web analytics

Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thanh: Nữ đảng viên “giỏi việc nước – đảm việc nhà” 18/06/2019

(KDPT) – Trong cuộc đời mỗi con người luôn có những ngã rẽ. Có những ngã rẽ tình cờ, có những ngã rẽ dường như đã được số phận sắp đặt. Nhưng tất cả có một điểm chung là chính từ những ngã rẽ đó sẽ tạo ra những bước đổi thay lớn. Chia tay nơi nhiều năm gắn bó với mình, chị đến với Hà Nội như một sự “chạy trốn”. Sau tất cả những đắng cay, chị cảm nhận được vị ngọt ngào, hạnh phúc ở nơi mình đã chọn. Không chỉ là Doanh nhân thành đạt, nữ Đảng viên có nhiều hoạt động tích cực mà chị còn là người bà, người mẹ, người vợ đảm đang trong gia đình. Chị là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Âu Việt – Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thanh.

Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Du lịch Âu Việt.

Bén duyên với nghiệp kinh doanh

Chị sinh ra trong một gia đình nho giáo nghèo, đông con tại một làng quê ven sông Hồng thuộc tỉnh  Phú Thọ. Trong mấy chị em cùng nhà, chị được thừa hưởng nét đảm đang, tháo vát từ người mẹ tảo tần và sự mạnh mẽ, quyết đoán của người cha vốn là ông giáo làng nghiêm khắc. Cái đói nghèo của vùng đất thường xuyên bị lũ lụt đeo đẳng suốt tuổi thơ cô bé Minh Thanh. Chị thương mẹ đến thắt lòng mỗi khi phải đi vay từng đấu thóc nuôi đàn con thơ những ngày giáp hạt. Vốn là người chịu thương, chịu khó, chị không nề hà làm mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Nhà nghèo nhưng các anh chị em đều ham học, nên khi hết cấp 2, bố mẹ không thể lo đủ 2kg gạo cho một tuần học xa nhà, chị phải thi vào trường nội trú. Vừa học, vừa làm, hàng ngày ngoài một buổi tới trường, thời gian còn lại chị phải lên rừng hái củi trồng sắn, trồng chè để tự mình lo cho cuộc sống. Vất vả là vậy nhưng năm nào chị cũng đạt học sinh giỏi, được cử đi thi học sinh giỏi các cấp. 17 tuổi chị đã cùng mẹ đảm đương 1,6 mẫu ruộng khoán cho cả gia đình. Thật lạ, bởi dù hàng ngày cháy lưng trên đồng ruộng nhưng chị vẫn được các bạn trên thị xã gắn cho cái danh là “dan cày đường nhựa” bởi cái dang cao thon thả và nước da trắng ngần.

Chẳng biết có phải chị sớm nhạy cảm với sự thiệt thòi của con nhà nghèo so với chúng bạn hay không mà từ khi còn nhỏ chị luôn ấp ủ ước mơ được theo nghề Thương nghiệp. Ít ai biết rằng, cái máu kinh doanh đã ngấm vào người cô bé Minh Thanh từ khi mới 14 tuổi. Chị đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ việc ra thị xã bán củi, măng rừng và mua quần về bán lại cho người làng. Và dường như đó là một phần lý do chị chọn học Trường trung cấp Kế toán lâm nghiệp Trung ương thay vì khối sư phạm để làm cô giáo nối nghiệp bố mình như bao bạn bè cùng thời. Tốt nghiệp, chị đầu quân vào Công ty Thương nghiệp Phú Thọ. Ban đầu chị làm kế toán, rồi theo thời gian chị trực tiếp tham gia kinh doanh. Cũng chỉ là nhập hàng, bán hàng và ăn lương Nhà nước như nhân viên khác nhưng chị có duyên bán hàng nên thường xuyên dẫn đầu về doanh số. Hơn nữa nhờ có khả năng phân tích sắc bén nên chị biết đề xuất công ty lựa chọn kinh doanh những mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng địa phương. Nhưng rồi, thời bao cấp với cái “mác” Thương nghiệp Nhà nước vốn nức tiếng một thời rồi cũng đến ngày phải thay đổi. Trong khi không ít đồng nghiệp ngậm  ngùi tiếc nuối thời vàng son và “sợ” với cơ chế khoán tới tận tay người bán hàng thì chị lại coi đó là cơ hội tốt. Chị là một trong những người đầu tiên của Công ty xin hưởng lương theo mức khoán.

