web analytics

Đứa con tinh thần phải sống 25/02/2019

(KDPT) – Mấy ngày qua, câu chuyện li hôn “nhà Trung Nguyên” giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại được dịp ồn ào với những phát ngôn, những màn tranh luận quyết liệt tại tòa. Vụ li hôn có lẽ là ồn ào nhất trong giới doanh nhân Việt Nam vẫn chưa có được hồi kết, dù theo hướng nào.

1

Cách đây gần một năm, khi bà Thảo “bước ra” công chúng, những người quan tâm tới Trung Nguyên và cặp đôi này đều cảm thấy xốn xang khi được bước vào thế giới nội tâm người vợ của “vua cà phê Việt”. Báo chí sục sôi, mạng xã hội tưng bừng khen chê. Nhưng hầu hết mọi người đều tỏ ra thương cảm và nghiêng về phía bà Thảo nhiều hơn khi thông tin ông Vũ tuyệt thực, thiền định 49 ngày… lan ra rộng rãi. Nhưng trong phiên tòa tháng 2/2019, đã có những cơn gió đảo chiều, khi ngay tại tòa, ông Vũ đã nói lên triết lý kinh doanh của mình, về cuộc đời và cả ân tình của ông dành cho vợ con, cho Trung Nguyên. Ai sai, ai đúng, rồi thời gian cũng sẽ có câu trả lời cho nó.

Thế nên, câu chuyện ly hôn của cặp vợ chồng doanh nhân này được hiểu là không phải vì con, không phải vì tiền mà là vì Trung Nguyên. Nếu ai đã từng hiểu một Đặng Lê Nguyên Vũ, một chàng sinh viên nghèo mang trong mình nhiều hoài bão đến ý tưởng “cà phê Trung Nguyên” như thế nào thì sẽ hiểu vì sao ông Vũ lại kiên định với việc bảo vệ Trung Nguyên. Mới đây nhiều người đã tìm đọc lại những bài viết về Đặng Lê Nguyên Vũ thời mới bước chân khởi nghiệp cùng nhóm bạn với vô vàn khó khăn. Và một khi hiểu Trung Nguyên có ý nghĩa lớn lao với ông Vũ như thế nào thì cũng sẽ hiểu vì sao ông Vũ đã phải đau khổ khi đứng giữa sự giằng xé gia đình và sự nghiệp, giữa vợ con và đứa con tinh thần của ông.

Ấy nhưng, câu chuyện của vợ chồng Vua cà phê này đến nay, khi đứng giữa tòa án khiến những người quan tâm quả thực thấy tiếc.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa tháng 2/2019.

2

Giữa ông Vũ và bà Thảo có với nhau tới bốn người con. Người lớn nhất nay đã 20 tuổi, nghĩa là đã trưởng thành. Trong từng ấy năm (hai người đệ đơn ra tòa từ năm 2015), chắc hẳn những người con này đã phải chịu đựng một nỗi buồn dai dẳng mà có lẽ sẽ kéo dài mãi về sau. Tại tòa lần này ông Vũ đã phải chua chát: “Tiền nhiều để mà làm gì, để rồi phải ngồi ở đây?”. Đúng vậy, tiền rồi cũng có mang đi được đâu khi trở về cát bụi. Những người con của ông Vũ và bà Thảo nếu được chọn lựa chắc chắn sẽ chỉ mong mình có một cuộc sống bình thường, một gia đình đầy đủ yêu thương, chứ không phải cảnh mỗi người một nơi như hiện nay, tiếc rằng họ không có quyền lựa chọn. Đó là cái tiếc đầu tiên.

Câu hỏi của ông Vũ cũng chính là câu trả lời cho những hoài nghi về những hành động, lời nói, đường hướng mà ông đặt ra đối với Trung Nguyên. Với một người nhiều hoài bão và ý chí mạnh mẽ như ông, việc kiếm tiền bây giờ đã không phải là mục tiêu số một nữa. Có lẽ “ông vua cà phê Việt” đã hướng tới những đỉnh cao mới, cho cà phê và cho đất nước như ông đã từng chia sẻ trong lần “trở lại” trước công chúng vào năm ngoái. Và phải chăng mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ông chủ Trung Nguyên đã bắt đầu từ đây?

Nhưng, như luật sư Trương Thị Hòa, người bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ đã nói tại tòa: Cố gắng làm sao để “đứa con tinh thần là doanh nghiệp phải sống”. Nói một các công bằng thì Trung Nguyên là do công sức của cả hai vợ chồng ông Vũ, bà Thảo gây dựng nên. Người xưa có câu “Của chồng công vợ” là thế. Bởi vậy dù có hết tình cảm, tài sản có chia theo cách nào thì điều cốt lõi trong vụ việc này mà các bên cần thiết phải hướng tới đó là sự sống còn của Trung Nguyên. Một thương hiệu đã được khẳng định trong và ngoài nước, đã có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng nước nhà thì lại càng không thể để lung lay, vụn vỡ vì chính những người đã tạo lập nên nó, theo một cách rất đau lòng như vậy. Hơn nữa, biết đâu khi nội bộ lục đục, “người ngoài” lại chẳng đang chờ một cơ hội “ngư ông đắc lợi”? Nếu ông Vũ buông bỏ Trung Nguyên, nếu bà Thảo không sáng suốt trong vụ li hôn này, Trung Nguyên liệu sẽ ra sao trong tương lai? Đó là câu hỏi mà nhiều người cần phải tự vấn mình, không thể quay cuồng vì nghìn tỷ nọ, trăm tỷ kia đơn thuần.

Trở lại với Trung Nguyên, chủ thể chính trong mâu thuẫn chưa thể giải quyết vụ li hôn này. Có thể dù ít, dù nhiều, theo cách này hay cách khác, vụ li hôn của hai vợ chồng bà Diệp Thảo cũng đã và sẽ để lại một vết gợn trong lòng người mến mộ Trung Nguyên. Với một thương hiệu tầm cỡ như Trung Nguyên, việc nội bộ của người đứng đầu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu sau khi có quyết định của tòa án, việc phân chia tài sản chắc chắn sẽ diễn ra. Khi đó cổ phần trong doanh nghiệp này cũng sẽ có nhiều xáo trộn. Ảnh hưởng về lâu dài như chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển, tư duy quản trị, nhân sự… sẽ bị xáo trộn. Như vậy vụ li hôn này sẽ ảnh hưởng cả gián tiếp và trực tiếp lên Trung Nguyên, mà nếu không chèo lái cẩn trọng thì công sức bao nhiêu năm qua có thể sẽ không giữ được trọn vẹn như ngày hôm nay. Cũng bởi thế mà nhiều người thấy tiếc và lo lắng cho Trung Nguyên, bởi xây dựng được một doanh nghiệp vốn đã khó, giữ được doanh nghiệp lại càng khó mà để trở thành một thương hiệu quốc gia thì không nhiều người làm được.

Bởi vậy mà vụ li hôn này được quan tâm một cách đặc biệt. Nhiều người thậm chí còn nghĩ về một “cái kết có hậu”, với hi vọng cả hai cùng ngồi xuống và quay lại với nhau. Khi đó, mọi điều nêu trên đều có thể được giải quyết. Vấn đề còn lại là của hai người. Nhưng có lẽ, đã quá muộn cho một quyết định như vậy. Đó cũng là điều đáng tiếc thứ hai.

Trong hai ngày xét xử, ông Vũ và bà Thảo luôn ở trong trạng thái căng thẳng, đôi lúc tranh luận gay gắt và lớn tiếng với nhau.

3

Một cốc cà phê ngon đều phải trải qua nhiều công đoạn, thậm chí là tỉ mỉ và công phu. Từ làm sạch, tuyển chọn, rang, rồi xay. Để rồi người thưởng thức cứ nhẩn nha từng ngụm, từng giọt, như thể chiêm nghiệm cuộc đời. Có phải vậy mà mỗi giọt cà phê ấy rơi xuống là những “giọt đời” nặng trĩu, đọng mãi đáy lòng. Ông Vũ và bà Thảo cách đây hơn hai chục năm đến với nhau chắc chắn là vì tình yêu. Nếu không vì tình yêu thì cớ gì bà Thảo lại chọn một Nguyên Vũ mới chỉ đang khởi nghiệp, chưa biết sẽ đi đến đâu, làm được gì, trong khi bà có nhiều sự lựa chọn tốt hơn. Để bây giờ tất cả quay về con số không – không tình yêu – không tình cảm – không luyến tiếc. Đó là điều đáng tiếc thứ ba.

Không chỉ là chuyện đời, “chuyện của người ta”, mà ai theo dõi phiên toà của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đều rút ra cho mình được rất nhiều bài học về cuộc sống hôn nhân gia đình, về cách quản lý kinh doanh.

    Đặt tên con là Trung Nguyên, Bình Nguyên, Tây Nguyên vì cái tên của thương hiệu là Trung Nguyên. Tình thương của một người cha thực sự, một người mong muốn con cái mình có hướng lớn như mình. Cha để lại cho các con ba điều. Thứ nhất là thời gian của cha cho con không có nhiều, nhưng cha để lại cho các con một bệ phóng. Thứ hai, sống phải có chí lớn, thậm chí vượt qua cả tập đoàn này (Trung Nguyên), có trách nhiệm với xã hội chứ không phải buôn bán thông thường. Thứ ba là lòng tự hào về người cha của mình. Ba cái đó tôi sẽ để lại cho con của mình.

Đặng Lê Nguyên Vũ  Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên

Duy Khánh
Theo KDPT