web analytics

Học ở Bác những điều dung dị 19/05/2022

(KDTT) – “Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức học tập, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ” là yêu cầu được nhấn mạnh trong Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị Khóa XIII.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, tối 31/5/1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi Thủ đô xem biểu diễn văn nghệ chào mừng Bác. Ảnh: TTXVN

Cuộc vận động với chặng đường gần 20 năm

Ngày 27/3/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX ra Chỉ thị số 23-CT/TW về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Bối cảnh ra đời của Chỉ thị là từ sau Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đến thời điểm năm 2003 công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng, song việc tuyên truyền, giáo dục vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Cụ thể, nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh chưa thống nhất và chưa đạt được chiều sâu tư tưởng, lý luận; nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền thiếu sinh động; chưa giúp cán bộ, đảng viên gắn việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với giải quyết những vấn đề thực tiễn; chưa tạo được phong trào học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân…

Nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm nói trên, theo kết luận của Ban Bí thư, chủ yếu là do không ít cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí tư tưởng Hồ Chí Minh, về trách nhiệm tổ chức nghiên cứu công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng của Người, Đảng ta chưa thực hiện có nền nếp chế độ học tập lý luận chính trị đối với mọi đảng viên; chậm hoàn chỉnh nội dung, tài liệu giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở thống nhất cho công tác tuyên truyền; đầu tư cho tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế và chưa tương xứng.

Ban Bí thư quyết định: Phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện Di chúc của Bác; hằng năm tiến hành sơ kết vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác. Khen thưởng, biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, phê bình những nơi làm kém, tạo ra khí thế mới của các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển mạnh mẽ, đúng hướng.

Trong hơn 3 năm tiếp đó, toàn Đảng, toàn dân ta đã tổ chức đợt học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đợt học tập đã thu được nhiều kết quả tốt.

Trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (năm 2005) đã quyết định triển khai chỉ đạo điểm Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng về vấn đề này sau Đại hội X (năm 2006) của Đảng. Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở những kinh nghiệm thu được qua đợt làm điểm ở một số cơ quan Trung ương và địa phương, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7/11/2006, quyết định tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân từ ngày kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng (3/2/2007) tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng.

Mục đích của cuộc vận động là làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh… nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Trong hơn 4 năm sau đó, cuộc vận động đã đạt được kết quả bước đầu. Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI (năm 2011) của Đảng, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011, yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện cuộc vận động thời gian qua, tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.

Năm năm sau, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hai nội dung trong đó là đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ.

Tiếp theo, ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII ra Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn…

Học Bác sao cho thiết thực

Bộ Chính trị kết luận: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW còn bộc lộ một số hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế; một số người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thiếu sáng tạo trong triển khai thực hiện Chỉ thị.

Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các khâu đột phá, các vấn đề cấp bách, bức xúc còn lúng túng, hiệu quả chưa cao…

Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức học tập, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ.

Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả nhiều hay ít phụ thuộc vào cách nhận thức và hành động của chúng ta có sát thực, phù hợp hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, nhưng người rất dung dị. Hiểu được sâu sắc về Bác thì việc học tập Người mới đi vào thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực. Chúng ta sẽ không đạt mục đích nếu cố theo đuổi những gì cao siêu, xa vời mà có thể học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của vị lãnh tụ kính yêu thông qua những biểu hiện dung dị nhất của Người. Chỉ cần nhìn vào những lời nói, hành động mẫu mực của Người trong cuộc sống thường nhật, ai ai cũng có thể thấy những điều mình có thể học tập, noi theo.

Chúng ta có thể tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, viết hàng chục cuốn sách, hàng nghìn bài báo về tấm lòng thương dân của Bác. Song, chúng ta cũng có thể suy ngẫm và kể cho nhau nghe câu chuyện dung dị về chiếc ô bị Người từ chối. Câu nói súc tích cùng hành động dung dị đã lột tả được rõ nhất nhân cách, tác phong của Người.

Chuyện kể rằng cuối năm 1961, Bác Hồ về quê hương Nghệ An thăm hỏi bà con nơi có phong trào điển hình về trồng cây. Bác đứng giữa nắng trưa nói chuyện với nhân dân. Một cán bộ địa phương thấy vậy, đi tìm chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác. Bác quay lại hỏi: Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi, Bác có phải là vua đâu!

Còn về tác phong đối xử với cấp dưới, với người dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng rất nhiều lần căn dặn cán bộ thì câu chuyện dưới đây là sự đúc rút mang tính biểu tượng, khiến chúng ta nghe một lần là ngấm mãi.

Dù bận “trăm công, nghìn việc”, hằng ngày, Bác Hồ vẫn dành thời gian tăng gia sản xuất. Ít có vị lãnh tụ nào mà hình ảnh đọng lại trong tâm trí người dân lại gần gũi, bình dị đến thế. Ảnh: TTXVN

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cán bộ trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Nhận được thông tin phản ánh, một hôm Bác cho gọi đồng chí này lên Việt Bắc. Giữa trưa Hè nắng chang chang, Bác “đãi” cốc nước nóng đang bốc hơi nghi ngút. Nhìn thái độ ngạc nhiên của đồng chí cán bộ trung đoàn, Bác nghiêm giọng nói: “Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn”.

Lần khác, một cán bộ đến họp muộn khiến cả hội trường phải chờ. Bác hỏi: Chú đến chậm mấy phút? Cán bộ trả lời: Thưa Bác, 10 phút ạ. Bác ôn tồn chỉnh lại: Chú tính thế chưa đúng. 10 phút phải nhân lên với 500 con người đang đợi. Đấy là cách Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu.

Còn có hàng trăm câu chuyện dung dị khác mà qua đó chúng ta có thể học ở Bác để ứng dụng vào cuộc sống, vào công việc của mình ở những lĩnh vực khác nhau – chuyện về chiếc áo gối vá đi vá lại, đôi dép cao su của Người được dùng hơn 10 năm khiến mỗi chúng ta suy ngẫm về việc tiết kiệm ngân sách cơ quan. Chuyện về chiếc đồng hồ mà kim giây cũng quan trọng như kim chỉ giờ là bài học về sự đoàn kết trong tổ chức Đảng. Chuyện về ba chiếc ba lô phải nặng nhẹ như nhau trong chuyến công tác của Bác và hai người cán bộ cấp dưới là biểu hiện về sự công bằng ở cơ quan…

Chúng ta học tập nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những điều dung dị và có thể tuyên truyền, giáo dục về điều này theo những cách dung dị nhất. Bên cạnh việc tổ chức hội thảo, mở diễn đàn, viết sách, viết báo là cách thức truyền miệng, khai thác tốt những câu văn, thơ, câu nói ngắn gọn, dí dỏm, điển ngữ mà Bác hay dùng để người học dễ nhớ, dễ ngấm, dễ liên hệ với bản thân, công việc, địa phương của mình.

Điều quan trọng là chúng ta học tập Bác không phải “học để đấy” mà để ứng dụng sáng tạo vào công việc, vào cách giải quyết nhiệm vụ của bản thân, cơ quan, đơn vị, địa phương, để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bản thân mình.

Bạn đang đọc bài Học ở Bác những điều dung dị tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT