web analytics

Doanh nghiệp cần nắm vững những cam kết của UKVFTA để khai thác, đảm bảo lợi ích chính đáng 28/04/2022

(KDTT) – Bên cạnh những lợi ích to lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại, doanh nghiệp cũng cần nắm vững các cam kết trong hiệp định để khai thác, cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bởi khi cơ hội tiếp cận thị trường này tăng cao, cũng là lúc các sự việc liên quan đến phòng vệ thương mại gia tăng tương ứng.

Lễ ký kết biên bản kết thúc đàm phán UKVFTA.

Lợi ích lớn từ UKVFTA

Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. EU đã cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu là 0% với một số mặt hàng.

Về phần mình, Anh cho biết sẽ dựa trên số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và Anh giai đoạn 2014-2016 để quyết định chính sách tương tự. Anh cũng cam kết rà soát nâng lượng TRQ với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.

Các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày…

Ngược lại, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định đi vào hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ Anh. Sau 6 năm, số dòng thuế được xóa bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch).

Ngoài ra, Hiệp định còn đưa ra các cam kết quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý – thể chế.

Theo Bộ Công Thương, thông qua UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Mặt khác, Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút khách du lịch Anh sau khi Covid-19 kết thúc. Hiệp định cũng tạo thông điệp tích cực trong quan hệ chung Việt Nam – Anh nhất là khi hai bên mới ra Tuyên bố chung về tầm nhìn hợp tác song phương nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Đối với Việt Nam, với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương Hiệp định EVFTA cộng với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như nông thủy sản sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3,5 nghìn tỷ/năm.

Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp định UKVFTA dự kiến giúp ổn định thị trường để các doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển. Bộ Công Thương đánh giá, dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh còn rất lớn bởi hiện sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD của Anh.

Cần lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại

Tuy nhiên, những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước, nhất là trong những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…

Cùng với đó, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất cao.

Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật) linh hoạt trong Hiệp định EVFTA nhưng các ngành hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau quả… cần cải thiện tính đồng nhất trong từng lô hàng, thu hoạch bảo quản và chất lượng sản phẩm mới có thể chinh phục được thị trường khó tính này.

Một vấn đề doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, đó là khi cơ hội rộng mở, cũng là lúc các vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại gia tăng.

Sắt thép, tôn mạ…là nhóm hàng xuất khẩu vướng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM), số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của cả hai bên sẽ gia tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định để chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà các Hiệp định mang lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Bởi lẽ, cả EVFTA và UKVFTA đều có mức độ cắt giảm thuế quan sâu, kéo theo đó là áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng sẽ cao hơn và khi đó, nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng cao để bảo vệ ngành sản xuất mỗi nước.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ quy định về phòng vệ thương mại trong các Hiệp định nói chung, các quy định về phòng vệ thương mại của EU/Vương quốc Anh nói riêng, cũng như ý thức toàn diện, sâu sắc về các công cụ PVTM có trong tay. Hiện tại, Việt Nam đã có một hệ thống quy định pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO, thông lệ quốc tế để tiến hành khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh thực thi các Hiệp định.

Quy định về phòng vệ thương mại trong 02 Hiệp định Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa 2 bên. Nội dung về phòng vệ thương mại trong 02 hiệp định là tương tự như nhau. 02 Hiệp định đưa ra các quy định về phòng vệ thương mại tại Chương 3 EVFTA bao gồm 3 Mục 14 Điều quy định các cam kết giữa Việt Nam và EU về các nguyên tắc và cách thức áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) đối với hàng hóa xuất khẩu của mỗi Bên. Riêng với biện pháp tự vệ thì Chương này có quy định riêng về biện pháp tự vệ song phương giữa Việt Nam và EU/Vương quốc Anh ngoài các biện pháp tự vệ toàn cầu theo WTO.

Chương về các biện pháp phòng vệ thương mại tại 2 Hiệp định bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại truyền thống trong WTO (bao gồm các biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Về cơ bản, nội dung phòng vệ thương mại dựa trên các quy định của WTO, đồng thời bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại của ta, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, bảo đảm hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.

Các điểm mới về phòng vệ thương mại trong UKVFTA so với tiêu chuẩn của WTO:

– Bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ này để tránh lạm dụng và bảo đảm công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ quy định trong WTO, trong quy trình khởi xướng, điều tra, áp dụng biện pháp CBPG/CTC, cơ quan có thẩm quyền phải bảo đảm:

+ Công khai thông tin: tất cả các thông tin, dữ liệu tham khảo cần thiết được sử dụng để đưa ra quyết định về biện pháp phòng vệ thương mại phải được công khai ngay sau khi áp dụng biện pháp tạm thời và trước khi ra kết luận cuối cùng. Việc công khai phải bằng văn bản và phải cho các bên liên quan một thời gian hợp lý để bình luận.

+ Cơ hội bình luận: Các bên liên quan có cơ hội thể hiện quan điểm trong quá trình điều tra (với điều kiện không làm cản trở quá trình điều tra và dẫn đến bị quá hạn điều tra).

– Quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (trong khi WTO không bắt buộc sử dụng quy tắc này). Điều này giúp hai bên hạn chế đưa ra những quyết định áp thuế với mức thuế quá cao không cần thiết.

– Một điểm đáng lưu ý là theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích công cộng (tức là bên cạnh việc xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước thì nước điều tra cũng cần xem xét tình hình, quan điểm của nhà nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức đại diện người tiêu dùng và các doanh nghiệp hạ nguồn).

– Biện pháp tự vệ toàn cầu: EVFTA quy định các bên tiếp tục tuân thủ các quy định của WTO về biện pháp tự vệ toàn cầu, đồng thời bổ sung thêm các cam kết sau:

+ Thông báo: bên khởi xướng điều tra/ chuẩn bị áp dụng biện pháp phải thông báo bằng văn bản tất cả các thông tin cơ bản và các căn cứ ra quyết định trong vụ việc theo yêu cầu của bên kia;

+ Cách thức: Phải tạo điều kiện để trao đổi song phương giữa hai bên về biện pháp tự vệ và chỉ được áp dụng chính thức biện pháp tự vệ sau 30 ngày kể từ khi trao đổi song phương thất bại.

– 2 Hiệp định cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương, để bảo đảm việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước, 2 Hiệp định quy định cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.

Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ hàng hóa bị điều tra PVTM và nguy cơ hàng hóa bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Việc theo dõi các cảnh báo từ Bộ Công Thương và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh xuất khẩu phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp giảm tác động tiêu cực khi bị áp dụng biện pháp.

Như vậy, để có thể tận dụng hiệu quả các cam kết, ưu đãi từ UKEVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý tới vấn đề phòng vệ thương mại. Có như vậy mới phát huy hết lợi ích từ Hiệp định và đảm bảo sự tuân thủ cam kết, mang lại sự phát triển cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Theo KDPT