web analytics

Bao giờ công tác quản lý bệnh viện được công nghệ hóa? 22/06/2020

(KDTT) – Giữa lúc cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào ngành y tế có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc  biệt, CNTT là phương tiện trợ giúp đắc lực và có hiệu quả cao giúp các bệnh viện và trung tâm khám chữa bệnh tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong hành chính công. 

Thách thức không nhỏ

Có một sự thật, nhiệm vụ chính của bác sỹ là khám chữa bệnh, nhưng hiện nay tại các cơ sở y tế tuyến dưới hoặc các trạm y tế xã phường, các bác sỹ tại lại phải dành tới hơn nửa thời gian làm việc cho công tác hành chính, giấy tờ. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây, liệu họ sẽ lấy đâu ra thì giờ để tập trung cho công tác chuyên môn? Thậm chí vẫn tồn tại việc mỗi ngày cán bộ y tế phải nhập dữ liệu cho khoảng 25 sổ báo cáo, điều mà đáng lẽ hoàn toàn có thể nhờ ứng dụng CNTT để giảm đáng kể thời gian nhập dữ liệu theo cách thủ công, giấy tờ.

Với tình trạng quá tải bệnh viện, một giường bệnh có thể phải chứa 2 bệnh nhân hoặc hơn thì các nhân viên y tế cũng không có đủ thời gian để chăm sóc và phục vụ tốt cho từng ca bệnh. Hay đối với các cấp quản lý y tế, số liệu được cung cấp từ các bệnh viện thường không chính xác, chậm trễ. Tình hình dịch bệnh không được kiểm soát ngay lập tức hay thông tin tổng quát về y tế không đầy đủ. Từ đó không thể ra các quyết định điều hành kịp thời và hợp lý.

Ứng dụng KHCN vào công tác quản lý bệnh viện sẽ là xu thế ngành Y. (Ảnh: Minh họa)

Rõ ràng, việc ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, kém nhiều nước trên thế giới. Theo số liệu báo cáo của các bệnh viện trên toàn quốc, việc ứng dụng CNTT ở đa số các bệnh viện Việt Nam hiện nay mới dừng lại ở mức cơ bản, chủ yếu liên quan tới quản lý hành chính và thống kê, báo cáo. Hoặc mới chỉ ứng dụng được từng phần riêng lẻ như quản lý nhân sự, viện phí, quản lý kho dược, bệnh nhân ra vào viện và chỉ có một số ít bệnh viện triển khai quản lý đồng bộ tới người bệnh trong toàn bộ quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, việc quản lý hồ sơ bệnh án (HSBA) tại các bệnh viện cũng là một thách thức lớn. Bộ Y tế được Chính phủ chỉ đạo, bắt đầu từ năm 2019, tất cả các bệnh viện sẽ phải dần triển khai bệnh án điện tử, nhằm đồng bộ hóa nguồn dữ liệu, tạo tiền đề cho các ứng dụng công nghệ cao khác nhau vào lĩnh vực y tế. Nhưng làm sao để HSBA được quản lý nghiêm ngặt, không mất mát, bảo đảm bảo mật thông tin, mà lại luôn sẵn sàng và nhanh nhất để cung cấp HSBA cũ cho các bác sĩ hoặc chính người bệnh và thân nhân khi cần vẫn là một câu hỏi khó cho các nhà quản lý. Điều này cũng đòi hỏi các cơ sở y tế phải đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm, trang thiết bị hiện đại, chữ ký điện tử… có thể kết nối liên thông dữ liệu được.

Một số vấn đề bất cập khác như hệ thống máy vi tính dùng trong các bệnh viện không đồng bộ, hệ thống mạng quá cũ, thậm chí có cơ sở, việc liên thông đơn giản nhất là mạng LAN trong nội bộ vẫn chưa làm được, và trình độ của cán bộ ở nhiều bệnh viện cũng còn hạn chế, dẫn tới việc triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù có ứng dụng CNTT, nhưng ở hệ thống tuyến y tế TW vẫn còn tình trạng “việc ai nấy làm”, tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến y tế dự phòng thì hầu như không có khả năng đáp ứng, khó khăn cả về vốn lẫn nhân lực..

