web analytics

Doanh nhân Nguyễn Văn Kha: Người lính trên thương trường 17/06/2019

(KDTT) – Ông là một trong số không nhiều “đại gia” trong giới bất động sản trưởng thành từ chiến trường khói lửa. Ông đến với lĩnh vực bất động sản như một định mệnh. Từ một cán bộ kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, tiến tới xây dựng nhà cửa và kinh doanh những dự án từ nhỏ, vừa phải đến qui mô hàng trăm ha. Tham gia vào thị trường từ buổi sơ khai, vừa làm vừa dò dẫm học hỏi từ chính những người trong nghề, để rồi nhờ sự nhanh nhạy, tư duy sắc bén, ông đã từng bước chinh phục thị trường vốn không dễ này. Ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm – Nguyễn Văn Kha.

Doanh nhân Nguyễn Văn Kha – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm

Người lính trở về

Sinh ra trong gia đình có nghề gò thiếc, dát đồng nổi tiếng thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, ông sớm quen với những tiếng búa chát chúa đập vào kim loại từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Mẹ ông là một phụ nữ đảm đang, tháo vát, vừa nuôi 8 người con nhỏ vừa buôn tơ kiếm sống. Là người con cả trong gia đình nên ngay từ nhỏ ông mang trong mình trọng trách cao cả, với sứ mệnh tiếp nối truyền thống gia đình từ xưởng gò nổi tiếng thời cụ nội. Thế rồi, cơ duyên lại đưa ông tới với nghề xây dựng, không liên quan gì đến cái nghề gò truyền thống ở làng. Chỉ biết rằng, từ chiến trường ác liệt, trở về nguyên vẹn với ông đã là một sự may mắn hơn người. Suốt nhiều năm ròng, chứng kiến sự mỏng manh giữa sự sống và cái chết, khi bao đồng đội của ông đã phải hy sinh nơi chiến trường, ông thầm hứa nếu còn sống trở về chắc chắn sẽ sống nốt phần đời còn lại một cách xứng đáng. Do đó, dù trong tâm cũng muốn nối nghiệp tiên tổ nhưng khi Tổ chức phân công là Phó Giám đốc Xí nghiệp gạch Từ Liêm, ông không thể chối từ. Là lính cụ Hồ, ông được rèn luyện tính kỷ luật, không ngại khó, không sợ khổ, bất kỳ khi nào tổ chức cần có thể sẵn sàng chấp nhận hy sinh tính mạng. Thời kỳ bao cấp, xưởng gạch do ông quản lý không đủ cung cấp cho thị trường. Ông phải lo tổ chức sản xuất, cân đối sản lượng rồi giao gạch đến các công trình công cộng đúng tiến độ. Với địa thế ở vùng ngoại thành ngay sát sông Hồng, ông mạnh dạn bàn bạc với lãnh đạo Xí nghiệp khai thác dịch vụ vận tải đường sông. Rồi cung cấp gạch, cát, sỏi…cho người dân trong vùng đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà cửa trong dân cư phát triển mạnh những năm đầu thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Nhờ cách làm năng động, anh em trong Xí nghiệp làm không hết việc, cải thiện đời sống đáng kể.

Điều doanh nhân Nguyễn Văn Kha luôn mong và nỗ lực làm các công trình khu đô thị đẹp và sẵn sàng chấp nhận trong đó có hạng mục lãi, có hạng mục lỗ.

