Các ước tính mới nhất từ ​​Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng trên toàn cầu, tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​sẽ chậm lại cho đến cuối năm 2024.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới được đưa ra ngày 31/7, thể hiện quan điểm lạc quan hơn một chút so với dự báo được đưa ra vào tháng 4, nâng 0,2 điểm phần trăm cho năm 2023. IMF dự báo ​​GDP thực tế toàn cầu sẽ tăng 3% trong cả năm 2023 và 2024.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nói với Reuters: “Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng chưa thoát khỏi rắc rối, đồng thời lưu ý thêm rằng triển vọng tăng trưởng chủ yếu nhờ kết quả của quý đầu tiên.

“Những gì chúng ta đang thấy khi nhìn vào 5 năm tới thực ra là gần 3%, có thể cao hơn 3% một chút. Đây là tình trạmg chậm lại đáng kể so với những gì chúng ta đã có trước đại dịch COVID-19″, ông Gourinchas nêu rõ.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh theo khu vực, tốc độ tăng trưởng cao nhất được dự đoán là ở châu Á mới nổi và đang phát triển, nơi GDP dự kiến ​​sẽ tăng lần lượt là 5,3% và 5% vào năm 2023 và 2024.

Ấn Độ được dự báo ​​sẽ có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong năm nay ở mức 6,1%. Nhưng mục tiêu được xếp hạng là một quốc gia phát triển đòi hỏi mức tăng trưởng 8% trong 25 năm tới.

Mặt khác, Mỹ được dự đoán sẽ chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng giảm nhanh hơn trong giai đoạn này, từ 2,1% vào năm 2022 xuống chỉ còn 1% vào năm 2024.

Hoạt động kinh doanh tại Mỹ đạt mức thấp nhất trong 5 tháng vào tháng 7 này, phần lớn là do tăng trưởng khu vực dịch vụ chậm lại. Nhưng dữ liệu xung quanh việc giá đầu vào giảm và việc tuyển dụng chậm lại cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đang đạt được tiến bộ trong việc giải quyết lạm phát.

Với các nền kinh tế tiên tiến nói chung, GDP dự kiến ​​sẽ giảm từ 2,7% vào năm 2022 xuống còn 1,4% vào năm 2024. Trong đó, dự báo GDP của Đức sẽ giảm 0,3% vào năm 2023. Theo IMF, sự sụt giảm này là do yếu kém trong sản lượng sản xuất và suy thoái kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2023.

IMF cũng dự báo lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 6,8% trong năm nay, so với mức 8,7% của năm ngoái, đồng thời dự báo sẽ giảm thêm xuống còn 5,2% vào năm tới. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản có thể sẽ giảm chậm hơn. Ông Gourinchas cảnh báo rằng có thể phải đến năm 2024 hoặc đầu năm 2025, lạm phát mới quay trở lại mức phù hợp với các mục tiêu quốc gia.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn của châu Âu đã cảnh báo nguy cơ nợ xấu gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu đối phó với tình trạng tăng trưởng chậm và lạm phát cao.

Theo KDPT