web analytics

Loại “tạp chất” trong môi trường kinh doanh 18/01/2021

(KDTT) – Những quy định làm khó các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tiếp tục được các cơ quan hoạch định chính sách ban hành.

Câu hỏi “làm luật để quản lý hay khơi thông, thúc đẩy dòng chảy kinh doanh” lại được các doanh nghiệp đặt ra cho các cơ quan hoạch định chính sách khi những quy định làm khó các kế hoạch kinh doanh vẫn tiếp tục được ban hành.

Từ “xuất bản phần mềm” đang gây quan ngại cho các công ty công nghệ. Trong ảnh: Nhà máy của Microsoft tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh.

Dòng chảy quy định… không trong suốt

Ông Đặng Thanh Sơn, Luật sư điều hành Công ty TNHH Luật DNA Việt Nam có lẽ đặng chằng đừng khi tiết lộ, Công ty từng tư vấn cho một doanh nghiệp chọn tên sản xuất phần mềm thay vì xuất bản phần mềm để né điều kiện kinh doanh. “Từ ‘xuất bản phần mềm’ đang gây quan ngại cho các công ty công nghệ. Theo định nghĩa của Luật Xuất bản, xuất bản là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có hạn chế với đầu tư nước ngoài. Nhưng trong ngành phần mềm, chúng tôi không rõ xuất bản phần mềm và sản xuất phần mềm khác nhau thế nào”, ông Sơn lý giải.

Được biết đến là một trong những luật sư uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, nên lấn cấn trên của ông Sơn là vấn đề không hề nhỏ. Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt khi ông Sơn đang đối mặt với hàng loạt câu hỏi chưa trả lời được. Nào là music box có phải trình giấy phép biển diễn không? Các nền tảng giáo dục trực tuyến, như Khan academy có cần phải làm thủ tục, điều kiện gì không? Rồi thì mạch máu vân tay có phải là sinh trắc vân tay không, chữ ký số có đồng nhất với chữ ký điện tử không?…

“Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang lấn cấn khi bước vào thị trường Việt Nam vì không rõ các khái niệm trên được hiểu và thực thi thế nào”, ông Sơn thẳng thắn.

Nhưng khó khăn không chỉ ở bước gia nhập thị trường. Khi nghiên cứu các quy định trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe ô tô, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) đã phát hiện những quy định đầy tính can thiệp thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy trình về kê khai giá cước của một số loại hình vận tải hành khách đang được dự thảo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét các yếu tố cấu thành giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định… để quyết định việc tăng, giảm giá có hợp lý hay không và xem xét có cho phép doanh nghiệp thực hiện mức giá đề xuất.

“Theo quy định của Luật Giá, dịch vụ này không thuộc nhóm Nhà nước định giá, không thuộc nhóm bình ổn giá, thì việc can thiệp này có hợp lý không? Theo tôi là không và đây là sự can thiệp vào quyền tự định giá của doanh nghiệp”, ông Tuấn bày tỏ quan điểm.

Tương tự, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá cũng đang rơi vào thế bấp bênh khi Dự thảo Nghị định về thẩm định giá (sửa đổi) đang yêu cầu số lượng tối thiểu bộ chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm như một điều kiện để được đăng ký hành nghề trong năm tiếp theo.

Câu hỏi là làm sao doanh nghiệp biết được trong năm sẽ có bao nhiêu khách hàng, vì đây là vấn đề của thị trường, nhưng nếu không đủ số chứng thư theo yêu cầu, thì doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện hoạt động…

Luật pháp để quản lý hay để thúc đẩy dòng chảy kinh doanh?

Câu hỏi về việc các quy định pháp luật được đặt ra vì mục tiêu gì, quản lý hay thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh mà các doanh nghiệp đặt ra không phải mới. Câu trả lời cũng vậy, phần lớn các cơ quan đều thấy rõ yêu cầu làm luật để gỡ các vấn đề phát sinh, để mọi dòng chảy của cuộc sống thông suốt. Nhưng cả ông Sơn và ông Tuấn đều chưa cảm thấy rõ nguyên tắc này trong việc hoạch định và thực thi chính sách của nhiều cơ quan quản lý nhà nước.

Khi Nghị định 135/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được ban hành, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đã vui mừng khi khá nhiều điều kiện kinh doanh trong Nghị định 46/2017/NĐ-CP đó được bãi bỏ. Nhưng Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn 2 nghị định trên đang làm rối ren kế hoạch hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

Theo quy định của hai nghị định trên, doanh nghiệp có thể thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học và xin giấy phép hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT lại quy định tên của trung tâm này không được trùng với tên của trung tâm đã được thành lập trước đó.

“Các văn bản không làm rõ doanh nghiệp có thể mở nhiều trung tâm ở một địa phương không, có địa phương cho phép, địa phương không. Trong trường hợp cho phép, doanh nghiệp phải xin cấp giấy phép để thành lập trung tâm mới và mang tên mới. Vậy là doanh nghiệp không thể khai thác thương hiệu đã có, điều này không hợp lý”, ông Tuấn dẫn chứng về sự gia tăng thủ tục hành chính từ sự thiếu minh bạch, chưa hợp lý trong lĩnh vực giáo dục.

Phải nói rõ, cả nghị định và thông tư trên đều do cùng một cơ quan chủ trì. Rất khó thúc đẩy các doanh nghiệp an tâm mở rộng kinh doanh với các quy định không rõ ràng như vậy. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp cũng chưa minh bạch, rất dễ bị lạm dụng, thì rủi ro từ các quy định trong kinh doanh càng lớn.

Cần một “dòng sông” sạch hơn

 Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 mà VCCI vừa công bố đã nhận diện thêm nhiều vấn đề, tồn tại trong các quy định pháp luật về kinh doanh. Nhưng ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu dừng lại ở nhận diện vấn đề, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp không thể làm sạch “dòng chảy” như mong muốn.

“Vỗ tay chúc mừng một báo cáo dày dặn không thể gạn được tạp chất trong môi trường kinh doanh. Nhận diện vấn đề, kiến nghị thay đổi có nhiều, không chỉ VCCI làm, nhưng vấn đề là theo đuổi đến cùng để có giải pháp. Đặc biệt, phải làm rõ đòi hỏi thay đổi tư duy. Tư duy này là tư duy thị trường, thị trường hơn, chứ không phải là một tư duy chung chung”, ông Cung đề xuất.

Khi đó, các quy định pháp luật sẽ được thiết kế để thị trường vận hành tốt hơn, để giải quyết các vướng mắc phát sinh, các cơ quan hoạch định chính sách sẽ không thể đưa ra các quy định làm khó, làm rối ren hơn các quyết định kinh doanh. Đặc biệt, với tư duy này, việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế sẽ không trông vào nỗ lực, sáng kiến của một số cơ quan, bộ, ngành như hiện nay.

KHÁNH AN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn link gốc: https://baodautu.vn/loai-tap-chat-trong-moi-truong-kinh-doanh-d136558.html