web analytics

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế số 08/04/2022

(KDTT) – Phát triển kinh tế số với những yêu cầu cao về tiềm lực trí tuệ và khoa học công nghệ đang đặt ra những thử thách lớn đối với phát triển nguồn nhân lực, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao chiếm vị trí hàng đầu. Nguồn nhân lực ngày nay được xem là yếu tố quan trọng của phát triển; nếu nguồn nhân lực tốt, chất lượng cao còn là tiền đề vững chắc, nhân tố quyết định đến tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, tăng năng suất lao động.

Thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao

Hiện nay, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được xem là lực lượng tinh túy, quan trọng cấu thành nguồn nhân lực của quốc gia, nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của kinh tế số thì việc phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số từ 15 – 64 tuổi chiếm 67,8%; lực lượng lao động dồi dào với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực nghiên cứu khoa học đã có bước phát triển đáng kể về số lượng, chiếm khoảng 0,3% trong tổng số lao động đang làm việc của nền kinh tế, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã dần thâm nhập vào hoạt động sản xuất, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.

Đội ngũ nhân lực giáo dục đào tạo cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, nghề nghiệp ở nhiều mức độ. Ngành giáo dục và đào tạo cũng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước… Tuy nhiên, trên bình diện quốc gia, Việt Nam mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực nói chung và chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đời sống, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn lớn cộng thêm chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề lại thiếu hợp lý. Điều này khiến cho xã hội một mặt thiếu lực lượng lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, mặt khác lại thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.

Bên cạnh đó, phân bố nguồn lao động chất lượng cao còn có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Khoảng cách về trình độ, kỹ năng của lao động chất lượng cao tại khu vực thành thị và nông thôn đã có sự co hẹp dần theo thời gian, song vào năm 2019, tỷ lệ lao động chất lượng cao có việc làm tại thành thị vẫn gấp 2,66 lần so với tại khu vực nông thôn (năm 2010 khoảng cách này là 3,6 lần).

Chú thích ảnh 1: Thí sinh Đội tuyển Việt Nam tham dự  Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 tổ chức tại thành phố Kazan (Cộng hòa Tatarstan, thuộc Liên bang Nga).

Phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia

Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột chính của Chuyển đổi số Quốc gia, cùng Chính phủ số và Xã hội số. Tháng 9/2019, nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP. Trong đó, nổi lên vấn đề phát triển nguồn nhân lực chát lượng cao.

Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), với quan điểm nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện; Phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Đề án tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ gồm: Nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

Có thể nói, nguồn nhân lực tốt, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao đảm bảo vững chắc trong việc đưa ra những quyết định sáng suốt, đúng đắn đối với những đường lối, chủ trương, chính sách và phương thức thực hiện các quyết sách về phát triển và hưng thịnh quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần theo đuổi quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong chuyển đổi số theo hướng bao trùm, hỗ trợ cả doanh nghiệp nhỏ và vừa thay vì chỉ tập trung cho những doanh nghiệp lớn. Để đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, kinh tế số,  không chỉ có vai trò Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học mà rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng…

Bạn đang đọc bài Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế số
tại chuyên mục Khoa học – Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT