web analytics

Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân với tư tưởng kinh doanh tiến bộ 20/11/2021

(KDTT) – Có thể nói, cụ Lương Văn Can (1854 – 1927) là người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam ngày nay. Cụ là một nhà trí thức yêu nước, một nhà giáo tâm huyết, đồng thời là một nhà kinh doanh có tư tưởng tiến bộ. Cụ là người đầu tiên viết sách dạy buôn bán cho thương nhân Việt, đề cao phát triển thương nghiệp, đặt nền móng cho nghề kinh doanh ở nước ta. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cũng là dịp ôn cố tri tân, giúp các doanh nhân Việt ngày nay nhìn lại, ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã dựng xây nền móng vững chắc và mạch nguồn mát lành, để hôm nay doanh nhân Việt có thể đi xa, bay cao hơn trên thương trường.

Chân dung cụ Lương Văn Can (1854 – 1927).

Rời xa chốn quan, mở trường khai trí

Lương Văn Can hiệu là Ôn Như, sinh năm Giáp Dần (1854) trong một gia đình nghèo, mấy đời mưu sinh bằng nghề nông và nghề tiện gỗ ở làng nghề thủ công truyền thống của xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Năm 20 tuổi, cụ đi thi và đỗ Cử nhân tại trường thi Hương tổ chức ở Hà Nội. Năm 1875 cụ đi thi Hội và vào đến nhị trường. Sau kỳ thi, Lương Văn Can được triều đình bổ nhiệm làm Giáo thụ phủ Hoài Đức nhưng cụ đã khước từ. Sau đó, cụ còn từ chối chức Ủy viên Hội đồng Thị chính thành phố Hà Nội, một cơ quan đại nghị do chính quyền thực dân thành lập.

Xa lánh chốn quan trường, Lương Văn Can về mở trường Ôn Như tại số 4 Hàng Đào, Hà Nội. Cụ chuyên tâm vào việc đào tạo những lớp trí thức trẻ có tâm, có tài cho đất nước. Rất nhiều học trò của cụ sau này tham gia các tổ chức cách mạng, nhiều người đóng góp tiền bạc cho các tổ chức yêu nước. Lương Văn Can đã nghiên cứu học tập một số bậc tiền bối có tư tưởng duy tân như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch…

Đó là những người ít nhiều hấp thu nền văn minh phương Tây, đã từng đề nghị triều đình nhà Nguyễn thực hiện những chính sách mới, mang tính cách mạng cho đất nước: khai trí cho dân, học tập những công nghệ của phương Tây, chấn hưng nền kinh tế.

Tháng 3/1907, cụ liên kết với một số người cùng chí hướng như Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành… lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại số 4 và số 10 phố Hàng Đào.

Với khẩu hiệu “khai dân khí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, mục đích của nhà trường là nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng. Truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ. Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ các phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh đang phát triển trong cả nước.

Các phong trào này hòa với các phong trào duy tân ở miền Trung rồi Sài Gòn đã tạo nên một làn sóng duy tân trên khắp đất nước.

Những tư tưởng trên còn lan xa, lan rộng nhờ sự ủng hộ của những tờ báo tiến bộ thời đó.

Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ngôi nhà bên phải có 3 vòm cửa màu trắng).

 

Người thầy của giới doanh nhân ngày nay

Lương Văn Can là một trong những người ủng hộ hết lòng cho sự phát triển của thương nghiệp. Cụ đã nhận thấy vai trò trọng của nghề kinh doanh đối với sự phát triển của dân tộc. Và cụ cũng đã nhìn thấy một sự giao thương mang tầm quốc tế từ cách đây hơn một thế kỷ: “Bây giờ phong khí mở rộng, Hoàn Cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông buôn bán thì làm giàu cũng dễ”.

Cụ Lương Văn Can xây dựng Đông Kinh Nghĩa Thục và truyền bá những tư tưởng kinh doanh ở Việt Nam thông qua hai cuốn sách “Thương học phương châm” và “Kim cổ cách ngôn”. Đây được coi là 2 cuốn sách bàn về buôn bán và cách làm giàu đầu tiên của Việt Nam nên cụ Lương Văn Can còn được coi là “Người thầy của doanh thương Việt Nam”.

Bàn về đạo đức kinh doanh, cụ Lương Văn Can viết: “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là, nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy. Giả dụ như người tích lũy gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép kinh doanh vậy!”.

Cụ Lương Văn Can không chỉ hướng dẫn cụ thể về nghề thương mại, mà còn đề cập đến vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế, mổ xẻ tình trạng thương mại yếu kém của nước ta.

Lời tựa của cuốn sách, cụ viết: “Đương thời buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài, thi sức, ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh – suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh sao được”.

Nội dung sách của cụ, gồm các mục như tư bản, tổ chức sự buôn, tính toán, sổ sách, thư từ, thương hiệu, thương địa, thương điếm, bày hàng, quảng cáo, giao tế tiếp giản, điều lệ nhà băng, sự buôn bán ở nước ta…

Cụ cũng chỉ ra những hạn chế trong năng lực thương mại của ta lúc bấy giờ là do 10 nguyên nhân: “Ta không có thương phẩm, không có thương hiệu, không có chữ tín, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao tiếp, không biết tiêt kiệm và khinh hàng nội hóa”. Do vậy, theo cụ, để cho dân giàu nước mạnh, cần phát triển nghề buôn, và mọi người cần chú trọng nghiên cứu thương học.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “Kim cổ cách ngôn” là một thứ sách giáo khoa bàn về cách làm giàu và bàn về của cải để mong tìm ra một “đạo làm giàu” của người Việt Nam mà không bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của xã hội thời thuộc địa.