Trưởng thành từ gian khó

“Sinh ra phải thời hoạn nạn, lớn lên gặp buổi gian nan”. Đó là câu chị thường suy ngẫm về chính mình. Có lẽ chị sinh tuổi Nhâm Dần nên có số “gian nan” vậy. Tuổi thơ cực nhọc qua đi, chị lại gánh thêm nỗi vất vả sau khi lập gia đình. Chồng thường xuyên vắng nhà, một nách chăm sóc hai đứa con nhỏ, chị đảm đương phần việc của người phụ nữ và đàn ông trong nhà. Người mẹ trẻ Minh Thanh tự tay làm mọi việc từ lợp mái nhà hay vác những bao gạo 50 kg để kịp chuyển cho cửa hàng phục vụ bán hàng Tết giữa lúc đang lên cơn sốt. Ngoài thời gian bán hàng khoán, thay vì nghỉ ngơi, chị tranh thủ nhận đưa hàng cho các mối, rồi tham gia quản lý lớp may đo buổi tối để có thêm thu nhập. Vốn tinh ý lại khéo tay, chị đã mày mò thiết kế cắt, rồi may đo thành những chiếc áo bà ba đủ kích cỡ đem về quê bán. Để có phương tiện đưa hàng, chị đã phải chắt chiu từng đồng, thậm chí phải dè sẻn bán cả ô phiếu vải 5m mua xe đạp. Dưới con mắt của người làm Thương nghiệp, cửa hàng do chị nhận khoán luôn đầy ắp mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng đã giúp chị trang trải cuộc sống và đủ sức nuôi 2 con khôn lớn. Và chính tình yêu nghề đã giúp chị có sức bật trong lúc nguy nan nhất để hoàn thành vượt kế hoạch mà công ty giao. Từ một nhân viên bình thường, chị được tín nhiệm trong vai trò mới: Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Công ty.

Công việc mới gắn với những chuyến đi công tác ở Hà Nội ngày càng nhiều hơn. Tất tả ngược xuôi, lúc thì đi xe khách, lúc lại đi xe ôm, chị chẳng ngần ngại chỉ mong xong việc để về với con và làm sao tiết kiệm chi phí tối đa. Chị phấn đấu và có chỗ đứng trong công việc nhưng với gia đình, khoảng cách mong manh mà chị cảm nhận được ngày càng lớn dần. Dù có cố gắng gượng nhưng hai con người tốt ấy dường như không thể xích lại gần nhau. Chị thương chồng, thương con và thương chính mình. Quyết định xin cấp trên được mở chi nhánh tại Hà Nội cho tiện công tác nhưng dường như là một sự “chạy trốn” để tìm tương lai cho các con mình. Ngày ấy, khi bươc chân tới chốn Hà thành, một nách hai con thơ, chị bơ vơ nơi đất khách. Không người thân thích, chị quyết chí xây dựng chi nhánh từ mảnh đất phồn hoa này trước con mắt ái ngại của nhiều người. Khó khăn trĩu nặng hai vai, có lúc chị tưởng chừng không vượt qua nổi, bởi nuôi con đã khó, dạy con còn khó hơn nhiều. Chị đã phải khép mình vào khuôn khổ, gồng mình lên mà sống để không gục ngã trước những khó khăn cám dỗ đời thường. Nhớ lại những năm tháng ấy chị không khỏi chạnh lòng, có lúc chị tự hỏi không biết chị lấy đâu ra sức lực mà làm được những điều kỳ diệu ấy.

