web analytics

Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao: Theo lời Bác dạy, xứng danh đơn vị 3 lần Anh hùng! 21/06/2019

(KDTT) – Ngày 19/8/1962 mãi là một ngày đáng nhớ với mỗi Cán bộ, người lao động của Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao (tiền thân là Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao), khi được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đến thăm. Vinh dự tự hào đó là động lực giúp cho lớp lớp thế hệ Cán bộ, người lao động Công ty ở các thời kỳ phấn đấu xây dựng Công ty ngày càng lớn mạnh, trở thành ngọn cờ đầu của các Doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ một đơn vị với nhiệm vụ sản xuất để xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho CNXH ở miền Bắc; tới đơn vị vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; đến thời kỳ sản xuất trong giai đoạn đổi mới đất nước theo kinh tế thị trường định hướng XHCN…Công ty đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Để hôm nay, khi tròn 55 tuổi, Công ty đã có bề dày thành tích đáng nể với 03 lần Anh hùng, cùng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập… Đặc biệt, thương hiệu “3 nhành cọ” đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân khắp mọi miền đất nước. Theo lời Bác dạy, các sản phẩm của Công ty đã từng bước cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo mục tiêu An ninh lương thực Quốc gia.

Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao Gặp mặt kỷ niệm “55 năm ngày bước vào sản xuất”. Ảnh: Internet

Nhớ mãi ngày Bác về thăm!

Ra đời từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Nhà máy  Supe Phốt phát Lâm Thao được coi là một trong những đứa con đầu lòng của nền công nghiệp Việt Nam. Dưới sự giúp đỡ  nhiệt tình của các chuyên gia Liên Xô, ngày 24-6-1962, Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao được xem là Nhà máy sản xuất phân bón hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á, đã cắt băng khánh thành sau  gần 03 năm xây dựng khẩn trương. Chỉ sau 02 tháng đi vào sản xuất, ngày 19/8/1962, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy. Hôm đó, Bác không đến thẳng khu sản xuất mà rẽ vào thăm khu tập thể của cán bộ, công nhân. Người đến từng gian nhà ở, nhà ăn, câu lạc bộ… Bác nhắc đồng chí Lê Tự, Giám đốc Nhà máy, đang đứng cạnh Bác: “Nhà vệ sinh xây ở ngoài kia là xa quá đấy!”. Đông đảo cán bộ, công nhân và các đồng chí chuyên gia phấn khởi vây quanh Bác. Bác cúi xuống rút một chiếc dép đang đi, đặt lên bậc thềm của ngôi nhà tập thể và ngồi xuống nói chuyện với mọi người, hỏi thăm tình hình ăn ở, sản xuất và căn dặn mọi người phải phát huy tinh thần làm chủ, phải cố gắng học tập để xứng đáng là những “ông chủ”, phải thực hành tiết kiệm và tích cực trồng nhiều cây xanh trong khu Nhà máy…

Từ khu tập thể của Nhà máy, Bác Hồ rẽ sang trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Tiến của Thị trấn Lâm Thao để thăm hỏi bà con nông dân. Sau đó, Bác quay về Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao tiếp tục thăm khu sản xuất. Bác ân cần căn dặn: “Cán bộ, công nhân của Nhà máy phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, đoàn kết chặt chẽ, tích cực học tập văn hóa, kỹ thuật; học tập các đồng chí chuyên gia Liên Xô, làm cho Nhà máy phát triển, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”. Giờ đây, trong Phòng Truyền thống của Công ty, treo ở chỗ trang trọng nhất chính là hình ảnh Vị Lãnh tụ mặc bộ bà ba màu nâu, ngồi trên bậc thềm nói chuyện với cán bộ, công nhân viên. Hình ảnh giản dị, gần gũi và những lời dạy nhẹ nhàng, dễ nghe ấy được các thế hệ Công ty ghi nhớ với lòng tự hào và tình cảm sâu đậm. Từ buổi gặp gỡ lịch sử ấy, tinh thần lao động của cán bộ, công nhân Nhà máy ngày càng hăng say, góp phần vào thắng lợi của Nhà máy.