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Theo các chuyên gia, những năm qua, ngành y tế đã có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ việc ứng dụng CNTT. Vấn đề nâng cao năng suất làm việc của bác sĩ, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và người nhà đã từng bước được cải thiện nhờ vào sự hỗ trợ kết nối thông tin giữa các khâu được đồng bộ, thống nhất, số liệu và tình hình hoạt động được báo cáo kịp thời. Hiện có gần 99% các cơ sở khám chữa bệnh tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước khám chữa bệnh BHYT đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. Đây rõ ràng là một thành tựu lớn khi Việt Nam đã triển khai được hoạt động này chỉ trong hai năm, rút ngắn thời gian so với nhiều nước phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việc kết hợp công nghệ và quản lý hồ sơ sức khoẻ đã trở thành mô hình được nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới ứng dụng. Lấn sân vào lĩnh vực y tế, Apple ra mắt ứng dụng Healthcare không chỉ giúp các bác sĩ dễ dàng lưu trữ thông tin, truy cập hồ sơ sức khỏe và dữ liệu của bệnh nhân ngay khi họ cần, mà còn giúp các tổ chức y tế hướng dẫn bệnh nhân của họ cách chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng đã tham gia vào thị trường giàu tiềm năng này như Google, Samsung, Microsoft…

Tại Việt Nam, các tập đoàn công nghệ cũng đã và đang tích cực đầu tư nhân lực vào lĩnh vực này. Trong đó phải kể đến phần mềm quản lý bệnh viện của ISOFH. Hệ thống phần mềm gồm 5 nhóm phần mềm chính và 38 phân hệ chức năng như: quản lý chuyên môn khám, chữa bệnh; quản lý hành chính, nhân sự, tài chính, kho – vật tư y tế, dược… Hệ thống có nhiều phiên bản phù hợp cho từng loại hình bệnh viện, cơ sở y tế (bệnh viện công, bệnh viện tư nhân, bệnh viên đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế, phòng khám).

Ông Nguyễn Trần Đông – CEO của Công ty Cổ phần Công nghệ ISOFH cho biết: “Phần mềm này sử dụng các giải pháp công nghệ như: ngôn ngữ lập trình Java, React JS, Hệ cơ sở dữ liệu Oracle và Postgresql, Chuẩn HL7, phát triển nền tảng web based đảm bảo bắt kịp xu thế công nghệ tiên tiến trên thế giới, tích hợp công nghệ điện toán đám mây theo nhu cầu, tự động cập nhật các thay đổi/nâng cấp trên phần mềm qua hệ thống online, mở quyền truy cập trực tuyến đối với các tài khoản quản trị… Có thể nói, ISOFH đáp ứng tốt cho các mô hình Chuỗi bệnh viện, Bệnh viện liên kết, Bệnh viện vệ tinh,..”.

Ông Nguyễn Trần Đông – CEO của Công ty Cổ phần Công nghệ ISOFH. (Ảnh: NVCC)

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các bệnh viện, cơ sở y tế mặc dù còn manh mún, dàn trải nhưng phần nào đã giúp công tác khám và điều trị cho bệnh nhân được thuận tiện, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong khâu khám chữa bệnh, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân và hiệu quả hoạt động của bệnh viện. Đặc biệt, hiện nay tại các trung tâm khám chữa bệnh ở tuyến dưới, ở xã phường, cơ sở vật chất còn hạn chế thì việc áp dụng CNTT trong việc quản lý thực sự rất cần thiết. Phần mềm quản lý bệnh viện của ISOFH “đúng thời điểm” đã trở thành một trong những lựa chọn uy tín và chất lượng, giúp truy cập thông tin nhanh, hỗ trợ công tác chẩn đoán, thống kê và nghiên cứu khoa học của các chuyên khoa, giảm thiểu tài liệu lưu trữ hàng năm cho hệ thống bệnh viện, hỗ trợ tối đa các  bác sĩ trong việc nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

Rõ ràng, kết quả triển khai CNTT trong hoạt động dịch vụ hành chính công tại các cơ sở y tế đã giúp toàn bộ quá trình quản lý hồ sơ được thực hiện chặt chẽ hơn, quá trình xử lý được kiểm soát nghiêm ngặt, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, bảo đảm công khai, minh bạch chi phí khám chữa bệnh, và tinh thần trách nhiệm của cán bộ tăng lên… Bên cạnh đó, công tác quản lý bệnh nhân khám bệnh, điều trị nội trú tại các trung tâm khám chữa bệnh cũng được thực hiện tốt hơn. Việc quản lý thuốc, vật tư y tế, viện phí hiệu quả hơn; rất tiện lợi trong công tác báo cáo thống kê và giảm được tình trạng thất thu hay sai sót số liệu…

Theo KDPT