Thanh Hóa nỗ lực dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

PV: Thanh Hoá là một trong số ít các địa phương có những bước đột phá mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Là đơn vị nòng cốt, chủ lực triển khai đề án, Sở TT&TT đã tham mưu, thực hiện đề án trên ra sao?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ -TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở TT&TT Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 10/11/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bám sát các nội dung của Nghị quyết công tác truyền thông thúc đẩy quá trình chuyển đổi số luôn được Sở TT&TT quan tâm triển khai đồng bộ; đổi mới nội dung, hình thức, tăng tần suất tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở đến trang, cổng thông tin điện tử; đa dạng hóa phương thức tuyên truyền bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thực hiện.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá.

Sở TT&TT đã phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng các phóng sự, bài viết tuyên truyền về mô hình, cách làm hay về chuyển đổi số ở các địa phương, đơn vị; tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia và những kết quả nổi bật của tỉnh Thanh Hoá về chuyển đổi số; hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã đều có chuyên mục riêng về chuyển đổi số với tần suất phát tối thiểu 01 lần/tuần, thời lượng 7-10 phút…

Ngoài ra, Sở cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “3 không” và đang nhân rộng trong toàn tỉnh nhằm cung cấp các công cụ thuận tiện cho người dân tham gia chuyển đổi số, như: Cấp miễn phí chữ ký số, tài khoản thanh toán điện tử, cài đặt các ứng dụng bảo vệ người dân trên môi trường mạng… Qua đó, góp phần làm thay đổi căn bản tư duy, thói quen của người dân/doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện mô hình “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính; mô hình chợ không dùng tiền mặt; mô hình “Thôn thông minh”; mô hình đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử gắn với truy xuất nguồn gốc và thanh toán không dùng tiền mặt… Đơn vị cũng tuyên truyền triển khai mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 678/678 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh giúp cho người dân đi khám chữa bệnh không phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế…

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá tham quan mô hình chuyển đổi số.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá tham quan mô hình chuyển đổi số.

Hằng năm, Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với nhiều hoạt động nổi bật, thiết thực, tập trung vào thông tin tuyên truyền, triển khai các sáng kiến, giải pháp chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Song song với việc tham mưu các chương trình, kế hoạch hằng năm và hướng dẫn tổ chức thực hiện về công tác chuyển đổi số trên địa bàn, Sở TT&TT đã trực tiếp hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, các địa phương thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số đã đề ra. Sở đã phối hợp với các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp đưa các ứng dụng chuyển đổi số vào triển khai nhằm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, như: ứng dụng nền tảng du lịch thông minh, thúc đẩy thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực… qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số ở ngành, địa phương.

PV: Những kết quả đạt được trong chuyển đổi số đã tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hoá thời gian qua, thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Thực tế đã cho chúng ta nhiều ví dụ để chứng minh, chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn cho chính quyền, doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Đó trước hết là việc thay đổi tư duy, cách thức xây dựng và thực thi chính sách một cách linh hoạt hơn, hiệu quả hơn. Các dịch vụ công của cơ quan nhà nước được cung cấp ngày một rõ ràng, công khai, minh bạch, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó, chuyển đổi số sử dụng dữ liệu và hệ thống công nghệ số nhằm thay đổi trải nghiệm của người sử dụng với các dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung cấp. Việc áp dụng công nghệ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng làm thay đổi phương pháp làm việc và công tác quản lý trong hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số sẽ làm tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị doanh nghiệp; tối ưu hóa năng suất nhân viên; nâng cao khả năng cạnh tranh, nếu doanh nghiệp sở hữu nền tảng số hóa sẽ có thể triển khai và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và chất lượng. Bởi các giải pháp quản trị và vận hành số hóa sẽ tăng tính hiệu quả và chính xác trong các quyết định của doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, khả năng tương tác, phục vụ và chăm sóc khách hàng…

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng đang có những tác động không nhỏ vào trong cuộc sống hàng ngày, khi người dân có thể trải nghiệm các dịch vụ công hay các dịch vụ được cung cấp từ các doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, nhanh chóng hơn. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia một cách chủ động vào quy trình đưa ra quyết định, tổ chức thực thi chính sách dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ; đồng thời, cho phép người dân tiếp cận gần hơn với hoạt động của Nhà nước để nêu ý kiến và cùng phối hợp trong quản lý, điều hành.