Làm chủ sản xuất

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nền sản xuất Việt Nam đứng trước thách thức lớn trước sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại. Lúc này, Công ty còn nhiều vấn đề bất cập: Thiết bị xuống cấp, lao động dư thừa, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng…Vẫn bộ máy từ thời bao cấp chuyển sang cơ chế mới, để có thể chủ động hoàn toàn từ sản xuất đến phân phối, đảm bảo việc làm và có lãi, trong khi thực tế còn nhiều hạn chế buộc Công ty phải phát huy tinh thần làm chủ, đặc biệt là đổi mới máy móc và làm chủ công nghệ. Năm 2010, sau cổ phần hóa, Công ty tiếp tục đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, cải tiến, đổi mới thiết bị công nghiệp… đồng thời mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại hóa. Rà soát lại thị trường, với những sản phẩm truyền thống có thế mạnh, Công ty tiếp tục phát huy.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp sản xuất với nghiên cứu khoa học được tăng cường nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới, nâng cao sức cạnh tranh của Công ty trên thị trường. Dựa trên cơ sở nghiên cứu kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng miền gắn với từng  giai đoạn sinh trưởng và phát triển của các  loại cây trồng, nhiều sản phẩm mới chất lượng cao đã đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, trong mấy năm qua, Công ty đã cho xây dựng quy trình bón phân cân đối khép kín, không dùng phân đơn lẻ mà chỉ dùng phân bón Lâm Thao cho các giai đoạn phát triển của cây trồng, mang lại hiệu quả cao và mang lại doanh thu đáng kể cho Công ty.  Song song với việc làm chủ sản xuất, Công ty cũng từng bước kiện toàn bộ máy quản lý, tạo dựng hệ thống phân phối, tư vấn hỗ trợ sản phẩm đến tận tay bà con nông dân.  Những chuyển biến tích cực đó giúp phân bón Lâm Thao  không chỉ có vị trí nhất định tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, …

Đưa sản phẩm đến gần hơn với bà con

Khi về thăm Công ty, Bác đã nhấn mạnh “Công nhân phải giúp đỡ nông dân, nông dân phải giúp đỡ công nhân, để liên minh công nông ngày càng tốt hơn nữa”. Thấm nhuần lời dạy của Người, với tính đặc thù sản phẩm, không chỉ đảm bảo cung cấp sản phẩm tốt, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với bà con bằng cách “cầm tay chỉ việc” từ việc giới thiệu các tính năng đặc biệt của từng sản phẩm, tư vấn cách sử dụng, tổ chức bán phân bón trả chậm… Hàng năm, Công ty thường xuyên phối hợp cùng các cấp Hội Nông dân tổ chức hàng trăm mô hình trình diễn khảo nghiệm; hàng ngàn hội nghị hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón Lâm Thao cho các loại cây nông, lâm, công nghiệp, cây đặc sản trên địa bàn cả nước.

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã đem nguồn phân bón chất lượng cao tới tay người nông dân, vừa giúp trang bị kiến thức bón phân khoa học, hiệu quả.

Từ nhiều năm nay, Công ty đã thành lập hàng chục “Trạm khuyến nông” tại một số khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, mỗi trạm có 1 kỹ sư nông nghiệp được trả lương có nhiệm vụ tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón đúng quy trình, giúp hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường. Mối liên hệ chặt chẽ giữa Công ty với nông dân đã góp phần vào thành công của đề tài dùng nguyên liệu sinh khối làm nhiên liệu sấy khô các sản phẩm phân bón. Ứng dụng thực tế đã góp phần tạo việc làm cho bà con trong việc thu mua các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, lõi ngô, trấu, mùn cưa, dăm bào… giúp Công ty tiết kiệm hơn 6 tỷ đồng mỗi năm so với nhập dầu FO làm nhiên liệu sấy sản phẩm đồng thời  góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí thải của dầu FO. Nhằm giúp bà con nông dân dễ hiểu, dễ nhớ Công ty cũng chọn lựa các phương tiện truyền thông làm cầu nối. Thời gian gần dây, Công ty đã phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC (kênh16 chuyên về nông nghiệp) thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp với nội dung hỏi đáp trên đồng về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây nông nghiệp, công nghiệp, cây ăn quả… Bên cạnh việc cung cấp các thông tin kịp thời, chính xác, thiết thực, sản phẩm phân  bón mang thương hiệu “3 nhành cọ” Lâm Thao có cơ hội được quảng bá rộng rãi tới bà con nông dân trên khắp cả nước.

