web analytics

Doanh nghiệp “xanh” mới được “lên sàn” 26/06/2019

(KDTT) – Tại Hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp” mới đây, có ý kiến cho rằng cần sớm có tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp về mức độ “xanh”. Doanh nghiệp phát triển “xanh” mới được niêm yết trên sàn chứng khoán; dự án phải bảo đảm thân thiện môi trường thì ngân hàng mới “rót” tiền.

Nhiều rủi ro cho doanh nghiệp

Theo PGS.TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và dự báo, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường toàn thế giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài, nhiều khu vực ven biển có bình độ thấp. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Theo tính toán dự báo của các chuyên gia, nếu mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 – 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng khoảng 0,5 – 0,7 độ C, nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. Biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán trở nên khốc liệt. “Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”, TS. Lê Xuân Đình nhấn mạnh.

Biến đổi khí hậu có thể đưa đến nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp như rủi ro khí hậu, rủi ro gây ảnh hưởng tài chính, rủi ro công nghệ và nhân sự, rủi ro vật lý, rủi ro chuyển đổi, rủi ro danh tiếng, rủi ro chính sách, rủi ro kiện tụng…TS. Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục môi trường và Phát triển (CERED) cho biết. Mức thiệt hại của các rủi ro này là rất lớn. Ví dụ, chỉ tính riêng năm 2016, bão, lụt, thời tiết cực đoan đã làm thế giới tốn hàng chục nghìn tỷ USD, riêng nông nghiệp, năng lượng của Việt Nam thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trung Thắng, nhận thức về biến đổi khí hậu của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, chưa quan tâm tới bảo vệ môi trường, thực hiện mô hình sản xuất và tiêu dùng nhằm phát thải carbon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Khuyến khích các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

TS. Nguyễn Hữu Ninh cho biết, các nền kinh tế thế giới chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường sẽ được hồi sinh dưới dạng các nguồn lực khác nhau và tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng. Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng, đây cũng là cơ hội để chúng ta học tập, tiếp cận mô hình mới,  đổi mới khoa học công nghệ và mở rộng thị trường.

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, phương thức quản lý để phát triển các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường là điều các doanh nghiệp cần làm ngay để biến thách thức thành cơ hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người quản lý và lao động trong doanh nghiệp mình và tại địa phương đặt cơ sở sản xuất.

Các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu cần được nghiên cứu, ban hành đồng bộ, kết hợp khoa học và thực tiễn, có tính gắn kết và liên vùng; phối hợp giữa mục tiêu kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách, giải pháp phù hợp khuyến khích tư nhân tham gia nghiên cứu, áp dụng và đầu tư cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế ít phát thải carbon, thân thiện với môi trường; hạn chế các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch. TS. Nguyễn Hữu Ninh đề xuất sớm có tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá doanh nghiệp về mức độ “xanh”. Doanh nghiệp nào phát triển “xanh” mới được niêm yết trên sàn chứng khoán. Dự án phải bảo đảm thân thiện môi trường thì ngân hàng mới “rót” tiền.

Nguồn KDPT