Bén duyên với xây dựng

Những năm đầu đổi mới, Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Từ Liêm ra đời trên cơ sở sát nhập 3 Xí nghiệp, trong đó có Xí nghiệp Gạch do ông Kha quản lý. Ông được cử  làm Phó Giám đốc Công ty. Đúng như tên gọi, lúc này công ty phát triển 2 mảng chính là xây dựng và kinh doanh nhà. Với lợi thế cùa một đơn vị chuyên phân phối vật liệu xây dựng, nhưng khi tổ chức thực hiện xây dựng và kinh doanh nhà, được xem là một hướng đi mới mẻ. Thời điểm đó, bản thân Luật còn chưa chuẩn hóa nên Ban lãnh đạo công ty thống nhất vừa làm vừa học. Do đó, ban đầu công ty chỉ nhận xây nhà cho người dân quanh vùng, rồi học từng bước làm chủ công trình từ lập dự án, thiết kế, xây dựng rồi bàn giao. Công trình ban đầu có qui mô nhỏ, làm xong bán luôn cho đội ngũ CBCNV công ty. Phần không bán hết, bản thân những người lãnh đạo như ông phải đi mời những người quen biết. Thời kỳ đó, tư duy con người cũng không như bây giờ. Họ chỉ cần có một ngôi nhà nên không ít người có tiền nhàn rỗi, ông đến mời mua còn được họ chân thành khuyên lại: “Tôi thấy anh nhanh nhẹn, thiếu gì thứ để mà kinh doanh. Sao anh  làm nhà nhiều thế, lấy ai ra mua cho, rồi lại thất nghiệp thôi”. Đó là tư tưởng của phần đông con người ở cái thời mà ăn chưa đủ no, nói gì đến chuyện đầu tư những thứ có giá trị lớn lao như đất đai, nhà cửa. Bản thân ông lại nghĩ khác. Rồi Việt Nam sẽ thay đồi. Kinh tế sẽ tốt lên, không thể nghèo mãi được. Nhu cầu về mọi sản phẩm, kể cả nhà ở sẽ tăng lên. Hơn nữa, có “an cư mới lập nghiệp” nhưng đời người đâu phải chỉ cần có mỗi một ngôi nhà. Ai rồi cũng phải lập gia đình, có con cái, ít cũng một hai đứa. Khi con cái trưởng thành rồi cũng cần có nhà riêng chứ. Như thế nhu cầu về nhà ở sẽ tỷ lệ thuận với số lượng người tăng thêm. Chắc chắn, tương lai kinh doanh nhà sẽ ngày càng phát triển.

Phát triển lĩnh vực bất động sản

Dù có duyên trong lĩnh vực kinh doanh nhà, việc bán mua cũng gặp nhiều thuận lợi. Nhưng do hạn chế về qui mô, bộ máy cồng kềnh trong khi  nhu cầu của xã hội về nhà ở vẫn thấp nên Công ty giống như bao Công ty khác vào thời điểm đó chỉ đảm bảo đời sống cho anh em mà không có nhiều lợi nhuận. Khi Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp cổ phần, với tầm nhìn chiến lược, ông Kha  luôn tin tưởng, tương lai Công ty sẽ phát triển nên mạnh dạn đề nghị được cổ phần theo đúng chủ trương. Là một trong số ít doanh nghiệp thuộc Từ Liêm tiên phong cổ phần trong khi  khái niệm cổ phần, cổ phiếu vẫn còn mơ hồ lắm. Hơn nữa, CBCNV ai cũng lo mất cái “mác” Doanh nghiệp Nhà nước rồi, làm sao công ty sống nổi. Thế nên, khi định giá cổ phần là hệ thống nhà cửa, thiết bị cũ nát, thì phần lớn mọi người ngần ngại khi phải bỏ tiền ra mua số cổ phần ưu đãi của mình. Ông tự nhận mình sớm giác ngộ những cái mới, lại thuộc típ “người thật, việc thật” nên ông biết cổ phần hóa sẽ tăng tính làm chủ của mọi người và giúp Công ty thực sự phát triển. Ông chia sẻ với mọi người về quan điểm của mình, lúc nhỏ to phân tích, thậm chí còn “dùng cả vai trò Bí thư” để buộc lãnh đạo, Đảng viên “phải mua”.  Dù hạn chế về nguồn vốn, thiết bị lạc hậu nhưng cái “được” lớn nhất của Công ty lúc đó chính là có đội ngũ thạo việc, thị trường bất động sản mới sơ khai. Thế nhưng kế hoạch cổ phần hóa 100% vốn thuộc người lao động  dù ông đã mất nhiều công sức thuyết phục cuối cùng vẫn còn nhiều cổ phần chưa bán hết. Ông “chiêu dụ” bạn bè, người thân mua nốt. Không chỉ tin vào tương lai phát triển mạnh mẽ của ngành bất động sản mới manh nha, quan trọng hơn, với gần 40 năm gắn bó, Công ty đã trở thành phần không thể thiếu trong ông.

Lideco đã tạo dựng và để lại dấu ấn về một chủ đầu tư tận tụy, luôn cố gắng đem đến sản phẩm tốt nhất cho khách hàng với tiến độ và chất lượng như đã cam kết.

