách thức với các doanh nhân, doanh nghiệp – những đối tượng tiên phong trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa để dựng xây đất nước.

Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0 với nông nghiệp công nghệ cao” với mục tiêu: Giúp các doanh nhân hiểu rõ hơn nữa bản chất cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của nhân loại; Những tác động của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này đến ngành nông nghiệp; Những khó khăn về điều kiện, về cơ chế, chính sách… để triển khai nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam đồng thời tạo cơ hội giao lưu cho các doanh nghiệp quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao…

Diễn đàn diễn ra với hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất do ông Phan Xuân Dũng điều hành, tập trung vào việc làm rõ bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan với dưới sự điều hành của ông.

Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội điều hành phiên thảo luận thứ nhất.

Phiên thứ hai tập trung vào các vấn đề cách mạng công nghiệp 4.0 với nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo đó, tập trung vào các vấn đề như: Nhu cầu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp và những điều kiện cần chuẩn bị; Cơ chế chính sách cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; Một số vấn đề còn bất cập về chính sách và đề xuất giải pháp của doanh nghiệp…

Qua hai phiên thảo luận, trao đổi sôi nổi giữa những nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế đầu ngành về lĩnh vực cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã nhìn nhận rõ hơn thời cơ cũng như thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Chương trình kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp, với màn bắn pháo bông rực rỡ như thúc giục các thế hệ doanh nhân hôm nay đóng góp thêm tâm lực, tài lực vào công cuộc ích quốc lợi dân, góp phần làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp.

PV