(KDTT) – Sáng ngày 16/8, Ban chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã tổ chức Chương trình phát động trồng cây dược liệu gắn với sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Sa Pa đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cơ cấu lại sản xuất trồng trọt theo 02 nhóm là nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các hình thức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để chủ động thời vụ sản xuất, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị nông sản, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị đất canh tác.
Cây dược liệu là 01 trong 5 cây trồng chủ lực phát triển của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2022 – 2025, là một trong những cây trồng có thế mạnh của thị xã Sa Pa; Với những tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây trồng dược liệu, thị xã đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển để phấn đấu đến năm 2025, Sa Pa trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh Lào Cai. Đến nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa có 210 ha cây dược liệu trong đó tập trung chủ yếu là các cây trồng chính gồm: Cây Actiso, Chùa dù, Chè dây, Sa nhân tím, Đương quy, Tía tô và các loại cây dược liệu dùng để chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Do đặc điểm lợi thế về địa chất, khí hậu nên cây dược liệu trồng tại Sa Pa có chất lượng tốt và hàm lượng dược tính cao hơn so với các địa phương khác; các sản phẩm sơ chế, chế biến từ cây dược liệu trên địa bàn thị xã được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng.
Bên cạnh những điều kiện tự nhiên thuận lợi việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn thị xã Sa Pa cũng còn gặp rất nhiều khó khăn: Sa Pa diện tích đất chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt mạnh nên việc mở rộng diện tích cây dược liệu trồng tập trung còn gặp nhiều khó khăn; Hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác sản xuất hầu như còn ít nên việc sản xuất cây dược liệu gặp rất nhiều khó khăn trong các khâu sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc; Đầu ra của một số cây dược liệu chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc;
Chi phí sản xuất đầu vào cho cây dược liệu cao hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống khác (lúa, ngô); Yêu cầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công chăm sóc cao nên bà con nhân dân gặp khó khăn trong việc đầu tư sản xuất nếu không có hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp; Các sản phẩm dược liệu chủ yếu là bán tươi hoặc chế biến thô rồi xuất bán nên giá trị kinh tế còn chưa cao…
Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn của địa phương và căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trên cơ sở đó Thị ủy Sa Pa đã ban hành Kế hoạch số 105-KH/TU ngày 09/11/2022; trong đó xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung phát triển sản xuất chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn và giảm nghèo bền vững. Đến nay diện tích cây dược liệu trên địa bàn thị xã đạt 210 ha (đạt 140% KH tỉnh giao) công suất chế biến lên đến 5.800 tấn dược liệu tươi/năm, có khoảng trên 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây dược liệu đã tạo ra nguồn thu nhập rất lớn cho bà con nhân dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã; giá trị sản xuất dược liệu trên một ha trồng đạt trên 100 triệu đồng/ha; doanh thu từ cây dược liệu trên địa bàn thị xã đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Từ những kết quả trên một lần nữa khẳng định Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đi vào cuộc sống tạo tiền đề vững chắc để thị xã Sa Pa đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương trình phát động được kỳ vọng sẽ là nguồn động viên, khích lệ nhân dân và cả hệ thống chính trị chung tay góp sức cho sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhằm phấn đấu đến hết năm 2025 thị xã Sa Pa trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh Lào Cai.
Trong thời gian tới, Thị ủy Sa Pa tiếp tục thực hiện các chương trình hành động được Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai giao đồng thời thực hiện cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu:
Thứ nhất: Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch số 105-KH/TU ngày 09/11/2021 của Thị uỷ Sa Pa về việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong đó tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây chủ lực của tỉnh và phù hợp với tiềm năng của địa phương.
Thứ hai: Quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu trồng cây dược liệu trong năm 2022 và các năm tiếp theo để góp phần tăng diện tích trồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sơ chế, chế biến sâu; đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Thứ ba: Trên cơ sở các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2022-2025 do Trung ương ban hành nói chung và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dược liệu của tỉnh nói riêng, hướng dẫn các cơ quan đơn vị, UBND xã, phường, các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Thứ tư: Xác định việc duy trì và phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân địa phương để phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Thứ năm: Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản dược liệu cho các hộ dân trực tiếp gieo trồng cây dược liệu cũng như sản xuất các sản phẩm dược liệu nhằm trang bị kiến thức cơ bản về công tác trồng cây dược liệu an toàn, đúng quy trình.
Thứ 6: Đẩy mạnh liên kết để phát triển dược liệu bền vững, trong đó cần thực hiện tốt mô hình liên kết “bốn nhà”, đó là Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nhà nông, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Chỉ có liên kết mới tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp sản phẩm dược liệu phát triển và có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
XUÂN HẬU