Đẩy mạnh các công nghệ trong xử lý rác thải

Trong diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường có những chia sẻ về những phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, hiện nay nhiều địa phương đang khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt phát điện, theo đánh giá của các chuyên gia, phương pháp này áp dụng có hiệu quả đối với khu vực có lượng chất thải rắn phát sinh từ 400 – 500 tấn/ngày trở lên, trước mắt nên tập trung phát triển tại vùng kinh tế, các đô thị lớn, khối lượng chất thải phát sinh nhiều.

Dẫn chứng về các công nghệ đang áp dụng trên thế giới, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ lấy Singapore làm ví dụ khi họ đã sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, nước Đức phân loại rác theo màu, Áo sử dụng công nghệ Enzyme để tái chế rác nhựa, loại nhựa thường được dùng để sản xuất chai nhựa đựng nước dùng một lần.

Bên cạnh đó, một số giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn cũng được các diễn giả, chuyên gia góp ý tại diễn đàn. Việc xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, phát triển công nghiệp hay phát triển các khu công nghiệp chế biến chất thải để tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tài lên môi trường.

Ths. Hàn Trần Việt, Viện Khoa học môi trường cho biết, khi chất thải đã được phân loại tại nguồn, được thu gom, vận chuyển theo từng loại, có thể nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý bằng sản xuất phân hữu cơ, công nghệ đốt chất thải bên cạnh đầu tư mới hoặc cải tiến các bãi chôn lấp thành bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Hiện nay việc áp dụng công nghệ đốt rác thải thành năng lượng (WtE). Nguồn năng lượng này được sử dụng như là nhiên liệu cho động cơ đốt trong, phát điện hoặc thương mại năng lượng này ở dạng cung cấp nhiệt cho các nồi hơi, lò nung,… dùng trong công nghiệp.

Trong khuôn khổ hội nghị, ThS Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ l, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị một số biện pháp về xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo ThS Đinh Nam Vinh, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm cấp quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Vì vậy, định hướng cộng đồng, doanh nghiệp và các địa phương trong quản lý, đầu tư, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt là vô cùng cần thiết hướng đến sự phát triển bền vững.

Theo KDPT