(KDTT) – Hôm 5/11, Mỹ đã chính thức áp dụng các lệnh trừng phạt với Iran, đánh vào ngành dầu mỏ, ngân hàng và vận tải biển. Các công ty đang làm ăn tại Iran tỏ ra lo lắng về quyết định này của Mỹ. Giá dầu ngay lập tức đã phản ứng giảm sau lệnh trừng phạt. Đây là đợt trừng phạt lần thứ hai kể từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) tháng 5/2018.
Chính quyền Tổng thống Mỹ – Donald Trump vừa tái áp đặt toàn bộ lệnh trừng phạt từng được gỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 lên Iran và các nước có giao dịch với nước này. Lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ, ngân hàng và vận tải biển – các lĩnh vực chủ chốt của Iran. Nhà Trắng mô tả đây là lệnh trừng phạt “khắc nghiệt chưa từng có” với Iran. Tổng thống Iran -Hassan Rouhani đã cam kết tiếp tục bán dầu mỏ và phá vỡ lệnh trừng phạt này.
Các biện pháp trừng phạt lần này mang tính chất toàn diện hơn, đánh vào tất cả các ngành kinh tế chủ chốt của Iran, chủ yếu là các lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan đến ngành công nghiệp và xuất khẩu dầu mỏ, cũng như các giao dịch giữa ngân hàng trung ương Iran với các tổ chức tài chính quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt này còn nhằm vào 700 cơ quan và cá nhân Iran có liên quan đến chương trình hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ – Mike Pompeo hôm qua cho biết, hơn 100 công ty quốc tế lớn đã rút khỏi Iran vì lo ngại các lệnh trừng phạt. Xuất khẩu dầu của Iran cũng giảm gần một triệu thùng mỗi ngày, khiến nguồn thu chính của nước này bị thu hẹp. Hệ thống xử lý thanh toán quốc tế – Swift cũng được dự báo cắt đứt giao dịch với các tổ chức Iran bị trừng phạt, cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Một số nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân – Anh, Pháp và Đức đã phản đối các lệnh trừng phạt này. Họ cam kết hỗ trợ các công ty châu Âu làm ăn hợp pháp với Iran và sẽ thiết lập một cơ chế thanh toán thay thế – SPV – nhằm giúp các công ty này giao dịch mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đợt trừng phạt thứ nhất tháng 5/2018 vừa qua mới chỉ nhằm vào một số lĩnh vực thương mại và đầu tư thôi, nhưng đã làm cho đồng Rial của Iran mất đến 2/3 giá trị trong sáu tháng qua.
Đời sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra ở thủ đô Tehran và các thành phố khác ở Iran. Nay, việc cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, một lĩnh vực đem lại 70-80% thu nhập quốc nội (GDP) chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn hết sức to lớn cho nền kinh tế Iran.
Về quốc tế, việc cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ sẽ làm cho thị trường dầu mỏ thế giới chao đảo do thiếu hụt hơn một triệu thùng/ngày. Ả Rập Saudi và Nga, hai nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới cũng không thể tăng thêm ngay sản lượng để bù đắp lại sự thiếu hụt này do các nguyên nhân kỹ thuật và cả nguyên nhân chính trị nữa.
Trong tình hình như vậy, giá dầu sẽ có nhiều khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng, ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế toàn cầu, trước hết là các nền kinh tế lớn tiêu thụ nhiều dầu mỏ như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Giá dầu tăng cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới nền chính trị và kinh tế Mỹ vừa mới được phục hồi và ông Trump sẽ rơi vào thế yếu trước đảng Dân chủ trong nửa cuối nhiệm kỳ Tổng thống kết thúc vào năm 2020.
Minh Anh
Nguồn KDPT