Nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63,3 nghìn tỷ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.
Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt “khất nợ” trái phiếu
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, thanh khoản bị hạn chế, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn chưa thu xếp được tiền thanh toán lãi và gốc cho các lô trái phiếu đến hạn đã được phát hành trước đó.
Đơn cử như mới đây, Công ty CP Fuji Nutri Food đưa ra lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán để xin “gác lại” khoản đáo hạn 23 tỷ đồng tiền lãi của lô trái phiếu FNFCH2124001 trị giá 720 tỷ đồng, phát hành ngày 18/3/2021 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất thực tế 11,5%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên. Trước đó, Fuji Nutri Food phát hành lô trái phiếu này nhằm góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Địa ốc Ngân Hiệp, liên quan đến việc đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 2 – Hồ Tràm.
Hay như Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Đất Xanh Miền Nam thông báo chậm thanh toán 5 kỳ lãi (từ tháng 2 – 5.2023) của lô trái phiếu MNRCH2123001. Doanh nghiệp này cho biết chưa thu xếp được nguồn tiền và dời ngày dự kiến thanh toán sang ngày 30.6. Tổng số tiền lãi chưa thanh toán là 8 tỉ đồng…
Trong khi đó cũng có một số doanh nghiệp cũng đã đàm phán với trái chủ để gia hạn thời gian thanh toán cho các lô trái phiếu. Đơn cử như Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (Mã CK: KHG) vừa qua đã công bố thông tin bất thường về nghị quyết của chủ sở hữu trái phiếu. Theo đó, ngày 21/6 vừa qua, chủ sở hữu lô trái phiếu KHGH2123002 đã thông qua việc kéo dài kỳ hạn đáo hạn đến ngày 22/6/2024, đồng thời điều chỉnh lãi suất trái phiếu thành 13,5%/năm. Kỳ tính lãi sẽ được điều chỉnh định kỳ 2 tháng/lần.
Trước đó, đối với một mã trái phiếu khác, Khải Hoàn Land cũng thông qua việc điều chỉnh kỳ tính lãi và kỳ thanh toán lãi trái phiếu đó là mã KHGH2123001 thành định kỳ 1 tháng một lần vào ngày 5 hàng tháng cho kỳ hạn từ ngày 5/4/2023 đến ngày 5/4/2024.
Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng SCG kéo dài thời hạn thanh toán của lô trái phiếu SCGCH20230001 từ 36 tháng lên 60 tháng. Sau điều chỉnh, ngày đáo hạn của lô trái phiếu này được dời đến cuối năm 2025, thay vì cuối năm 2023.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn về dòng tiền đối với các doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chất lượng tài sản không cao sẽ gặp nhiều bế tắc trong việc tìm kiếm nguồn vốn để xoay vòng khi: nguồn vốn vay ngân hàng khó tiếp cận; nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bị siết chặt; mức hấp thụ của thị trường bất động sản trong năm năm nay và năm tới là không cao do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
“Cuối năm nay một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn. Nếu doanh nghiệp không có tiền trả nợ thì phải khất nợ, gia hạn trái chủ 1 – 2 năm với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề là thị trường bất động sản hiện nay vẫn khó khăn, vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ thì 1 – 2 năm sau doanh nghiệp liệu có dòng tiền để trả nợ hay không?”, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân nhìn nhận.