web analytics

Thời cơ và thách thức đối với các nhà Công thương Việt Nam 23/02/2018

(KDTT) – Năm 2017 đã qua, đây là năm đặc biệt khi lần đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam đã hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân. Nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh và xuất siêu, khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Các nhà công thương Việt Nam đã vượt qua thách thức, trí tuệ, bản lĩnh và sáng tạo đóng góp tích cực và những thành tựu chung đó. Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 đã đạt mức kỷ lục 127.000 với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng; đồng thời có trên 25.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam chụp cùng các nhà Công thương xuất sắc nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017.

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam có bước tiến vượt bậc. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2016 và tăng 30 bậc so với 2012. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 5 bậc trong năm 2017, đứng thứ 55/137 nước và tăng vọt 20 bậc so với 5 năm trước. Trước đó, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Việt Nam đã từ vị trí 59/128 năm ngoái lên vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Tình hình chính trị, xã hội ổn định. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là đã tổ chức thành công Năm APEC 2017. Vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên.
Nhìn về dài hạn, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011 – 2015 (33,6%).
Nguyên nhân quan trọng dẫn tới các kết quả nói trên là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân cả nước, trong đó có sự đóng góp đáng kể của các nhà công thương Việt nam. Các doanh nghiệp và doanh nhân Việt nam đã tập hợp trong tổ chức nghề nghiêp Câu lạc bộ Công thương Việt Nam – kế tục sự nghiệp của các nhà Công thương tiền bối, xây dựng và bồi dưỡng những khát vọng lớn lao, đề cao tinh thần quốc gia, bản lĩnh trí tuệ, sáng tạo những đột phá tạo them nhiều giá trị mới bền vững cho xã hội, cho đất nước.
Năm 2018 là năm có nhiều thời cơ và thách thức cho các doanh nghiệp, doanh nhân. Các nhà Công thương Việt Nam cần phải tập trung công sức trí tuệ phát triển kinh tế, mở mang kinh doanh, tạo ra nhiều giá trị mới trong khuôn khổ luật pháp với mục tiêu làm giàu cho chính mình và làm giàu cho đất nước. Đồng thời nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, tiếp tục khẳng định và đề cao tâm thế của doanh nhân Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam đã thực sự là nơi tập hợp các doanh nhân, doanh nghiệp trong cả nước vì mục tiêu chung : Hội tụ – Làm giàu – Kiến quốc, là nơi chia sẻ kinh nghiệm , hỗ trợ và bồi đắp tình cảm, tình yêu kinh doanh.
Câu lạc bộ – với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp của các doanh nghiệp , doanh nhân lấy Hội viên là trung tâm, tất cả các hoạt động đều hướng đến lợi ích của Hội viên, không phân biệt đó là doanh nhân đang điều hành doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Thông qua các hoạt động cụ thể, CLB sẽ mang đến cho hội viên những lợi ích thiết thực, cụ thể. Hỗ trợ hội viên mở rộng quan hệ kinh doanh, tăng cường hợp tác, đầu tư; quảng bá doanh nghiệp. Hỗ trợ hội viên tiếp xúc với các cơ quan quản lý Nhà nước, đóng góp xây dựng chính sách. Khuyến khích và hỗ trợ hội viên thực hiện các công tác xã hội, từ thiện. Câu lạc bộ cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, là nơi giải trí lãnh mạnh của các Hội viên sau những thời gian lao tâm khổ tứ tiến hành các hoạt động trên thương trường. Hơn ai hết, các nhà doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam phải biết tạo dựng và đề cao vị thế, tạo dựng và giũ gìn hình ảnh trong xã hội, trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Tự hào và phấn khởi về tất cả những gì đã làm, đã làm được năm 2017, các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam vững vàng vào năm 2018 với tâm thế mới, với quyết tâm mới, vượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội kinh doanh với hiệu quả cao nhất, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành, cho đất nước và cho xã hội.

    • “Các nhà Công thương Việt Nam cần phải tập trung công sức trí tuệ phát triển kinh tế, mở mang kinh doanh, tạo ra nhiều giá trị mới trong khuôn khổ luật pháp với mục tiêu làm giàu cho chính mình và làm giàu cho đất nước. Đồng thời nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, tiếp tục khẳng định và đề cao tâm thế của doanh nhân Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam đã thực sự là nơi tập hợp các doanh nhân, doanh nghiệp trong cả nước vì mục tiêu chung: Hội tụ – Làm giàu – Kiến quốc, là nơi chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và bồi đắp tình cảm, tình yêu kinh doanh”.

Theo: PGS-TS. Đặng Văn Thanh /KDPT
Chủ tịch CLB các nhà Công thương Việt Nam