web analytics

“Sức mạnh của báo chí góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp” 21/06/2019

(KDTT) – Đã có bao nhận định được sử dụng để miêu tả quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp – “quan hệ cộng sinh”, “gắn bó, hợp tác và chia sẻ”, “mối lương duyên không thể chia tách”, rồi “báo chí là tai mắt, nhưng cũng là người bạn tri kỷ của doanh nghiệp. Báo chí cũng là người “tiếp lửa” cho doanh nghiệp, doanh nhân để cùng hợp tác đi đến thắng lợi”… Những nhận định đó là chính xác, chí ít là từ trước đến nay, dựa trên nhu cầu cơ bản của hai bên. 

Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, với sự ra đời của Internet và sự phát triển mạnh của truyền thông xã hội, quan hệ đó phần nào thay đổi. Với sự phát triển của công nghệ truyền thông, các doanh nghiệp hiện nay hoàn toàn có thể tự mình mở website, blog hay fanpage trên mạng xã hội, lập kênh YouTube…

Tuy nhiên, dẫu cho vai trò của báo chí có phần bị thách thức, báo chí vẫn là mối quan hệ được các doanh nghiệp coi trọng. Ngoài chức năng “thúc đẩy chương trình nghị sự”, báo chí có thể tác động đến chủ trương, chính sách đụng đến “nồi cơm” của doanh nghiệp và báo chí có vai trò quan trọng trong quản lý khủng hoảng truyền thông.

Những lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Nhà nước cùng lãnh đạo các tập đoàn, công ty đều có chia sẻ, suy nghĩ tâm huyết về mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Sức mạnh của báo chí góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp”

Ảnh: TTXVN

“Đất nước càng dân chủ bao nhiêu thì sự công khai, minh bạch, tiếng nói của báo chí càng quan trọng bấy nhiêu. Đây là tiếng nói của công luận, là sức mạnh của báo chí. Sức mạnh này để phục vụ sự phát triển đất nước, trong đó, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Báo chí làm cần làm tốt hơn vai trò là diễn đàn cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy sáng tạo, chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh.

Báo chí cũng cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân, tôn vinh, động viên doanh nhân đóng góp tài năng xây dựng đất nước.

Doanh nghiệp có nhiều mối lo như lo cho người lao động, sản phẩm, phát triển ổn định… Đó là những mối lo lớn mà chúng ta cần tôn trọng, làm cho xã hội hiểu, đừng tạo rào cản để doanh nghiệp yên tâm.

Tôi mong rằng thời gian tới, báo chí và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, vì lợi ích chung của cộng đồng, vì thương hiệu doanh nghiệp, vì sản phẩm Việt Nam, để cùng phát triển đất nước chúng ta”.

Bà Phạm Nguyên Hạnh – Phó TGĐ Tập đoàn dệt may VN, Vinatex:

Tựa vào nhau cùng phát triển

Trước tiên, việc báo chí phản ánh hoạt động của DN cần trung thực, khách quan, đúng với những gì đang diễn ra tại DN. Những vấn đề mang tính chuyên sâu, chuyên ngành, báo chí cần trao đổi cụ thể với DN để đưa ra tiếng nói thống nhất. Không ai là không có những sai sót trong nghề nghiệp, bản thân chúng tôi cũng có những sai sót. Tuy nhiên, điều quan trọng là DN – nhà báo biết hợp tác, trao đổi, hiểu rõ bản chất vấn đề thì công việc sẽ suôn sẻ, đưa ra thông tin chính xác, kịp thời. Nói như vậy để thấy rằng mối quan hệ giữa báo chí và DN là rất quan trọng, dựa vào nhau để cùng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Thụ – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí VN:

Cùng tiếng nói với DN

Báo chí thời gian qua luôn đồng hành cùng DN cơ khí, nhiều khó khăn của ngành cơ khí đã được báo chí hỗ trợ tuyên truyền tới các cơ quan chức năng. Ví dụ, các DN phản ánh rất nhiều tới những bất cập của Luật đấu thầu hiện nay, các nhà thầu trong nước thất thế trước các nhà thầu ngoại, báo chí đã phản ánh được tình trạng thực tế đó. Đến nay, các cơ quan chức năng đã nắm rõ hơn những khó khăn đó của DN, cũng như những bật cập của luật nên bắt đầu sửa đổi luật để các nhà thầu trong nước có thể đảm bảo quyền lợi, thắng thầu và có công ăn việc làm cho người lao động.

Báo chí cần sát hơn các vấn đề thực tiễn của DN, các DN rất cần báo chí hỗ trợ tuyên truyền về những khó khăn về vốn, lãi suất… cần có tiếng nói cùng với DN phản ánh kịp thời tới các cơ quan chức năng.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Shinec :

Phải có “tâm”, có “tầm”

“Để báo chí ngày càng thể hiện vai trò của mình để đóng góp cho sự phát triển kinh tế tốt hơn, trước hết người làm báo – nhất là báo kinh tế phải có con mắt quan sát, cách nhìn của nhà kinh tế để tổng hợp tình hình, phải biết phân tích chắc chắn những chiều hướng diễn biến của thời cuộc, đưa ra những nội dung trọng tâm mà DN quan tâm. Báo chí không chạy đua theo những tin tức rẻ tiền, hoặc chỉ biết để phê phán, chỉ trích mà không thấy được mặt tích cực của những vấn đề kinh tế đang vận động để đổi mới, phát triển một cách biện chứng theo cơ chê thị trường. Điều đó mới thể hiện được vai trò của báo chí đóng góp sự phát triển kinh tế – xã hội”.

Theo KDPT