web analytics

Đổi mới, sáng tạo để kiến tạo tương lai 18/05/2020

(KDTT) – Ngày khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam (18/05) năm nay, được Bộ KH&CN lấy chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo kiến tạo tương lai”. Đây cũng là một minh chứng thể hiện sự quyết tâm của Bộ KH&CN trong việc hiện thực hóa các mục tiêu nhiệm vụ, duy trì và nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia trong bảng xếp hạng toàn cầu, tiếp tục giữ vững được vị trí tiên phong trong các hoạt động KH&CN, xứng đáng với phần thưởng Huân Chương Lao động hạng Nhất mà Đảng và Chính Phủ đã trao tặng.

Ngày nay, vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong đời sống xã hội ở mỗi quốc gia là không thể phủ nhận. Sự phát triển của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật song song với các cuộc cách mạng công nghiệp, mang đến cho KH&CN vị trí không thể thay thế trong phát triển xã hội loài người. Không có quốc gia nào muốn phát triển mà không cần dựa vào KH&CN, mỗi quốc gia đều sử dụng KH&CN trong chiến lược nâng cao vị thế kinh tế và chính trị trên thế giới.

Bộ Khoa học và Công nghệ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập.

Tiếp tục nâng cao vị thế của KHCN Việt Nam

Tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã xác định “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước”, KH&CN là bộ phận nguồn lực không thể thiếu, có sự đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội .

Trong những năm gần đây, chúng ta cũng chứng kiến chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia liên tục được cải thiện, từ vị trí 76 năm 2013 lên vị trí 42 năm 2019, xếp đầu bảng về chỉ số ĐMST trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp (bảng 1). Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho lĩnh vực KH&CN cần có những đột phá để cung cấp những nguồn lực cần thiết cho việc vượt qua giới hạn này.

Với các nỗ lực cố gắng của cả hệ thống, chỉ số ĐMST năm 2019 của Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Đáng chú ý, năm 2019 vừa qua là năm Bộ KH&CN thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Năm 2019, ngoài Techfest quốc gia, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore để quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới.

Bộ KH&CN cũng xác định năm 2020 là năm tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ĐMST. Việc đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia sẽ chú trọng theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đồng thời, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh; thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Song song với đó là tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học.

Có thể nói với sự đổi mới sáng tạo trong các nghiên cứu khoa học, chủ động đưa các ứng dụng KH&CN vào trong sản xuất, thời gian vừa qua ngành KH&CN Việt Nam đã ghi nhận được những thành tích đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực.

Trước hết là trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; tích cực tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP). Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ được nhân rộng. Trước diễn biến nhanh chóng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tìm giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn bệnh dịch.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng, bước đầu đã hướng dẫn các dự án thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình xây dựng.

Những thành tựu KH&CN trong lĩnh vực y tế cũng rất đáng ghi nhận, lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S), vaccin cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B. Đặc biệt trong suốt thời gian dịch bệnh Covid – 19 hoành hành, những công trình nghiên cứu, sáng chế KH&CN của Việt Nam như sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, nghiên cứu chế tạo vaccine phòng chống Covid-19 … đã được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao, góp phần đáng kể trong việc nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của nền khoa học Việt Nam trên bản đồ KH&CN thế giới.

Phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam

Cuối năm 2019, khi dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: KH&CN và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Thủ tướng cho rằng: Chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 với khát vọng đưa đất nước ta phát triển thịnh vượng. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Do đó chúng ta cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh.

Chủ đề của Ngày KH&CN Việt nam năm nay là “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo kiến tạo tương lai”.

Để thúc đẩy phát triển KH&CN nước nhà, Bộ KH&CN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ quyết liệt, trong đó chú trọng tập trung vào một số nội dung như: đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công. Mục tiêu là lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Thứ hai là cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các công nghệ sản xuất và ứng dụng vào trong thực tiễn. Tiếp theo là tập trung phát triển mạnh thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN, phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới đánh giá, chuyển giao công nghệ. Trong trăm việc, nghìn việc cần làm để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo thì việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người. Do đó điều cuối cùng là thực hiện đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, tăng cường thu hút sự tham gia sâu của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước.

Theo KDPT