web analytics

Doanh nghiệp Việt Nam với chuyển đổi số: Rất khó khăn nhưng đó là mệnh lệnh 08/05/2019

(KDTT) – Hội nhập kinh tế thế giới đã vào trong đất nước của chúng ta. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhận thức chuyển đổi số chính là mệnh lệnh. Chúng tôi xin giới thiệu quan điểm của ThS. Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về chuyển đối số trong doanh nghiệp, về những vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết trong công cuộc “lột xác” đầy khó khăn này. 

ThS. Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về chuyển đối số trong doanh nghiệp, chia sẻ về những vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết.

Khi chuyển đổi số, các khó khăn của doanh nghiệp nằm trong bốn giai đoạn 01 – Lập chiến lược chuyển đổi số; 02 – Lựa chọn công nghệ, giải pháp và nhà cung cáp dịch vụ tích hợp; 03 – Thực thi triển khai chuyển đổi số; 04 – Theo dõi chuyển hóa thành công số hóa. Trong 4 giai đoạn này, các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải rất đa dạng.

  1. Tâm thế lãnh đạo: Chuyển đổi số là quá trình tự lột xác và chuyển đổi của bản thân trong quản trị doanh nghiệp. Đây có thể là bước khó khăn nhất của người lãnh đạo doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp hành trình chuyển đổi số đã chấm dứt ngay từ đây. Tại Việt Nam, đa phần các chủ doanh nghiệp xuất thân từ thế hệ 7X và 8X chưa quen với các công nghệ và quy trình số. Sợ hãi trước những gì mới lạ là bản chất của mọi cá nhân. Để vượt qua khó khăn này, đòi hỏi các lãnh đạo cần gia tăng tiếp xúc trải nghiệm số hóa các sản phẩm và dịch vụ trong ngành cũng như trong cuộc sống. Trải nghiệm sẽ mang lại sự tự tin và mong ước có được những công nghệ quy trình hiện đại.
  2. Quản lý cấp cao: Quản lý cấp cao là khó khăn thứ hai doanh nghiệp chuyển đổi số cần phải vượt qua. Đa phần quản lý cấp cao không thích hoặc chống đối với quá trình chuyển đổi số vì họ đang trong vùng an toàn và có nhiều quyền lợi. Họ đang quản trị và vận hành lĩnh vực riêng của mình với những kết quả tốt kèm với không tốn nhiều công sức sau thời gian dài kiến tạo. Đối mặt với các công nghệ quy trình tước bỏ những mặt mạnh của họ trong công việc là một việc không dễ dàng. Tiếp cận với nỗi sợ hãi này chính là quá trình giúp cho họ hiểu số hóa sẽ giúp cho họ gia tăng sức mạnh tạo ra sản phẩm dịch vụ hay giá trị nhiều hơn từ đó quyền lợi của họ sẽ tăng hơn so với trước.
  3. Phương thức quản lý và vận hành của nhân lực hiện tại: Cách thức vận hành và tư duy của cấp quản lý cũng là trở ngại lớn khi áp dụng số hóa trong doanh nghiệp. Chúng ta có thể hình dung trong doanh nghiệp khi các nhân viên thực hiện công việc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ cách thức quản lý và giám sát công việc. Bài viết 18 nguyên tắc mới là chỉ dẫn cụ thể doanh nghiệp cần chuẩn bị thay đổi các phương thức quản lý và vận hành của nhân viên.
  4. Cơ cấu trong doanh nghiệp: Số hóa là hình ảnh phản chiếu của quy trình và vị trí từng công việc trong doanh nghiệp lên tấm gương số. Các vị trí trong doanh nghiệp cần phải được thiết kế rõ ràng và chi tiết. Tại mỗi vị trí , khách hàng nội bộ là ai, các công việc cần giải quyết, KPI của từng vị trí. Chỉ khi nào cơ cấu trong doanh nghiệp chuẩn hóa chúng ta mới có khả năng số hóa doanh nghiệp. Có một hiện tượng là khi doanh nghiệp áp dụng ERP vào trong hoạt động, các yêu cầu vị trí trên hệ thống ERP rất khác xa với những vị trí thật tại doanh nghiệp. Đó chính là biểu hiện chưa chuẩn hóa của cơ cấu.
  5. Quy trình kinh doanh và vận hành trong doanh nghiệp: Cũng tương tự cơ cấu, các quy trình trong doanh nghiệp cũng cần được chuẩn hóa và theo bài bản. Một ví dụ trong quy trình bán hàng, có phần trước bán hàng tìm kiếm khách hàng. Trong thực tế tại doanh nghiệp quy trình bán hàng này không có dẫn tới khi triển khai trên hệ thống CRM, nhân viên bán hàng không chịu cập nhật phần trước bán hàng nhằm tạo cơ sở dữ liệu khách hàng gây khó khăn trong việc triển khai và hệ thống báo cáo. Có một thói quen của các nhân viên Việt Nam đó là họ thích làm theo kinh nghiệm rất ít muốn thay đổi theo các tiêu chuẩn từ bên ngoài.
  6. Văn hóa quản trị doanh nghiệp: Văn hóa quản trị doanh nghiệp truyền thống rất khác với các nguyên tắc và nguyên lý vận hành doanh nghiệp số. Có ba thay đổi lớn trong phương thức quản trị đó là tốc độ – các cấp quản lý cần phải đáp ứng nhanh với vấn đề xẩy ra , khách quan – quy trình vận hành rõ ràng và minh bạch tạo ra các số liệu cho việc ra quyết định khách quan, trao quyền – người quản lý và nhân viên đều tiếp cận vấn đề giống nhau về mặt thông tin dẫn tới quản lý cần trao quyền quyết định mạnh mẽ hơn cho nhân viên.
  7. Kỹ năng và trình độ của nhân lực: Khi chuyển sang chuyển đổi số, khung kỹ năng và năng lực của nhân viên sẽ thay đổi để phù hợp cách thức vận hành kinh doanh mới. Khi nhân lực thiếu hụt các kỹ năng này, mô hình chuyển đổi số sẽ thất bại vì không có nhân lực thực thi. Trong nhiều trường hợp, chuyển đổi số sẽ còn gây ra những gánh nặng khi nhân viên khi họ phải duy trì hai hệ thống ví dụ theo dõi bán hàng trên sổ sách do các nhân viên không sử dụng được CRM song song hệ thống quản trị CRM bán hàng báo cáo cho lãnh đạo.

Ảnh: Internet

Thay đổi bao giờ cũng khó khăn và đau đớn. Thách thức chuyển đổi số: lột xác toàn bộ quy trình kinh doanh vận hành trên các thiết bị máy tính, điện thoại và tự động từ những cách suy nghĩ và vận hành doanh nghiệp truyền thống, Quá trình lột xác vật lý chỉ thành công khi quá trình chuyển hóa tâm trí trong lãnh đạo, nhân lực diễn ra triệt để và sâu sắc. Trên thực tế, nếu như các rào cản này chưa được xử lý triệt để, số hóa doanh nghiệp chắc chắn sẽ diễn ra rất chậm và có thể thất bại trên thực tế.

ThS. Vũ Tuấn Anh