web analytics

“Thương đức, thương tài” với thế hệ doanh nhân đầu thế kỷ XX 22/02/2018

(KDTT) – Điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị đầu thế kỷ XX ở Việt Nam đã gặp cú hích là phong trào Duy Tân, đây là tiền đề giúp hình thành tầng lớp doanh nhân trong giai đoạn này. Đội ngũ doanh nhân thời kỳ này đã để lại nhiều giá trị cốt yếu cho các nhà doanh nhân hậu sinh. Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, những giá trị đó vẫn trường tồn và phát triển. Trong hơi xuân ấm áp, cùng nhìn lại một triết lý đã làm nên thế hệ doanh nhân tiêu biểu của đất nước.

Các tầng lớp công thương Hà Nội nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 9/1945). (Ảnh tư liệu)

Mỗi nghề đều có một cái “đạo”, hay còn gọi là một triết lý riêng cho nghề. Đạo làm nghề thực ra không phải là điều gì quá to tát, khó hiểu. Nó bắt đầu từ việc rất đơn giản: Hiểu đúng nghề định theo, sẽ làm, tôn trọng các quy tắc nghề nghiệp đúng đắn trong tương quan hiểu rõ năng lực bản thân, đi kèm với việc chọn nghề là ước mơ, mục đích chính đáng. Chỉ như vậy, cá nhân mới có cơ hội gắn bó với nghề và thành công; xã hội mới có cơ hội phát triển bền vững, không lệch lạc. Cách nay non một thế kỷ, cụ Cử Can (Lương Văn Can) đã khẳng định: “Nhà buôn cần có đủ thương đức thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới”. “Thương đức – thương tài” – chỉ với hai chữ ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy đủ triết lý cho một nghề: Kinh doanh.
Cụ cho rằng: “Những người buôn gạo mà chỉ mong giá gạo đắt, buôn vải mà chỉ mong giá vải cao, tấm lòng không thoáng đãng, bình từ, mà mua thừa, bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo với hàng thật, đều bởi tại lòng tham quá nặng. Người có lòng tham như thế, dẫu được lợi đến đâu, nhưng “xét kỹ ra giàu nghèo có số …., đời có người buôn bán khởi gia mà con cháu chẳng được hưởng phúc đầy, thực bởi thế vậy.” Ngay trong những ngày đầu hình thành và phát triển, thương giới Việt đã có được một cái “đạo”, một đường lối khá rõ ràng. Đó quả là một may mắn rất đáng quý.
Và từ con đường đã được vạch rõ, thoáng đãng và xán lạn đó, tầng lớp doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX đã có cho mình một văn hóa kinh doanh đúng đắn, có đủ đức và tài trong thương nghiệp của mình. Chữ đức trong câu “Thương đức, thương tài” của cụ Cử Can thực ra được hiểu rất đơn giản mà sâu sắc.Trong tiếng Hán, chữ Đức được kết hợp từ ba bộ chữ là chữ sách, chữ trực và chữ tâm. Trong đó, chữ sách có nghĩa là bước đi, hành động; chữ trực nghĩa là ngay thẳng; chữ tâm mang ý nghĩa về sự suy tư, về ý nghĩ. Từ đó có thể hiểu người thương nhân có “thương đức” chính là người làm ăn, buôn bán theo đúng lương tâm trong sáng của mình. Với chữ tài trong “thương tài”, có thể hiểu là tài trí kinh doanh của người doanh nhân. Ý nghĩa sâu sắc của hai chữ này được thể hiện ở chỗ tác động qua lại với nhau, kinh doanh phải có tài, nhưng có tài rồi lại phải kèm theo đức, đức và tài, cả hai phải sóng đôi trong thương nghiệp của người doanh nhân.Minh chứng cho sự “thương đức, thương tài” ấy có thể kể đến những hoạt động “chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp”, và hơn hết là tinh thần dân tộc bất khuất mà các doanh nhân như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà đã thực hiện trong hoàn cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Cái tài của các doanh nhân thời kỳ này đã được minh chứng bằng những thương hiệu có thể cạnh tranh với quốc tế, cái đức của các cụ không những được thể hiện trong kinh doanh mà còn được thể hiện trong lúc nước nhà gặp khó khăn về tài chính,… Chính các cụ là người góp phần xây dựng ngân khố quốc gia.
Tầng lớp doanh nhân yêu nước nửa đầu thế kỷ XX – chủ thể của nền kinh doanh giai đoạn này đã thể hiện ý nghĩa đích thực của đạo làm giàu với tâm – tài – trí – dũng. Đó chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các thế hệ doanh nhân nửa đầu thế kỷ XX, tạo nên một thế hệ doanh nhân lấy mục tiêu làm giàu gắn với công cuộc cứu nước để đến khi gặp được ngọn lửa Cách mạng Tháng Tám thì bùng cháy khát vọng cống hiến. Những tấm gương doanh nhân từ Lương Văn Can đến Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà trở thành những gương văn hóa doanh nhân được tôn vinh trong các thế hệ doanh nhân sau này.
Theo: Thùy Trang/ KDPT