“Chìa khóa” nằm ở trong nhận thức

PV: Theo ông, đâu là những hạn chế, khó khăn trong chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hoá hiện nay?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp. Khó khăn nhất của chuyển đổi số hiện vẫn là nhận thức, tư duy của người dân, doanh nghiệp. Vì thế muốn đạt được kết quả thì phải chuyển đổi số một cách toàn diện, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thận trọng, khoa học, bài bản và nhất là cần có sự bền bỉ, lâu dài.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cắt băng khai mạc triển lãm các sản phẩm, giải pháp mô hình chuyển đổi số
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cắt băng khai mạc triển lãm các sản phẩm, giải pháp mô hình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế: Một số lãnh đạo, cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực tỉnh Thanh Hóa có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, thương mại, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải… Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số của tỉnh còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, giá trị thấp. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả tài nguyên (các cơ sở dữ liệu) của tỉnh. Thiếu nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số; nguồn kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế. Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn khó khăn, thách thức…

PV: Để phát huy hiệu quả hơn nữa về chuyển đổi số, theo ông, đâu là giải pháp trong thời gian tới?

Ông Đỗ Hữu Quyết: Thực tế cho thấy, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, bao gồm nhiều bước. Vì vậy, cần có tầm nhìn xa nhưng chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện. Không nên phức tạp hóa, trừu tượng hóa, nhưng cũng không được đơn giản hóa chuyển đổi số, các yếu tố tác động đến chuyển đổi số có sự liên quan mật thiết và tác động đan xen, phức tạp.

Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Theo tôi, để chuyển đổi số thành công, trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện chuyển đổi số, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức (nhận thức số). Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Tham gia vào tiến trình chuyển đổi số, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện. Chuyển đổi số không phải là một khái niệm trừu tượng, xa vời, không thiết thực với bản thân. Trên thực tế chúng ta đang sống trong thời kỳ mà chuyển đổi số là xu thế tất yếu; nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế… nhưng vẫn chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện của thực hiện chuyển đổi số và mình đã và đang làm gì ở đâu, trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, giữa tham gia quá trình chuyển đối số và tiến tới đạt được các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số đặt ra là quá trình lâu dài, việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số vẫn cần triển khai ngay những giải pháp cụ thể. Chìa khóa để đẩy nhanh sự chuyển đổi nhận thức nằm ở trong “nhận thức”, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Các thành phần của hạ tầng số phục vụ chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau, như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được bảo đảm bởi pháp luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các địa phương, hạ tầng số phải được xem là yếu tố nền tảng cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại. Kế hoạch xây dựng hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số ở từng địa phương phải trên cơ sở kế thừa, phát triển từ các nền tảng hạ tầng sẵn có; xác định rõ mục tiêu, ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu, như: Hạ tầng băng thông rộng, hạ tầng Internet vạn vật (IoT); hạ tầng điện toán đám mây; ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm giám sát an toàn thông tin; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; nền tảng thanh toán trực tuyến, di động…

Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh Thanh Hoá.
Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh Thanh Hoá.

Thứ ba, xây dựng, phát triển dữ liệu số. Yếu tố quan trọng đầu tiên của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào chính là dữ liệu số. Nếu không có dữ liệu số, sẽ không thể xác định mô hình hoạt động số và tiến hành chuyển đổi số. Để công cuộc chuyển đổi số thành công, mỗi địa phương trong quá trình triển khai xây dựng dữ liệu phải có chiến lược cụ thể, phù hợp với chiến lược dữ liệu quốc gia, tuân thủ nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần (once-only) nghĩa là, khi dữ liệu đã được cơ quan nhà nước thu thập, quản lý và chia sẻ thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại.

Quá trình triển khai, xây dựng, phát triển dữ liệu số bao gồm: Xác định mục đích sử dụng dữ liệu, thu thập nguồn dữ liệu, số hóa dữ liệu; triển khai kết nối liên thông dữ liệu từ các hệ thống, chuẩn hóa, tái cấu trúc cơ sở dữ liệu đang hoạt động (trong và ngoài địa phương) thông qua các hệ thống, nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của địa phương (LGSP), của quốc gia (NGSP); hình thành, xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của địa phương trên cơ sở vừa cung cấp dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở các lĩnh vực đang triển khai, cũng như khai thác trực tiếp để phục chuyển đổi số ở các lĩnh vực mới.

Thứ tư, phát triển ứng dụng số hóa (hoạt động số). Sự biểu hiện cụ thể của quá trình chuyển đổi số ở mỗi lĩnh vực chính là việc xác định mô hình chuyển đổi, lựa chọn các ứng dụng số (các phần mềm, dịch vụ CNTT, công cụ hỗ trợ…) để tổ chức hoạt động số dựa trên các yếu tố hạ tầng số, nền tảng số, nguồn dữ liệu số, cơ sở pháp lý, đảm bảo an toàn, anh ninh thông tin, nguồn nhân lực… Việc phát triển ứng dụng số – hoạt động số cần được quan tâm triển khai thực hiện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung ưu tiên cho phát triển các ứng dụng số hóa trong hoạt động của chính quyền để đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở các địa phương.

Ngoài những vấn đề cơ bản nêu trên, để công cuộc chuyển đổi số ở các địa phương thành công còn phụ thuộc vào các yếu tố: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số; đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng, hình thành văn hóa số…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!