Mang tiếng là Giám đốc chi nhánh, nhưng chị phải lăn lộn tới từng mối nhập hàng, đến cả các trại giam khắp miền Bắc để giao hàng. Chị kinh doanh đủ thứ: từ hạt muối, cái kim, sợi chỉ đến hóa chất tiền chất nổ phục vụ quốc phòng. Trời không phụ người khó, công việc dần đi vào ổn định. Dường như thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của người mẹ trẻ nên các con chị đều biết thương mẹ và chú tâm vào chuyện học hành. Con học, mẹ cũng học. Chị quyết tâm vừa làm, vừa học để hoàn thiện 2 tấm bằng dang dở. Với chị, 2 tấm bằng ấy không chỉ trang bị thêm cho mình kiến thức mà còn là tấm gương cho các con. Hàng tháng, chị khéo léo thu xếp 10 ngày đi hàng trăm cây số về Phú Thọ để học, để rồi mấy năm sau, nhận bằng trong tay chị mừng rơi lệ. Bên cạnh việc đảm bảo công việc, chị còn là phụ nữ luôn biết vươn lên, xứng đáng đứng trong  đội ngũ của Đảng. Đối với chị, trở thành Đảng viên sau 4 lần học cảm tình Đảng kéo dài hàng chục năm do nhiều yếu tố khách quan cũng là một điểm thú vị. Bởi lẽ, ngay từ thời còn đi học, chị đã rất thích theo gương bố mẹ, những Đảng viên luôn sống ngay thật, chính trực được dân làng kính mến. Lúc đó, trong trái tim non nớt của cô gái mới lớn, chị hiểu đơn giản: Đảng viên là đi theo cách mạng, theo Bác Hồ. Cũng chính con đường phấn đấu gian nan đã tôi luyện cho chị sự kiên định con đường đã chọn. Và nó như sợi dây vô hình giúp chị đứng vững trước những sóng gió, cạm bẫy bên ngoài. Đồng thời, cách sống theo khuôn phép ấy đã giúp hai đứa con chị học hành tử tế, sau này đều trở thành sinh viên các trường Đại học danh tiếng.

Người ta thường nói “an cư mới lập nghiệp”. Với chị điều đó không phải ngoại lệ. Kết quả học tập ngày càng tiến bộ của các con khiến chị như được tiếp thêm sức mạnh phấn đầu cho sự nghiệp. Suốt mấy năm liền, từ năm 2002 đến năm 2006, Chi nhánh Hà Nội luôn nằm trong Top dẫn đầu toàn công ty, Giám đốc chi nhánh liên tục nhận được bằng khen và danh hiệu Chiến sỹ thi đua của Bộ Thương mại.

“Lấn sân”sang bất động sản

Vốn là người nhạy bén với kinh doanh, ngay từ những ngày còn ngồi trên xe khách từ Phú Thọ xuống Hà Nội công tác chị đã mơ một ngày không xa được đem sản phẩm chè Phú Thọ đến khắp mọi miền đất nước. Ý tưởng đó được anh trai là người đã có kinh nghiệm và kiến thức về chè hoàn toàn ủng hộ. Chị chọn Hà Nội như điểm khởi đầu cho dự án. Thân cò lặn lội, chị tự lo lập dự án, chạy vạy khắp nơi, thuyết phục Thành phố xin được hơn ngàn m2 đất tại cụm công nghiệp Cầu Giấy làm nơi chế biết và giới thiệu sản phẩm chè sạch. Chưa kịp mừng vì được cấp đất, chị đã phải đối mặt với những khó khăn mới vì hạn chế về kinh nghiệm và khó khăn về nguồn vốn.