Cách nay 100 năm, cụ Lương Văn Can khuyên các nhà buôn cần biết dùng đồng tiền kiếm được để phục vụ xã hội. Nhìn lại cuộc đời của Cụ, có thể thấy đó là một minh chứng sống động: đồng tiền gia đình Cụ tích cóp từ việc kinh doanh đã quay lại với xã hội, góp phần vào những việc ích nước lợi dân, từ việc mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đến việc phát triển các tiệm, hỗ trợ  phong trào Duy Tân và đúc rút, viết “đạo làm giàu” trao truyền cho hậu thế.

Triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can từ hơn 100 năm trước, nay gọi là “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp, doanh nhân.

Bên cạnh lợi nhuận kinh doanh, mức đóng góp cho ngân sách, quy mô của doanh nghiệp còn được tính trên việc làm của người lao động, đóng góp cho hoạt động thiện nguyện, dùng lợi nhuận kinh doanh tái đầu tư cho xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng. Nhiều doanh nhân ngày nay thực hiện thêm vai trò của một diễn giả, vai trò của người viết sách, thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua trao truyền kiến thức, chia sẻ tri thức với thế hệ trẻ, với cộng đồng khởi nghiệp những kinh nghiệm từ thực tiễn kinh doanh của chính mình.

Cả cuộc đời của cụ Lương Văn Can luôn làm theo đúng “đạo kinh doanh” mà cụ đã xây dựng. Những đồng tiền gia đình cụ tích cóp từ việc kinh doanh được sử dụng để phụng sự xã hội, làm những việc ích nước lợi dân. Trong các trường hợp cần thiết, gia đình cụ sẵn sàng bán cả gia sản tổ tiên để đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Không chỉ để lại cho đời những kiến thức, kinh nghiệm quý giá về kinh doanh trên sách vở mà cụ Lương Văn Can còn là một người có nhiều trải nghiệm thực tế thành công trong kinh doanh. Mặc dù ở hoàn cảnh bị tù đày tại Campuchia, cụ vẫn nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng, rất thích hợp cho hàng hóa từ Việt Nam sang nên đã chỉ đạo con cháu mở đường sang xây dựng cơ sở kinh doanh tại Campuchia và đã rất thành công.

Điều đó cho thấy tài năng của cụ trong việc kinh doanh. Nếu như trước đây, cụ cùng những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục hô hào chấn hưng thực nghiệp, cổ vũ nghề kinh doanh buôn bán thì nay, cụ có điều kiện để thực hành những lý thuyết mà cụ đề xướng.

Từ những nỗ lực cổ súy cho nền thương nghiệp của cụ Lương Văn Can nói riêng và các nhà nho trí thức nói chung, đến đầu thế kỷ XX, nghề buôn bán kinh doanh ở nước ta đã có nhiều thay đổi. Một tầng lớp người làm kinh doanh mới từng bước được hình thành, trong đó nổi lên những tên tuổi như “Nhà công nghiệp” Trương Văn Bền ở Sài Gòn, “Ông vua đường thủy” Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội, “Ông tổ nghề sơn” Nguyễn Sơn Hà…

Không chỉ vậy, cho đến ngày nay, trải qua hơn một thế kỷ nhưng những tư tưởng kinh doanh tiến bộ của cụ Lương Văn Can vẫn phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam cũng như tư tưởng kinh doanh của thời đại. Các thế hệ doanh nhân người Việt luôn xem cụ như người thầy đầu tiên của giới doanh thương.

Những ý kiến sắc sảo nêu ra trong hai cuốn sách “Thương học phương châm” và “Kim cổ cách ngôn” đã được nhiều nhà sử học và nhà kinh doanh đánh giá rất cao vì những giá trị thiết thực của nó đối với sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay. Qua đó đã thể hiện tầm vóc của một chí sĩ cách mạng, một “người thầy của giới doanh nhân”, khi các vấn đề kinh doanh, buôn bán được trình bày, bàn luận một cách chuyên sâu, thấu đáo, có sức lan tỏa cùng thời gian.

Như vậy, có thể nói, ngay trong những ngày đầu hình thành và phát triển, thương giới Việt đã có được một cái “đạo”, một đường lối khá rõ ràng. Đó quả là một may mắn rất đáng quý, giống như khơi một mạch nước mát lành cho đời sau. Và người có công đầu trong việc xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt, không ai khác chính là danh sỹ Lương Văn Can.

Và đến nay, các doanh nhân Việt vẫn đang tiếp bước thế hệ tiền nhân. 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn đời sống kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng, gián đoạn sản xuất. Nhưng trong khó khăn, “đạo kinh doanh” vẫn được phát huy. Hàng ngàn tỷ đồng đã được doanh nghiệp cả nước đóng góp vào Qũy Vắc-xin, hàng ngàn trang thiết bị y tế được vận chuyển đến tâm dịch. Và nhiều nữa những yêu thương, kết nối và sẻ chia của doanh nhân, doanh nghiệp với cộng đồng trong cơn bão tố. Đó vừa là “mạch ngầm” truyền thống văn hiến ngàn năm của dân tộc, vừa là sự “ôn cố tri tân”, mà những vị tiền bối như Lương Văn Can đã đặt nền móng cho giới doanh nhân ngày nay. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ắt hẳn những doanh nhân hôm nay sẽ luôn noi gương tiền nhân, những người thầy đầu tiên, để  góp phần xứng đáng vào sự phát triển, hưng thịnh của dân tộc.

HẢI HÀ

Bạn đang đọc bài Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân với tư tưởng kinh doanh tiến bộ tại chuyên mục Doanh nhân thời cuộc.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT