(KDTT) – Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết gỡ vướng trong giai đoạn đầu thi hành Luật Quy hoạch.
Hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng đó, khoảng 25 quy hoạch các ngành như khoáng sản, điện lực, cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành, cũng vì vướng từ Luật Quy hoạch.
Chia sẻ với VnExpress, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ đầu năm 2019, các quy định có liên quan đến quy hoạch tại các luật chuyên ngành cũng đồng thời hết hiệu lực. Như vậy, không còn căn cứ pháp lý để thực hiện các quy hoạch vùng, tỉnh đã thẩm định trước ngày 1/1/2019.
“Cái khó hiện nay là việc chuyển tiếp các quy hoạch trước đây khi chưa có quy hoạch quốc gia”, ông nói. Lần đầu tiên làm quy hoạch quốc gia, lại theo phương pháp tích hợp nên ông cho biết “khó, phải nghiên cứu thận trọng”. Hiện Chính phủ đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng để hướng dẫn chuyển tiếp, gỡ vướng trong giai đoạn đầu thi hành Luật Quy hoạch.
Theo ông, Nghị quyết này nếu được ban hành không hồi tố quy định với các quy hoạch đã thẩm định trước và cho kéo dài thời hạn áp dụng quy hoạch tại các luật chuyên ngành. Nghĩa là khi có quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị quyết sẽ hết hiệu lực.
Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể việc chuyển tiếp các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh đã lập, thẩm định trước ngày 1/1/2019. Theo đó, các quy hoạch đã lập nhưng chưa được thẩm định thì sẽ điều chỉnh theo Luật Quy hoạch và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch. Việc quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch này sẽ theo quy định Luật Quy hoạch.
Các quy hoạch đã thẩm định nhưng chưa được quyết định hoặc phê duyệt, thì thực hiện theo Luật Quy hoạch. Trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch yêu cầu bổ sung hồ sơ thì theo Luật Quy hoạch và các luật sửa đổi, bổ sung liên quan.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng luật chuyên ngành có liên quan cho đến khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt.
Thực tế, từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào 1/1/2019, nhiều địa phương và bộ ngành đã bắt đầu cảm nhận sự khó khăn khi thực thi. Trong một văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Xây dựng “than” rằng gặp nhiều vướng mắc ở lĩnh vực xây dựng. Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn quốc gia và các quy hoạch xây dựng khác chưa thể lập, phê duyệt do phải chờ để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ngoài ra, các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh không thể điều chỉnh do quy định về lập, điều chỉnh quy hoạch đã bị bãi bỏ…
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng nêu bất cập khi nhiều dự án điện mặt trời có nhà đầu tư nhưng không nằm trong quy hoạch, không được cấp chủ trương đầu tư. Bộ này cho biết đã tiếp nhận đề xuất của khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW. Tuy nhiên, số lượng này lại vượt quá Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII) đã được phê duyệt.
Theo Luật Quy hoạch thì ngành điện chỉ còn quy hoạch điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Do đó, Bộ Công Thương thắc mắc việc bổ sung các dự án vào quy hoạch có được hay không, và thẩm quyền phê duyệt là ai.
Bộ Công Thương cho rằng, nếu không có cơ chế trong giai đoạn chuyển tiếp thì các dự án đang xin bổ sung vào quy hoạch phải chờ đợi ít nhất 1 đến 2 năm nữa, tức là có thể tới năm 2021 mới được phê duyệt. Các dự án công nghiệp sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ, phát triển công nghiệp đất nước.
Cũng đang gặp những vướng mắc tương tự, Bộ Giao thông Vận tải nhận định, các quy hoạch đang có không còn hiệu lực nên không có căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo. Bộ này cũng không thể triển khai lập dự án đầu tư để huy động vốn xã hội hoá, không thể điều chỉnh cục bộ các quy hoạch do luật chuyên ngành đã hết hiệu lực.Việc này gây lãng phí lớn cho xã hội”, báo cáo của Bộ Giao thông nêu.
Cơ quan này dẫn chứng, Thủ tướng giao Bộ Giao thông lập quy hoạch thuộc lĩnh vực liên quan tới an ninh, quốc phòng song đến giờ chưa thể làm, bởi nó không nằm trong quy hoạch quốc gia. “Đây là quy hoạch chuyên ngành nên việc lập đang vướng, vì không có quy định về trình tự, thủ tục, nguồn vốn để lập, thẩm định, phê duyệt”, báo cáo nêu.
Tại phiên thảo luận ngày 30/5, ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Bình cho biết, thực trạng Luật Quy hoạch có nguy cơ đe doạ nghiêm trọng nền kinh tế đất nước làm nhiều dự án đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động.
Đại biểu đề nghị Quốc hội mạnh dạn sửa đổi hoặc ban hành Nghị quyết riêng xử lý việc chuyển tiếp các quy hoạch liên quan đến điều chỉnh quy hoạch cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh được phê duyệt. “Cần tháo gỡ để cho phép triển khai, tạo cơ hội các bộ ngành được thẩm định, được phê duyệt tiến hành thi công để dự án không nằm im, trì trệ”, ông đề nghị.
Theo VNE