House on pile of money

Năm 2005, Công ty Thương mại Phú Thọ tiến hành cổ phần hóa. Mặc dù được cấp trên tiến cử là Phó Giám đốc nhưng chị đã xin nghỉ chế độ theo Nghị định 41. Cùng thời điểm này, chị dã thành lập Công ty Thương mại & Du lịch Hoàng Linh và Âu Việt với cương vị là Chủ tịch HĐQT và dành mọi tâm trí vào mảng đầu tư dự án. Về thương mại, Hoàng Linh và Âu Việt là một trong những Doanh nghiệp chuyên sâu về hóa chất, nhưng khi “lấn sân” sang bất động sản, chị dần khẳng định bằng những bước đi đúng hướng. Cùng thời điểm triển khai dự án Cầu Giấy, chị mạnh dạn lập dự án đầu tư một trung tâm đa dạng với các dịch vụ thương mại và là nơi hiện thực giấc mơ làm đẹp cho mọi người. Ban đầu, nhiều người còn băn khoăn vì dự án xa trung tâm thành phố và khi ấy lượng người có thu nhập ở khu vực này không nhiều. Hiện tại, khu vực Cầu Giấy là khu vực có tốc độ phát triển nhanh và trở thành vùng phát triển trọng điểm của Thủ đô. Hơn thế, điều sâu xa chị muốn thực hiện dự án này bởi có những thời điểm căng thẳng chị không dễ gì tìm được nơi giải tỏa những căng thẳng trong công việc và cuộc sống bởi khát vọng mong muốn chia sẻ bớt những mệt nhọc, tạo sự tự tin của chị em phụ nữ. Cả hai công trình hoàn thành vào đúng dịp Kỷ niệm Hà Nội 1000 năm tuổi như một sự tri ân của chị dành cho quê hương thứ 2 này.

Sống trên một vùng đất bãi ven sông Hồng và trải qua tuổi thơ thiếu thốn nên chị hiểu “nỗi lòng” của những đứa trẻ. Để phát triển toàn diện, chúng cần được ăn, học và được vui chơi…Mỗi lần về thăm quê đi ngang qua vùng Đan Phượng, chị thấy nơi đây kinh tế đang phát triển mạnh, lại gần cửa ngõ Thủ đô. Tuy nhiên, các dịch vụ văn hóa thể thao chưa được quan tâm đầu tư tương xứng. Khi bọn trẻ muốn được vui chơi, nhất là khi hè về là phải đi quãng đường hơn 20 cây số vào trong nội thành chen nhau trong những bể bơi vốn đã chật ních người. Ý tưởng đầu tư bể bơi, phục vụ thế hệ tương lai của đất nước nảy sinh trong chị. Nhưng ngay khi đưa ra bàn trong công ty, nhiều ý kiến không đồng tình và có người còn cho chị là gàn dở, mạo hiểm khi “bỏ tiền tỷ đi nhặt tiền xu”. Đứng ở góc độ kinh doanh, chị thấy bài toán không thực sự  hiệu quả. Nhưng quả như chị dự tính, giờ đây Khu bể bơi thực sự đã đáp ứng được nhu cầu của người dân trong vùng. Hơn nữa, nhờ có chị, không chỉ trẻ em mà nhiều gia đình nơi đây đã có điểm vui chơi vừa nâng cao sức khỏe, vừa gắn kết tình thân vừa được thỏa sức vẫy vùng trong làn nước xanh mát mỗi khi hè về.

Những phút trải lòng

Bạn bè và người thân thích hiểu và thương chị thường ví cuộc đời và tính cách của chị như “cốc chè thập cẩm”; ở đó có vị ngọt ngào, vị mằn mặn, thêm chút chua cay là hoàn thiện. Không phải sự ngẫu nhiên mà họ ví chị như vậy bởi trong công việc chị là người quyết đoán, linh hoạt, không chỉ hiểu rõ từng chi tiết mà chị còn có khả năng phán đoán rất sâu sắc, có tầm nhìn xa không kém đấng mày râu. Ngược lại, chị lại là người yếu mềm trong tình cảm, dễ xúc động như thiên bẩm mà tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ. Hiếm có người phụ nữ nào đã một mình nuôi con mà trước lúc chia tay vẫn còn lo lắng làm nhà, cưới vợ cho chồng và còn hơn thế nữa, khi anh ốm đau chị vẫn cùng các con tận tình chăm sóc.Thật tâm vun vén cho hạnh phúc mới của người chồng cũ để rồi đêm về nức nở với những dòng thơ cho mình và chị chợt thấy mình thanh thản hơn:

…. “Chỉ còn lại một mình ta.

Người đi lấy vợ mẹ cha yên lòng

Chiều đông giá lạnh mênh mông

Buồn vui lệ chảy đôi dòng cuốn theo….”

Chia sẻ những điều này, người phụ nữ vốn nổi tiếng nghiêm khắc trong công việc có thể khóc ngon lành như một đứa trẻ. Với nhiều cung bậc cảm xúc chất chứa, chị tiếp câu chuyện còn dang dở: “Có lẽ tình càm là thứ khó lý giải nhất. Trong lúc mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất thì mình lại có cách cư xử hết sức đàn bà, đó là lòng thương và tình người sâu nặng. Công việc kinh doanh nhiều khi quá sức, phải gồng mình lên mà bước tiếp. Khi dự án đang cần thêm vốn, thị trường bất động sản dường như đóng băng, trong khi đối tác đầu tư đang bên bờ vực phá sản. Đang cần tiền mà họ đòi rút vốn, thì khó cho mình. Nhưng đứng nhìn người ta rơi vào đường cùng cũng không thể  đành lòng”. Nhận phần khó về mình, chị lặng lẽ thế chấp nhà cửa, cầm cố tài sản  của gia đình để lấy vốn tiếp tục hoàn thành công tác đầu tư . Rồi có những lúc công trình cần đẩy nhanh tiến độ, có khi cả ngày chị phơi mặt ngoài công trường cùng công nhân mà không hề quản ngai. Vất vả là thế, công việc bộn bề là thế nhưng chị vẫn tham gia tích cực các công tác Đảng , đi họp Đảng đúng giờ, không để ai chê trách. Chị coi đó là một trách nhiệm, một sự nhắn nhủ bản thân phải sống sao cho xứng đáng khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng.

So với độ tuổi ngoài 50, chị vẫn tràn đầy sức sống. Vốn đã có kinh nghiệm làm dự án, lại có số vốn nhất định, chị có thể gặt hái thêm thành quả mới ở lĩnh vực bất động sản nhiều tiềm năng. Nhưng chị lại chọn cho mình điểm dừng. Thay vì mải mê tìm kiếm những dự án, chị dành tâm huyết trong phân khúc cho thuê văn phòng. Trong cái khó của thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chị chung tay cùng các doanh nghiệp, không chỉ tạo diện tích cho thuê nhỏ hơn phù hợp yêu cầu, mà còn có chính sách ưu đãi về giá, dịch vụ với những công ty gắn bó lâu dài. Xác định mục tiêu ưu tiên tỷ lệ lấp đầy trên 70% hơn là tính giá thuê cao, bài toán về doanh thu của chị luôn hiệu quả. Tuy qui mô nhỏ, nhưng 2 công ty tạo công ăn việc làm cho 50 nhân viên với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm đóng thuế cho Nhà nước mấy tỷ đồng. Đặc biệt, chị đã tạo cơ hội cho hàng trăm công ty có chỗ làm việc ổn định, chuyên nghiệp.

Thương trường đã lấy đi của chị nhiều thứ, bù lại cũng cho chị nhiều thứ, đặc biệt là tình người. Trong công việc, chị là người quyết đoán, năng động, có tầm nhìn không kém bậc nam nhi. Nhưng ở chị, luôn thường trực sự yếu mềm, nữ tính đầy bản năng. Chị có thói quen thật đẹp: vui, buồn chị đều thao thức cùng thơ. Những phút trải lòng vào những dòng thơ ấy đã giúp chị cân bằng được với cuộc sống đầy ồn ào, bon chen thường nhật. Và sau này, thơ cũng là nhịp cầu gắn kết chị với người chị yêu thương, khắc khoải.  Qua bao đắng cay của cuộc đời, chị cũng không ngờ, ở cái tuổi không còn trẻ nữa chị lại được ông trời ưu ái đến vậy. Chị gặp anh, người đàn ông giống chị ở điểm thắng thắn, rất yêu thơ và biết đồng cảm với chị. Anh đã dang rộng đôi tay che chở cho chị. Còn chị lại thấy mình bé nhỏ, muốn vùi đầu vào bờ vai vững chãi không thôi. Tình yêu như một làn gió mới, để 2 trái tim tưởng như đã nguội lạnh lại rạo rực tuôn trào, dòng máu nóng chảy tràn xóa tan sự lạnh giá suốt bao năm anh chỉ chú tâm vào công tác, chị ngược xuôi với chuyện kinh doanh. Để rôi chị lại thấy mình vẫn là một phụ nữ yếu mềm, yêu và được yêu trọn vẹn.

