web analytics

Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Phải tự hoàn thiện mình 21/06/2019

(KDTT) – Nền báo chí Việt Nam ra đời chậm hơn các nước phương Tây khoảng 250 năm. Nhưng hiện nay, về mặt phương tiện, phóng viên, nhà báo Việt Nam được trang bị không thua kém các nước. Để phát triển kỹ năng, trình độ tác nghiệp ở các lĩnh vực báo chí ngang tầm với thế giới, đòi hỏi sự chủ động tiếp cận và học hỏi lớn hơn của đội ngũ những người làm báo Việt Nam.

Cơ hội và thách thức đan xen

Trong xu thế toàn cầu hóa, hiệu quả tác động của báo chí truyền thông đã và đang được toàn thế giới quan tâm, bởi nó ảnh hưởng đến các mặt của đời sống xã hội, đến lợi ích của từng quốc gia và mỗi công dân. Một xã hội truyền thông với nhiều phương thức truyền tải hiện đại đã và đang tạo ra cơ hội triển vọng nhưng đi liền với nó là những thách thức to lớn, đe dọa sự phát triển của báo chí truyền thông ở mỗi quốc gia.

Báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về số lượng ấn phẩm loại hình báo chí và loại hình thông tin. Qua đó phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng tổ quốc và hội nhập quốc tế. Báo chí đã kịp thời phản ánh các thông tin tuyên truyền. Tuy nhiên bên cạnh ưu điểm thành tích thì quản lý còn nhiều bất cập đó là nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu, có hiện tượng tư nhân hoá, thương mại hóa làm giảm đi tính chính trị, khoa học của báo chí. Đặc biệt, đứng trước công cuộc hội nhập, báo chí trong nước cũng đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen.

Nhà báo Hoàng Hữu Lượng, Nguyên Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT& TT) khẳng định: “Với sự phát triển thông tin mạng hiện nay thì báo chí không là nơi độc quyền cung cấp thông tin nữa mà cả xã hội đang tham gia vào việc cung cấp thông tin”.

Bên cạnh việc không còn “độc quyền thông tin” với sự xuất hiện, cạnh tranh gay gắt của các mạng xã hội thì báo chí truyền thông cũng đang đứng trước thách thức lớn về nội dung và văn hóa thông tin. Những thách thức này đặt ra yêu cầu chuyên nghiệp hóa nền báo chí và đòi hỏi các nhà báo không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng tác nghiệp.

Với kinh nghiệm của một người làm báo lâu năm, nhà báo lão thành Phan Quang thừa nhận: Ít có lĩnh vực xã hội nào tri thức, lý thuyết, thực hành cập nhật nhanh như báo chí. Ông nhận định, toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển, tạo ra một xã hội mở, nhưng nếu tiếp cận thiếu chọn lọc thì sẽ gây cho xã hội bất ổn, con người sẽ ngày càng trở nên ích kỷ, vô cảm hơn. Truyền thông cần phải nỗ lực hơn trong việc loại bỏ những tiêu cực đó.

 

Phải tự hoàn thiện mình

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của báo chí trong những năm gần đây: “Báo chí mang thông tin tới toàn thế giới, báo chí đóng góp phần quan trọng giúp hoạch định chính sách sát với yêu cầu của thực tiễn”. Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn mới, để thực hiện tốt vai trò của mình, các phương tiện thông tin báo chí ở nước ta phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; xây dựng nền đạo đức mới trên nền tảng đạo lý dân tộc…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ khẳng định: “Để chạy đua với tốc độ, thích nghi với điều kiện toàn cầu hóa, nắm bắt xu thế phát triển của thời đại và của đất nước mình, những người làm báo phải tự hoàn thiện mình. Vượt qua được những thách thức đó, báo chí sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội phát triển”.

Cho rằng nhu cầu thông tin của xã hội đang tăng đột biến nhưng việc đáp ứng của các cơ quan báo chí còn hạn chế, nhà báo Lê Văn Nghiêm, Nguyên Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khi được báo chí yêu cầu phải cung cấp thông tin theo đúng luật định bởi hiện đã có quy định rõ về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số nơi cố tình né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí, hoặc cung cấp thông tin không có giá trị sử dụng, vi phạm thời hạn công bố cung cấp thông tin.

Để thông tin trở thành một nguồn lực phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội đất nước, theo ông Nghiêm, cần phải tiếp tục đổi mới hệ thống thông tin, tuyên truyền, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, cải tiến phương pháp làm truyền thông và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cả cán bộ và người dân.

Góp ý về vấn đề này, PGS.TS. Trương Ngọc Nam bày tỏ: Một giải pháp quan trọng nữa, các cơ quan báo chí phải không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ người làm báo, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm báo.

Có thể nói việc xây dựng và phát triển, nền báo chí ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia, dân tộc cần theo kịp với xu thế báo chí truyền thông hiện đại; từ đó đi đến khẳng định xu hướng toàn cầu hóa báo chí đã và đang tạo ra những thách thức to lớn đối với hoạt động báo chí trong nước và thế giới; đòi hỏi các cơ quan lãnh đạo, quản lý và những người làm báo phải có những bước chuyển mình nhanh nhạy, đúng hướng và hiệu quả.

Theo KDPT