Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Việt Anh) |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Ngô Việt Dũng – Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Lưu trữ là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của hoạt động bộ máy nhà nước, của các cơ quan ở nước ta từ Trung ương tới địa phương. Nhờ có cơ quan lưu trữ và tài liệu lưu trữ phong phú và đa dạng, chúng ta biết được lịch sử phát triển của đất nước, của địa phương, của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân (từ quá khứ đến hiện tại và tương lai…). Từ đó có cái nhìn biện chứng, khách quan, toàn diện về lịch sử, về sự phát triển, cả những góc khuất, những hạn chế… trong mỗi giai đoạn và thời kỳ phát triển của nó”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thành hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ của Bộ Nội vụ và của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống tổ chức lưu trữ các cấp, lưu trữ cơ quan và người làm lưu trữ từng bước được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất và kinh phí dành cho công tác lưu trữ được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư; tài liệu lưu trữ bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia và các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã được chỉnh lý, xác định giá trị, bảo vệ, bảo quản an toàn, sử dụng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”.
Ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Việt Anh) |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Do ban hành đã lâu nên Luật hiện hành chưa cập nhật những vấn đề mới trong thực tiễn công tác lưu trữ, nhất là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lưu trữ.
Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Lưu trữ năm 2011 là cần thiết, đòi hỏi thực tiễn khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay”, ông Nguyễn Quyết Chiến nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Thế Vinh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam cho rằng: “Mọi chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đều ảnh hưởng và có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp thành viên thuộc Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam. Những ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Hội đã triển khai và tham vấn, tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia thuộc Hội. Cơ bản, Hội đồng tình và nhất trí cao với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này”.
Theo Ths. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam thì Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) năm 2023 gồm 9 chương, 68 điều, so với Luật Lưu trữ năm 2011, gồm 7 chương, 42 điều, tăng 02 chương và tăng thêm 26 điều. Có thể nói theo quan điểm duy vật biện chứng Mác – Lênin, khi “lượng đổi, thì chất cũng sẽ đổi”, rõ ràng Luật Lưu trữ sửa đổi lần này sẽ thêm một số nội dung/nội hàm quan trọng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu ý kiến, cần quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định giải mật tài liệu lưu trữ, số lượng, cơ cấu thành viên của Hội đồng giải mật tài liệu lưu trữ của cơ quan Đảng, Nhà nước (tại Điều 27 của Dự thảo Luật) để bảo đảm thống nhất và thuận lợi cho việc áp dụng; (v) Bổ sung và làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư (tại Điều 46 của dự thảo Luật); (vi) Quy định cụ thể cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (tại khoản 1 Điều 57 dự thảo Luật), đồng thời chỉnh sửa, bổ sung một số đối tượng không được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (tại khoản 5 Điều 57 dự thảo Luật).
Cùng với đó, bổ sung thêm quy định cơ quan quản lý tài liệu Phông lưu trữ của Đảng và quy định về quản lý nhà nước đối với lưu trữ tài liệu của Đảng, đồng thời bổ sung quy định các hành vi vi phạm và thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính thuộc hoạt động lưu trữ vào chương VIII của dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với việc hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); đồng thời Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến để để trình Quốc hội xem xét./.