(KDTT) – Sự cố ngập nước tầng hầm để xe của một chung cư cao cấp trong trận mưa lớn tại Hà Nội mới đây dù không gây thiệt hại nhiều về tài sản, nhưng một lần nữa khiến cư dân nhiều tòa chung cư lại… thở dài vì quanh năm sống với những nỗi lo, hết lo cháy, lại lo ngập và cả tá nỗi lo khác luôn hiện diện trước mặt.
Nhà ở chung cư – đặc biệt là chung cư cao tầng đang là xu hướng xây dựng phát triển mạnh mẽ, trong những đô thị lớn phù hợp nhiều yếu tố xã hội. Việc lựa chọn ở trong căn hộ chung cư cũng là ý thích của nhiều người, nhất là các gia đình trẻ.
Thế nhưng, với sự quản lý lỏng lẻo của ban quản trị các tòa nhà, sự cẩu thả của chủ đầu tư, nhà chung cư đã và đang bộc lộ nhiều điểm yếu, thậm chí gây mất an toàn. Đó là một sự thực hiện hữu, là nỗi lo của nhiều người khiến cho chung cư “mất giá”. Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại các chung cư là minh chứng rõ ràng không thể chối bỏ. Trong đó, vấn đề cháy nổ, hoả hoạn đứng đầu.
Đã có những vụ cháy ở chung cư gây tử vong về người và thiệt hại vật chất đáng kể. Mới đây nhất, vụ cháy chung cư Carina ở T.P Hồ Chí Minh đã khiến 13 người thiệt mạng và hàng trăm người khác phải tìm kiếm nơi ở mới trong khi chờ đợi chủ đầu tư sửa chữa lại, mà chưa biết bao giờ mới sửa xong.
Tiếp đó là những vụ mưa lớn gây ngập lụt tầng hầm khiến xe cộ bị hư hỏng mà chưa biết ai là người sẽ đền bù thiệt hại.
Các vụ cháy nổ đã xảy ra cho thấy nhiều bất cập trong thiết kế về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy và hệ thống giao thông, vị trí thoát hiểm. Các thang thoát hiểm không đạt tiêu chuẩn chịu lửa và thông gió; giao thông không mạch lạc; khoảng cách an toàn tới vị trí thoát hiểm không đảm bảo…
Các vụ ngập lụt tầng hầm cho thấy thiết kế chưa tính toán được hết các tình huống xảy ra, phương tiện và hệ thống kỹ thuật thiếu và yếu, không đáp ứng được khi có sự cố.
Việc quản lý chung cư yếu kém cũng là nguyên nhân gây mất an toàn; bên cạnh đó là ý thức của người dân.
Rất nhiều chung cư cao tầng đã bị thay đổi sau khi được đưa vào sử dụng: ban công, logia bị cải tạo thành phòng, lắp khung kính, hoa sắt; thang thoát hiểm bị chiếm dụng làm chỗ để đồ, hành lang thành nơi bán hàng, bể nước cứu hoả chuyển đổi công năng thành bể nước sinh hoạt…
Rất nhiều dự án đã có những chuyển đổi công năng, ví dụ như có diện tích nhà ở, diện tích lưu không chuyển thành diện tích thương mại, căn hộ cải tạo thành văn phòng; trong khi hạ tầng kỹ thuật không thay đổi, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn như quá tải công suất điện, không đảm bảo thoát hiểm khi có sự cố.
Ý thức (yếu kém) của người dân sống trong chung cư và cả nhân viên quản lý cũng là một phần nguyên nhân gây mất an toàn. Ở chung cư cao tầng trong đô thị khác hẳn ở nhà phố, hay ở làng; đòi hỏi người dân phải có kiến thức và ý thức rất cao.
Sống ở chung cư cao tầng trong đô thị là môi trường sống hiện đại, có những đặc thù xã hội rất riêng mà dường như ở Việt Nam người dân vẫn còn đang tiếp cận với nhiều sự lạ lẫm, mới mẻ. Và để môi trường sống ở chung cư thực sự an toàn vẫn là câu chuyện dài chưa kết thúc; khi mà tốc độ xây dựng loại hình công trình này vẫn đang phát triển ầm ầm ở các đô thị lớn.
Hương Lan
Nguồn KDPT