Đúng như ông dự tính, dù ban đầu còn nhiều vất vả nhưng theo hình thức thiếu phần nào bổ sung phần đó, không biết cái gì có thể thuê làm sao cho các dự án dù lớn hay nhỏ cũng phải đảm bảo chữ Tín. Đặc biệt, xuất phát từ người làm xây dựng, quen với các vật liệu, với từng viên gạch nên các sản phẩm của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (viết tắt là Lideco) luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, tiết kiệm chi phí một cách tối ưu. Nhận thức sâu sắc việc coi nhà ở là thước đo sự thành đạt của mỗi con người nên ông lựa chọn những dự án nhỏ phù hợp với năng lực của Công ty tại thời điểm ban đầu. Dần dần cùng với sự phát triển của xã hội, ngành bất động sản cũng thu hút được các Doanh nghiệp khác cùng tham gia làm cho thị trường sôi động hơn lúc nào hết. Từ chỗ phải mời chào khách hàng mỗi khi có dự án, ông được giới đầu tư tin tưởng, sẵn sàng góp vốn vào các Dự án mà Công ty triển khai.

“Liệu cơm gắp mắm”

Nhờ tư duy nhạy bén và cách làm quyết liệt, thành công từ dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng, Khu đô thị Bắc quốc lộ 32 đã đưa tên tuổi Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm lên một tầm cao mới. Không chỉ là công ty bất động sản tầm cỡ của Thủ đô, cổ phiếu của Lideco cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trở thành hiện tượng cuối năm 2008. Lúc này thị trường bất động sản sôi động hơn bao giờ hết. Thị trường phát triển quá nóng cũng có những bất cập của nó. Là người tham gia vào thị trường bất động sản từ thuở sơ khai, ông biết đó không phải là lĩnh vực siêu lợi nhuận như mọi người vẫn tưởng. Thực tế, đâu đó cũng có những người cơ hội, “chạy” dự án rồi bán lại kiếm lời hàng tỷ. Nhưng nếu đầu tư một cách bài bản, với hệ thống pháp luật điều chỉnh còn nhiều hạn chế thì phần lợi nhuận cũng chỉ giống các lĩnh vực sản xuất khác. Qua rồi, cái thời mà chỉ cần dự án trên giấy đã có thể thu tiền. Chưa kể, vốn để hoàn thành một dự án thường rất lớn. Không có chủ đầu tư nào đủ tiềm lực để tự kinh doanh đợi đến khi có sản phẩm mới bán. Mà ngay từ khi hình thành dự án, phương án vay ngân hàng, trả theo từng tiến độ đều phải tính toán một cách thận trọng. Cái khó nhất của làm dự án chính là tìm được vị trí đắc địa và rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Từ giải phóng đền bù, thực hiện các thủ tục xin giấy phép… đến khi xây được móng để có hợp đồng kinh tế thu tiền của người mua có khi kéo dài đến cả chục năm. Do đó,  nếu thực sự để đầu tư có tính hiệu quả, rất cần lượng sức mình, kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Cách làm tập trung, quyết liệt đã mang lại cho Lideco phát triển vững chắc đồng thời giữ được chữ Tín với khách hàng. Hiện nay, Lideco tiếp tục hoàn thiện tại các dự án” Khu đô thị mới Dịch Vọng, Bắc quốc lộ 32, Khu nhà ở dự án X1, X3 tại Từ Liêm, mở rộng địa bàn tại Quảng Ninh khi đầu tư Dự án chung cư cao 30 tầng, xây dựng khu đô thị rộng 22ha tại Thành phố Hạ Long….

Một góc Dự án Bắc 32

Kinh doanh có được chữ Tín đã khó, giữ được chữ Tín lại càng khó hơn. Với kinh nghiệm tham gia vào lĩnh vực bất động sản từ buổi ban đầu, ông Nguyễn Văn Kha luôn tin tưởng vào con đường mình đã chọn. Với ánh mắt tinh anh, tư duy nhạy bén, cùng với bản tính cương trực của người lính năm xưa, ông vẫn đang hiện thực giấc mơ đem lại nhiều mái ấm đến với mọi nhà. Dù mải mê với các bản thiết kế ở văn phòng hay đích thân thị sát nơi công trường, ông vẫn mong mỏi được đóng góp công sức của mình giúp mỗi người dân Việt sống thoải mái trong các khu đô thị của Lideco đúng như câu tục ngữ từ ngàn xưa để lại “Có an cư mới lập nghiệp”.

Theo Yến Nhi (KDPT)