Phát triển bền vững

Nếu chỉ nhìn đơn thuần nhìn vào tốc độ phát triển kinh tế với những con số ấn tượng: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm đạt 2,4%; tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bình quân 10 năm gần đây đạt 16,3% thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động năm 2016 đạt 7,4 triệu đồng, đó sẽ là thiếu sót không nhỏ. Bởi nếu ai đã từng một lần đặt chân đến nơi này mới thấy hết được thành quả mà Cán bộ, người lao động Công ty đã xây dựng trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đó không chỉ là một vùng quê trù phú với rất nhiều dấu ấn mang tên Supe: Từ trường mầm non, trường tiểu học, trạm y tế, chợ quê… Mà đó còn là tình người đong đầy với những con người Supe hiền hòa, mến khách. Mỗi cán bộ, công nhân viên nơi đây mang trong mình trách nhiệm và niềm tự hào được đặt viên gạch cùng xây dựng ngôi nhà chung mang tên Supe. Nhớ lời dặn khi xưa của Người “Nhà máy có hai phần ba là đảng viên và đoàn viên. Đảng viên và đoàn viên không phải là những người ăn nhiều, hưởng hơn người khác, mà phải gương mẫu, xung phong giúp đỡ anh em ngoài Đảng, ngoài Đoàn để cùng tiến bộ”, giờ đây các tổ chức Đoàn thể của Công ty thực sự phát huy vai trò tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn 900 Đảng viên trong Đảng bộ Công ty luôn phát huy vai trò đầu tàu, nòng cốt. Họ đã tích cực thi đua và vận động Cán bộ, người lao động Công ty tham gia vào các phong trào học tập và làm theo lời Bác, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phong trào xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…Nhờ đó, trong năm 2016, có 355 đề tài, sáng kiến của 869 tác giả được áp dụng vào sản xuất với số tiền làm lợi trên 62 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty luôn quan tâm đến từng bữa ăn của người lao động. Với hơn 3000 lao động, chia 3 ca sản xuất liên tục được Lãnh đạo Công ty quan tâm chu đáo bằng những bữa ăn với rau, thịt… tự tăng gia. Do đó, chất lượng bữa ăn được đảm bảo, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm giúp người lao động đủ sức làm việc, yên tâm gắn bó với Công ty. Không chỉ đảm bảo đời sống cho Cán bộ và người lao động, giúp đỡ thiết thực cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn, Công ty còn tích cực chủ động tham gia giúp đỡ cộng đồng. Tính đến nay, Công ty đã hỗ trợ hàng trăm các gia đình thuộc 10 xã, Thị trấn Lâm Thao, phụng dưỡng 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ xây dựng nơi tưởng niệm Bác Hồ….  Đặc biệt, Công ty đã dành hàng tỷ đồng xây dựng đường dây điện cao áp đi qua xã Thạch Sơn, xây dựng cầu chui dân sinh xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đảm bảo đi lại an toàn so với việc băng qua đường tàu trước đây.

Ông Phạm Quang Tuyến – Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ “Bên cạnh việc chăm lo phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới, quan tâm nâng cao đời sống anh em, Công ty cũng thường xuyên khuyến khích các hoạt động tập thể, giúp đỡ hỗ trợ cộng đồng. Đặc biệt, cứ đến dịp kỷ niệm Bác Hồ về thăm Công ty 19/8 hoặc dịp kỷ niệm sinh nhật Người 19/5 hàng năm Công ty thường tổ chức các hoạt động phong phú như: Dâng hương tại K9, ôn lại những tình cảm sâu nặng Bác đã dành cho Công ty, mít tinh kỷ niệm, biểu diễn văn nghệ, hay mời các báo cáo viên Trung ương kể những câu chuyện về Bác  Hồ… Những hoạt động đó vừa là tri ân Bác Hồ đồng thời là dịp để các lớp thế hệ Supe gắn bó, đoàn kết một lòng xây dựng Công ty ngày càng phát triển”.

Để có một Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao thành công như ngày hôm nay, với 3 lần Anh hùng (Anh hùng Lao động (1985), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1999), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000); Huân chương Hồ Chí Minh (2005) là công sức của cả một tập thể suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ngày hôm nay, dưới sự lãnh đạo đầy nhiệt huyết của Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Phạm Quang Tuyến cùng hơn 3000 Cán bộ, người lao động Công ty luôn đoàn kết một lòng đưa thương hiệu “3 nhành cọ ” Lâm Thao đến gần hơn với bà con nông dân trên khắp mọi miền đất nước. Cùng với ý thức và lòng tự hào về truyền thống của đơn vị, tin rằng, Lâm Thao còn tiến nhanh và xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển.

 Theo Minh Anh (KDPT)