web analytics

Sau ánh hào quang… 21/05/2019

(KDTT) – Với mỗi doanh nhân, trong tâm tưởng của mọi người, họ hiện lên cùng hình ảnh những bữa ăn sang chảnh, những chuyến bay “như đi chợ”, những khách sạn hạng A, những sự chăm sóc tận chân tơ kẽ tóc… Nhưng sự thực, “sau ánh hào quang”, họ còn lại gì? 

Ảnh: Internet

Xin thưa: còn lại ngày thường với mồ hôi đầm áo, với mái tóc muối tiêu không kịp nhuộm, thậm chí là với cả cát bụi công trường bám đầy giày hiệu, xe sang.Doanh nhân không như bao nghề khác: từ sáng đến tối vẫn một bộ đồ, một tác phong, một công việc… Doanh nhân sáng ra công trường, nhà xưởng, áo bảo hộ, giày bata; chiều họp công ty, áo vest, quần âu, giày da, lúc nói cười, khi đanh mắt; tối gặp đối tác, bàn nhậu, ánh đèn, có khi áo quần xộc xệch, có khi tay bắt tay quàng… Dù thế nào cũng là sự lo toan, nghĩ ngợi 24/7, hiếm hoi có phút giây nào dành riêng cho bản thân, cho gia đình mình.

Với họ, sự vinh danh là trong chốc lát. Sự nỗ lực, sáng tạo là “cái nghiệp” cả đời. Và sau ngày của doanh nhân, họ lại băn khoăn, trăn trở với công cuộc hội nhập, nỗ lực cạnh tranh trên thương trường đầy gai góc.

Doanh nhân Việt đã có sự trưởng thành rất lớn từ khi đất nước đổi mới và đặc biệt là từ khi chúng ta hội nhập với các nền kinh tế khác.

Tuy nhiên, một mặt vô cùng quan trọng đối với các doanh nhân là không chỉ có thị trường mới để khai thác và sản phẩm mới làm ra, họ tiếp cận, cọ xát, cạnh tranh, học hỏi được rất nhiều từ đối tác bên ngoài. Nếu không có sự cọ xát, cạnh tranh và hợp tác đó, rất khó để các doanh nhân có thể trưởng thành như ngày nay.

Ở nước ta, nhiều người bước vào kinh doanh nhưng không qua trường lớp đào tạo. Không ít người bước vào kinh doanh do bức bách của cuộc sống mưu sinh. Động lực của họ nhiều khi chưa phải là muốn làm giàu mà đơn giản chỉ là có việc để làm cho cá nhân và gia đình. Do khó tìm công việc khác, họ chọn kinh doanh làm con đường mưu sinh và chịu khó học hỏi dần.

Nhiều người tự đào tạo mình qua quá trình làm việc, sau đó tham gia những khóa học phát triển bản thân. Không ít người cũng đã tham gia được chương trình đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước. Do vậy, hội nhập sẽ tạo ra sức ép và cơ hội để doanh nhân, doanh nghiệp Việt xác định tham gia vào con đường kinh doanh một cách vững chãi hơn.

Hội nhập chắc chắn đòi hỏi doanh nhân phải thay đổi. Nếu không, sẽ không thể cạnh tranh. Ảnh: Internet

Khi nói về sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, các chuyên gia thường nhìn nhận nhiều hơn về sức ép của chúng ta đối với công cuộc đổi mới nói chung, đặc biệt là đổi mới về thể chế, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn ở Việt Nam.

Đây là một sức ép rất lớn và động lực rất lớn để chúng ta làm. Vì đổi mới về thể chế bao giờ cũng rất khó khăn, đòi hỏi phải thay đổi về tư duy, nhận thức của cả một hệ thống. Trong hệ thống này, có nhiều mối quan hệ, nhiều lợi ích khác nhau đan xen, phải đấu tranh rất mạnh mẽ và có sức ép lớn mới có thể đạt được.

Doanh nghiệp không phải chờ sức ép mới thay đổi bởi điều này diễn ra thường xuyên với họ. Thậm chí, sức ép này diễn ra suốt những năm vừa qua và tăng liên tục, trong bối cảnh toàn cầu hóa. Người kinh doanh nào mà không cảm thấy sức ép diễn ra hàng ngày lên mình, người đó chưa ý thức được công việc để vượt lên.

Ngay cả trong thị trường nội địa, trước khi chúng ta có Luật Doanh nghiệp năm 1999, cả nước chỉ có khoảng hơn 40.000 công ty. Hiện tại, Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, chưa kể lực lượng rất lớn các đơn vị nước ngoài vào.

Trước đây, khi chưa mở cửa, chúng ta chưa cảm nhận được sức ép. Sau này, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào ngày càng nhiều, hàng hóa ngoại tràn vào Việt Nam, sức ép tăng lên với doanh nghiệp là hàng ngày. Nhiều đơn vị biết biến sức ép thành động lực để vượt lên trong cạnh tranh.

Đã là doanh nhân, doanh nghiệp, phải chấp nhận rủi ro, trong đó, những rủi ro, những thách thức có vấn đề cạnh tranh. Cạnh tranh luôn là vấn đề số một của doanh nghiệp và sức ép cạnh tranh là thường xuyên.

Theo KDPT