web analytics

Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội:
Giới kinh doanh trông vào Chính phủ để hành động 15/01/2022

(KDTT) – Các quyết sách đặc thù của Quốc hội đòi hỏi cách làm mới, những việc làm khó, có thể chưa có tiền lệ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Doanh nghiệp sẽ trông vào đó mà hành động.

Vào việc

Giờ là lúc Chính phủ trả lời rất cụ thể, chi tiết những lo ngại của đại biểu Quốc hội về tiến độ tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tiến độ thực hiện, giải ngân các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ… cũng như yêu cầu công khai, minh bạch các cơ chế đặc thù mà Quốc hội vừa bấm nút.

Các quyết sách đặc thù của Quốc hội đòi hỏi cách làm mới, những việc làm khó, có thể chưa có tiền lệ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Doanh nghiệp sẽ trông vào đó mà hành động.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt nhiều kỳ vọng vào thời điểm này.

“Các nỗ lực, quyết tâm và cách thức thực hiện phi truyền thống để đảm bảo các mục tiêu của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội 2 năm 2022-2023 sẽ thể hiện trong các kế hoạch hành động cụ thể của Chính phủ. Quan trọng là khi Chính phủ thể hiện rõ cách làm, giới kinh doanh sẽ nắm được để lên kế hoạch đầu tư, kinh doanh theo hướng bứt phá, thay vì duy trì tồn tại”, ông Cung tin tưởng.

Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, thời gian cơ bản hoàn thành là vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Khi thảo luận nội dung Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, một số đại biểu phân tích, thông thường, thủ tục dự án quan trọng quốc gia hoàn tất trong khoảng 2-3 năm, như vậy, Dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ khởi công vào khoảng cuối năm 2023, cộng thêm thời gian thi công 2 năm, sẽ khó hoàn thành cơ bản vào năm 2025. Ngay thời điểm đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải hoàn tất thủ tục trong năm 2022 và tổ chức song song các công việc giải phóng mặt bằng, đấu thầu và tổ chức thi công…

Nhưng, nguồn lực 113.500 tỷ đồng mà Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội 2 năm tới dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng không chỉ có dự án trên.

Chỉ tính riêng trong danh mục các dự án giao thông kết nối tới các cửa ngõ, kết nối liên vùng, khu công nghiệp cảng biển dự kiến trong Chương trình có 5 dự án như Dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60; tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình bằng nút Liêm Sơn, đi qua huyện Bình Lục, giao với Quốc lộ 21A, 21B… Chưa kể các dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai…

Trong quá trình thảo luận, khá nhiều dự án cụ thể đã được các đại biểu đề xuất thêm. Tuy nhiên, vì Nghị quyết trình Quốc hội thông qua không có danh mục các dự án cụ thể, nên theo ông Cung, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương rất lớn trong việc lựa chọn, đề xuất các dự án cụ thể.

“Phần quan trọng nhất là nguồn vốn đã xác định. Tiêu chí lựa chọn dự án cũng được thống nhất. Đây là lúc các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đứng ra chỉ đạo dứt điểm từ đề xuất dự án cụ thể đến thực thi và phải chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng. Vì có thể sẽ có những khó khăn, khúc mắc trong thực thi, cần sự sáng tạo, quyết tâm chính trị và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Và cũng không dễ từ chối dự án của địa phương đang cần, nhưng không đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu”, ông Cung làm rõ quan điểm.

Các dự án được chọn sẽ là dự án quan trọng quốc gia, các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa bố trí đủ vốn.

Với những trường hợp bố trí vốn cho các dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công, Nghị quyết đã xác định chỉ bố trí cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 – 2025. Đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội thì ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Để đảm bảo tiến độ, Nghị quyết đã yêu cầu các dự án phải bảo đảm đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Đặc biệt, việc tổ chức hiệu quả các dự án cũng đang trông vào việc thể chế hóa cơ chế đặc thù cũng vừa được các đại biểu bấm nút.

Cơ chế này cho phép Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình.

Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường…

Điều này cũng đòi hỏi các danh mục dự án cần được hoàn tất sớm, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn. “Tôi chờ đợi danh mục này được công bố công khai, vì đây là một trong những cách hữu hiệu để tuân thủ yêu cầu việc hỗ trợ đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách mà Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Cần cách làm khác 

Một số chính sách tài khóa trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội:
– Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), có loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
– Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
– Chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng…; cho an sinh xã hội, lao động, việc làm; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm.
– Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.
– Cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.
– Bổ sung 113.550 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Ông Cung tin sẽ có những thay đổi tư duy của các bộ, ngành khi thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội.

“Yêu cầu quyết liệt đổi mới, sẵn sàng bắt tay vào những việc làm khó, có thể chưa có tiền lệ đang thấy rõ trong Nghị quyết 02/2022/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành”, ông Cung lý giải.

Tại Nghị quyết 02/2022/NQ-CP, bên cạnh nhiều nhiệm vụ được xác định là thường xuyên, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2023; Bộ Xây dựng áp dụng dịch vụ công trực tuyến trong cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao đảm trách thực hiện nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, phát triển thị trường quyền sử dụng đất, đề xuất thí điểm thành lập Trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Đây là nhiệm vụ mới, chưa có quy định trong Luật Đất đai cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhưng theo ông Cung, đây là việc cần phải làm, phát sinh từ nhu cầu tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp.

“Khi đi cùng với các cơ quan nghiên cứu thực tế thực hiện tích tụ ruộng đất ở Hà Nam, Thái Bình, trong 6 tháng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới tập trung được khoảng 100 ha. Nhưng việc hoàn tất thủ tục lại gặp khó khi nhiều nông dân có hộ khẩu, có quyền sử dụng đất, nhưng không còn ở địa phương, giao cho người thân trông coi. Rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, nhưng bản thân người nông dân cũng không được đảm bảo quyền lợi trên diện tích đất nông nghiệp của mình”, ông Cung chia sẻ thông tin.

Việc thành lập Trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ gỡ được các vấn đề trên. Các diện tích đất nông nghiệp sẽ được số hóa, với các nội dung như chủ sở hữu, tình trạng pháp lý… đưa lên Trung tâm, tạo ra nguồn cung được bảo đảm. Doanh nghiệp, người dân có nhu cầu sẽ được đăng ký tham gia. Khi đó, thị trường về quyền sử dụng đất nông nghiệp xuất hiện, người mua và người bán đều có lợi khi các giao dịch dựa trên thông tin đầy đủ, công khai.

GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng kỳ vọng vào giải pháp này là cách mở rộng dần phần thị trường giao dịch chính thức và thu hẹp dần phần thị trường phi chính thức. Tại những vùng nông thôn, nhiều giao dịch về quyền sử dụng đất không được thực hiện chính thức, mà là giao dịch ngầm, tức giao dịch chỉ dựa vào hợp đồng viết tay giữa các bên và không thực hiện đúng các thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi trách nhiệm và sự nỗ lực rất lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điểm thuận là bộ này đang có hệ thống dữ liệu về đất nông nghiệp trên cả nước, có thể tiến hành số hóa.

Đặc biệt, ông Cung mong muốn các bộ, ngành nhìn vào khía cạnh chính của vấn đề trên. Vì khi vốn hóa tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp, người nông dân không có nhu cầu làm nông nghiệp có thể chuyển nhượng, lấy tiền làm việc khác, thay vì cố gắng giữ đất dù không khai thác hiệu quả. Trong trường hợp này, nguồn lực xã hội sẽ được huy động.

“Nếu yêu cầu này được thực hiện sớm, thì tôi tin là sẽ đóng góp lớn vào tốc độ phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp nông nghiệp và cả doanh nghiệp khác có thể nhìn thấy cơ hội khai thác giá trị từ sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp đó, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, như sản phẩm du lịch gắn với các vùng trồng lúa đặc sản… ”, ông Cung nói.

Đặc biệt, việc thí điểm này có thể thực hiện với Luật Đất đai hiện hành, nhưng với tư duy thị trường để thiết lập trung tâm giao dịch. Đây là thử nghiệm thực tế cho các đề xuất mang tính thực tiễn hơn khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

 

Theo KDPT