Đằng sau công việc, chị luôn tròn vai một người mẹ hiền, vợ đảm. Để rồi hôm nay khi  đã được làm bà, chị lại dốc lòng lo toan cho các cháu. Chị thường dành thời gian rỗi trồng rau, tự tay nấu ăn hàng ngày, vun đắp hạnh phúc cho ngôi nhà bé nhỏ. Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo của chị mà vườn rau luôn tươi xanh, cung cấp đủ ăn cho cả gia đình. Mỗi dịp cuối tuần, các con, cháu quây quần, chị lại trổ tài nấu nướng chiêu đãi cả nhà. Chị chia sẻ, khi đã vào bếp để có được một bữa ăn ngon, sạch, bổ dưỡng cho gia đình, bạn bè mình phải gửi cả tấm lòng vào đó. Bởi vậy, nếu ai đã một lần tới gia đình chị thưởng thức các món ăn , nhìn cách bài trí, lựa chọn món ăn đến hương vị của từng món, đều không khỏi trầm trồ về khả năng nội trợ của chị.

Giờ đây, khi đã về chung sống dưới một mái nhà, những ngày tháng bên chị, chồng chị lại càng hiểu nỗi vất vả, gian truân của một người làm kinh doanh như chị và anh càng thương chị hơn bao giờ hết. Tình yêu thương của anh kết tinh trong những dòng thơ chân tình chất chứa nhiều cảm xúc mà anh đã dành tặng cho vợ mình nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.2016.

Ồ! Đã tháng mười rồi đấy nhỉ?

Chúc mừng em con ong chăm chỉ

Với tháng mười, ngày hội của Doanh nhân!

Những người như em, chăm chỉ, chuyên cần

Góp nhặt từng đồng để gây sự nghiệp

Anh chúc em vững chân bước tiếp

Con đường chông gai chẳng dễ dàng gì

Nhiều đêm dài em trằn trọc nghĩ suy

Ngày mai phải làm gì cho doanh nghiệp

Giữa thương trường triệu người trùng điệp

Vẫn là “chiến trường” tranh đấu, đua chen

Nên cũng không ít kẻ đê hèn

Muốn hại em chúng ngại chi lừa đảo

Có những khi chúng gây ra giông bão

Làm cho em mất ngủ, lo âu

Nhưng em ơi, có xá gì đâu

Vì Doanh nhân còn nhiều người vĩ đại

Như em đó, dặm trường thân gái

Vẫn vững vàng chèo lái, vượt qua

Anh chúc em dù sóng gió phong ba

Vẫn vươn tới giành mục tiêu đã chọn

Kiên định làm giàu, chắt chiu chăm bón

Như chồi non tìm ánh sáng vươn mình

Ngày Doanh nhân Bông hồng Vàng anh tặng

Vì chỉ có em trong nhà xứng đáng

Là Doanh nhân, là mẹ hiền, vợ đảm

Biết làm giàu và cũng biết sẻ chia…..

Mỗi lần gặp chị, lại thấy chị như trẻ và đẹp ra. Đúng là tình yêu có sức mạnh phi thường!  Ở tuổi làm bà, dường như chị vẫn giữ được vóc dáng của thời con gái. Sống và làm việc hết mình, những Nữ doanh nhân Việt Nam “giỏi việc nước đảm việc nhà” như chị chính là những bông hoa đang hàng ngày hàng giờ tỏa hương thơm mát, góp phần làm cho cuộc đời thêm tươi vui và ý nghĩa hơn.

Theo Minh Anh (KDPT)