web analytics

Lữ hành phải là lực lượng tiên phong tìm giải pháp khôi phục và phát triển du lịch năm 2021 13/01/2021

(KDTT) – Du lịch là lĩnh vực kết nối liên ngành, đa ngành nghề. Nhưng để vượt qua những khó khăn sau đại dịch Covid-19, lữ hành được những người làm du lịch xác định phải là lực lượng tiên phong trong thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển du lịch.

Chiều 12/1, tại Cát Bà, Hải Phòng đã diễn ra diễn đàn: “Lữ hành Việt Nam 2021- Giải pháp khôi phục và phát triển”. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tất cả các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam đã chịu những tổn thất nặng nề. Hiện cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Du lịch đóng băng trong thời gian dài do đại dịch khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, nhiều lao động trong ngành Du lịch phải nghỉ việc. Trong bối cảnh ấy, lữ hành được những người làm du lịch xác định là lực lượng  đầu tàu liên kết và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ du lịch.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch hiệp hội Lữ hành Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Tới dự diễn đàn lần này có ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng, lãnh đạo ngành du lịch Hải Phòng cùng khoảng hơn 400 doanh nghiệp làm du lịch trên toàn quốc.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến tham luận đã được các đại biểu, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đưa ra, nhằm tìm ra những giải pháp khả thi, thiết thực khôi phục hoạt động lữ hành, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi của các dịch vụ du lịch, đưa Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Phòng nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Sở du lịch Hải Phòng bày tỏ, Hải Phòng vốn là một địa phương có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Cát Bà, Đồ Sơn, Bạch Đằng Giang… và đợt dịch bệnh vừa qua cũng không nằm ngoài “cơn bão thiệt hại”. Diễn đàn lữ hành lần này là cơ hội để Hải Phòng được lắng nghe nhiều hơn những giải pháp để khôi phục nền du lịch, đưa du lịch của Hải Phòng đến với đông đảo du khách.

Đại diện lãnh đạo TP Hải Phòng trao tặng Hiệp hội Lữ hành bức tranh kỷ niệm.

Trăm kế kích cầu du lịch sau Covid-19

Tại diễn đàn, những người làm du lịch đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại nhu cầu du lịch của khách hàng và thống nhất quan điểm, khách hàng sau đại dịch Covid đã có những thay đổi về nhu cầu du lịch, sở thích du lịch. “Khách hàng nói chung giờ có chủ đích hơn là tính thường xuyên, họ đã suy nghĩ lại về cách thức và lý do đi du lịch, bỏ nhiều thời gian hơn nghiên cứu chương trình du lịch. Tư vấn du lịch trở nên cần thiết hơn: có thể là tư vấn số (online) hay từ các đại lý du lịch, công ty lữ hành. Tuy nhiên, kiến thức và chất lượng tư vấn từ các đại lý và doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu, uy tín khai thác các điểm đến sẽ được đề cao, đôi khi giá trị tư vấn của họ còn cao hơn giá trị lợi nhuận mà họ thu được.

Du lịch gần nhà: an toàn trong dịch đã thúc đẩy du lịch gần nhà tăng trưởng mạnh, chuyến đi gần, ngắn ngày trở nên ưa chuộng, thậm chí bữa ăn tại nhà hàng và đêm ngủ trong khách sạn tại thành phố, địa phương mình đang sinh sống giúp khách có cảm giác như đi du lịch, có trải nghiệm về dịch vụ mà trước đây chưa từng bao giờ nghĩ tới”, ông Phùng Quang Thắng (Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist) nêu quan điểm tại diễn đàn lữ hành2021.

Kích cầu vốn được coi là giải pháp hữu hiệu mỗi khi muốn nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông VISTA, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, đặc biệt quan tâm đến các gói kích cầu du lịch. Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng, cần tính toán thời gian thực hiện gói kích cầu dài hơi hơn, bởi nếu chỉ làm trong một thời gian ngắn, không thể đủ để phát huy hiệu quả. “Thay vì chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định, chương trình kích cầu nên kéo dài hơn có thể là 1 năm hoặc 2 năm với các giai đoạn: Mở đầu, kích thích khi thấp điểm, duy trì khi thị trường ổn định, làm mới và bổ sung ưu đãi khi bão hòa hay quay về giai đoạn thấp điểm nhằm duy trì tính ổn định cho thị trường và điểm đến. Không chỉ diễn ra tại một địa phương mà cần mở rộng quy mô gồm sự liên kết của nhiều tỉnh, thành phố, tất cả các vùng trên cả nước, tùy từng thời điểm, tùy từng dòng sản phẩm đều có thể kích cầu.”, ông Hoan phát biểu.

Thẳng thắn và mong muốn nhìn nhận lại để phát triển, ông Hoan nhấn mạnh: “Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trên thì hoạt động kích cầu cũng bộc lộ ra những nhược điểm. Cụ thể như lực lượng nòng cốt tham gia Liên minh kích cầu vẫn tập trung chủ yếu vào các công ty lữ hành và hàng không mà chưa có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan… trong khi họ là đơn vị thụ hưởng nhiều nhất từ kết quả của việc kích cầu. Điều đó khiến cho sản phẩm kích cầu vẫn chưa được tối ưu tính hấp dẫn cũng như sự gắn kết giữa các bên”.

Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021 thu hút hơn 400 doanh nghiệp tham gia

“Hơn 400 doanh nghiệp cả nước vượt khó khăn, giá rét để tập trung trong diễn đàn này, thể hiện khát vọng của những người làm du lịch, luôn luôn muốn vươn lên, vượt qua  khó khăn, để ngành du lịch sớm trở lại thời kỳ hoàng kim. Muốn vượt qua khó khăn và phát triển, lực lượng lữ hành phải tiên phong nghiên cứu khách hàng, thay đổi tư duy nhằm mang đến các sản phẩm du lịch tốt nhất”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhấn mạnh khi được hỏi về những mong muốn thông qua diễn đàn lần này.

SONG LINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT