Tốc độ phát triển thần tốc kèm theo những rủi ro

Năm qua, thế giới đã chứng kiến bước tiến vượt bậc về khả năng của AI và việc sử dụng công nghệ này thông qua chatbot, nhân bản giọng nói, ứng dụng video… Công nghệ mang tính đột phá này tập trung ở một số công ty, quốc gia và được sử dụng hữu ích trong các lĩnh vực y tế công, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, tác hại tiềm tàng của AI làm gia tăng những quan ngại nghiêm trọng về thông tin sai lệch, tư tưởng phân biệt đối xử, xâm phạm quyền riêng tư, gian lận và nhiều hành vi vi phạm quyền con người.

Trong năm 2023, hàng loạt quốc gia, tổ chức đã nỗ lực xây dựng các quy định về sử dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) một cách an toàn, có trách nhiệm, cũng như hạn chế rủi ro tiềm ẩn. Đây là những bước đi quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho hành trình làm chủ công nghệ, để công nghệ thật sự trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ con người.

Sử dụng và quản lý AI an toàn, hạn chế tối đa những rủi ro
Ảnh minh họa

Năm 2023 đã chứng kiến mức độ “phủ sóng” nhanh chóng của công nghệ AI trên toàn cầu. Quản lý AI cũng trở thành chủ đề của hàng loạt hội nghị quốc tế, khu vực trong năm qua. Nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) đã chọn AI là từ khóa của năm 2023.

Không thể phủ nhận, AI ngày càng tạo thuận lợi cho cuộc sống, làm thay đổi thế giới bằng những tính năng vượt trội. Các sản phẩm tiên tiến này có tiềm năng to lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học và mang lại những lợi ích cho xã hội, song cũng gây ra những rủi ro với sự an toàn của thế giới nếu không được phát triển một cách có trách nhiệm.

Kể từ khi các mô hình AI tạo sinh của OpenAI ra mắt, các học giả hàng đầu và lãnh đạo các tập đoàn lớn như Tỷ phú Mỹ Elon Musk đã cảnh báo về các rủi ro liên quan AI, thậm chí kêu gọi tạm dừng phát triển các hệ thống AI mạnh trong sáu tháng.

Nhà khoa học Geoffrey Hinton tại Đại học Toronto (Canada), một trong những nhà tiên phong phát triển AI, cảnh báo công nghệ này đặt ra mối đe dọa cấp bách cho nhân loại hơn là biến đổi khí hậu. Ông Hinton cũng hối thúc chính phủ các nước trên thế giới hành động để ngăn chặn viễn cảnh máy móc kiểm soát xã hội loài người.

Để AI là một ứng dụng an toàn

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho rằng, AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho các lĩnh vực. Ví dụ với các công cụ thiết bị đọc, phân tích tín hiệu hình ảnh, chụp X quang, cộng hưởng từ, AI có thể hỗ trợ các bác sĩ trong đọc kết quả để biết bệnh nhân có bị bệnh lao phổi không… AI cũng có thể đưa ra các hướng dẫn nông dân trồng trọt tốt hơn, dự đoán tình trạng xảy ra dịch bệnh. Trong Covid-19, AI cũng thể hiện hữu ích khi phòng ngừa lây lan dịch bệnh. AI có nhiều ứng dụng hữu ích để nâng cao cuộc sống con người.

Làn sóng AI đã phát triển đạt được những thành tựu nhất định và hiện khá thành công so với trước đây. AI không còn là bong bóng, giấc mơ viển vông nữa. Chắc chắn AI sẽ sớm chuyển sang một làn sóng phát triển công nghệ tiếp theo với nhiều tiềm năng, triển vọng.

GS. Leslie Gabriel Valiant, Đại học Harvard (Hoa Kỳ), nhấn mạnh: “AI là công nghệ mạnh như hóa học, vật lý hạt nhân, đều có thể được sử dụng cho mục đích tốt và xấu. Điều quan trọng là sự chung tay hợp tác giảm thiểu được rủi ro với AI. Để giảm thiểu rủi ro cần có biện pháp kiểm soát ứng dụng AI trong các lĩnh vực, bảo vệ, ứng dụng AI có trách nhiệm, đạo đức, giảm thông tin sai lệch. Đến mức độ nào đó cần phải kiểm soát, giám sát những đơn vị sử dụng AI vì mục đích gì”.

Sử dụng và quản lý AI an toàn, hạn chế tối đa những rủi ro
GS. Leslie Gabriel Valiant, Đại học Harvard (Hoa Kỳ). (Ảnh: VinFuture)

Còn TS. Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc của VinAI, cho rằng, với thực tế ngày càng có nhiều người dùng Chat GPT thì AI không còn là giấc mơ. Các năng lực của công nghệ này đã hiện thực và đây là thời điểm cần phải nghiêm túc hơn trong nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI.

Mặc dù tiềm năng của AI còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng nhưng trong thực tế hiện nay, AI đã được ứng dụng ở mọi nơi với mức độ nhất định. Theo các nhà khoa học, các tiến bộ trong nghiên cứu AI đã mở ra triển vọng đáng kinh ngạc cho tăng trưởng kinh tế.

Theo giới chuyên gia, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD, đồng nghĩa rằng việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát và ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ AI ngày càng cấp thiết. LHQ khẳng định các công nghệ AI cần được giám sát chặt chẽ, cho dù công nghệ phát triển đến mức nào cũng phải bảo đảm khía cạnh quyền con người luôn là yếu tố trung tâm.

Ngoài ra, khuôn khổ quản lý AI cũng cần tập trung vào những yếu tố chủ chốt như bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư, trách nhiệm, đạo đức, tính minh bạch, nguy cơ và an toàn, chính sách xã hội và tác động tới kinh tế, phát triển công bằng, hợp tác quốc tế… Tuy vẫn còn chặng đường dài phía trước, nhưng những bước đi hiện tại đang tạo nền tảng quản lý AI một cách hiệu quả, để bảo đảm AI được phát triển vì con người, cho con người./.