Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra 3 nhiệm vụ chiến lược gồm: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) Xanh hóa sản xuất, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Để thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Liên quan đến lĩnh vực tài chính – NSNN, Bộ Tài chính được giao chủ trì triển khai 2/66 hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, bao gồm: (i) Hình thành khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh (Hành động số 3); (ii) Chi tiêu công theo tiêu chuẩn xanh (Hành động số 64).

Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh ở Việt Nam

Các chính sách thuế, phí từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia

Chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội và tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường.

Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Đối tượng chịu thuế gồm: (1) Xăng, dầu, mỡ nhờn; (2) Than đá; (3) Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); (4) Túi ni lông; (5) Thuốc diệt cỏ; (6) Thuốc trừ mối; (7) Thuốc bảo quản lâm sản; (8) Thuốc khử trùng kho. Áp dụng mức thuế từ 300 đồng – 3.000 đồng/lít đối với dầu các loại và xăng; 10.000 đồng/tấn đối với than đá, than nâu, than mỡ; 40.000 đồng/kg đối với túi ni lông.

Chính sách thuế tài nguyên đã trở thành công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên; góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên đối với phát triển kinh tế bền vững. Chính sách thuế tài nguyên được áp dụng theo Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2010). Nhìn chung, quy định về mức thuế suất đã đảm bảo nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp.

Các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.

Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 22% (20% từ ngày 01/01/2016). Ngoài ra, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp có sự hỗ trợ đối với tăng trưởng xanh: (i) Áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; (ii) Áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo; (iii) Áp dụng thuế suất 20% trong 10 năm (kể từ 01/01/2015 chuyển sang áp dụng thuế suất 17%), miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 12 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Chính sách chi NSNN được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) liên quan đến bảo vệ môi trường

Chính sách chi NSNN chủ yếu tập trung vào: (i) Chi NSNN cho sự nghiệp môi trường, bao gồm chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; (ii) Chi NSNN cho các chương trình MTQG liên quan đến bảo vệ môi trường.

Đối với chi NSNN cho sự nghiệp môi trường: Hàng năm, NSNN bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của NSNN trong dự toán ngân sách. Trong đó, chủ yếu tập trung vào: Hỗ trợ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo dự án; thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường…

Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch (tín dụng đầu tư nhà nước, tín dụng xanh, các chương trình cho vay ưu đãi)

Tín dụng ưu đãi qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam: Thời hạn cho vay và mức lãi suất tối đa không quá 10 năm 50% mức lãi suất cho vay thương mại (năm 2015, mức lãi suất cho vay là 3,6%/năm).

Chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ về vốn, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường theo Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020.

Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước thực hiện cho vay ưu đãi đối với các dự án năng lượng sạch, có khả năng tái tạo theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ và chính sách ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả theo Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 của Chính phủ.

Các hoạt động tín dụng xanh hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch thông qua Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) và tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Nhìn chung, chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong quá trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Các chính sách thuế đã góp phần quan trọng trong việc định hướng, khuyến khích tổ chức, cá nhân cân nhắc trong việc lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, đầu tư vào lĩnh vựcbảo vệ môi trường.

Các siêu thị giảm sử dụng túi nilon hoặc chuyển sang dùng các loại túi ít gây hại đến môi trường. (Ảnh KHƯƠNG DUY)

Doanh nghiệp Việt nhập cuộc ra sao?

Theo Báo cáo của Liên Hợp quốc vào năm 2018, các nhà khoa học và chuyên gia đã thống nhất rằng việc giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C sẽ là ngưỡng an toàn giúp chúng ta tránh được những tác động biến đổi khí hậu xấu nhất.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi có một cam kết và hệ thống giải pháp mang tính toàn cầu và cấp thiết. Vào tháng 12/2021 tại Hội nghị COP26, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã đưa ra cam kết mạnh mẽ để giảm mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Mục tiêu đạt Net Zero vào 2050 của Việt Nam được đánh giá là thách thức, tuy nhiên cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình kinh doanh và chuyển đổi tăng trưởng bền vững hơn.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải. Việc phát huy vai trò của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh, bền vững.

Từ số liệu thống kê của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, “mỗi năm kinh tế tuần hoàn tạo ra khoảng 4.000 – 5.000 tỷ USD và tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, thông qua các mô hình kinh doanh mới”.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội nhiều hơn thách thức, cần cộng đồng doanh nghiệp nhận biết sớm, khai thác tối đa tiềm năng nội tại và thị trường bên ngoài.

Cùng với vấn đề nhận thức, ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định, “tài chính xanh” là yếu tố phải bàn trong nỗ lực tăng trưởng xanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Ông Lê Ngọc Ánh Minh-Chủ tịch CLB Hydrogen Việt Nam- ASEAN, Chủ tịch Điều hành Pacific Group (chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững và tăng trưởng xanh) cho rằng, các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, khái niệm của tăng trưởng xanh để từ đó có thể xây dựng các chiến lược phát triển của doanh nghiệp mình một cách phù hợp, hiệu quả với cả tầm nhìn ngắn hạn và lâu dài.

Theo đó, phải hiểu rõ tăng trưởng xanh không chỉ gói gọn ở việc sử dụng điện tái tạo, điện sạch hay tiết kiệm điện mà để tăng trưởng xanh bền vững thì các ngành giao thông, xây dựng, sản xuất phải được hướng dẫn và thực hiện các quy định về khí thải trực tiếp (như ngành giao thông) hoặc gián tiếp (như ngành sản xuất sản xuất ra vật liệu hay sản phẩm bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm trong quá trình hình thành nên vật liệu hay sản phẩm). Theo đó, các DN lớn phải đi đầu và lan tỏa thông điệp tích cực về tăng trưởng xanh.

Tuy vậy, dù nỗ lực nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện bởi vướng nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực… Do đó, cũng cần cơ chế, chính sách, ưu đãi để thực hiện.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là mâu thuẫn giữa hai mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Ngoài ra, trên thế giới, mặc dù công nghệ xanh đã rất phát triển, song thực tế áp dụng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nhất định.

Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp. Mâu thuẫn nói trên khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn làm sản phẩm xanh, bền vững mà mới chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh. Theo khảo sát của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh…

Đơn cử, trong lĩnh vực xây dựng, Việt Nam mới có khoảng 61 công trình được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước chứng nhận là công trình xanh. Số lượng này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường. Đáng lưu ý, các công trình xanh mới chỉ xuất hiện ở phân khúc cao cấp và do các chủ đầu tư là các tập đoàn, công ty đa quốc gia xây dựng với mục tiêu quảng bá hình ảnh, thương hiệu, cũng như hướng tới mục đích giảm thiểu chi phí vận hành.

Thứ hai, còn thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh.

Bên cạnh việc xử lý hàng tồn kho, tìm kiếm và mở rộng thị trường, bảo hộ thương hiệu, tiếp cận vốn vay… doanh nghiệp sẽ phải rót thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao nếu thực hiện các dự án về sản xuất xanh. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển xanh, trong khi không có nguồn lực dành cho việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Chính phủ trong kế hoạch trung hạn, nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh.Cũng theo kết quả khảo sát của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, có đến 89% doanh nghiệp được hỏi đã trả lời không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm xanh; chỉ có 26% doanh nghiệp cho biết họ nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, phân phối đối với sản phẩm xanh.Thứ ba, trách nhiệm đối với môi trường của doanh nghiệp còn hạn chếCác chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ mà quan trọng hơn, cần có sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế từ ý thức tới hành động.

Nếu doanh nghiệp không từ bỏ phương thức kinh doanh “chụp giật”, thay vào đó là tư duy phát triển bền vững thì khi các hiệp định thương mại với những quy định khắt khe có hiệu lực, nguy cơ phá sản là rất lớn.Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí. Đơn cử, để sản xuất một đơn vị sản phẩm giấy cần trên 500 m3 nước, gấp 5 lần so với chỉ tiêu của thế giới (xấp xỉ 100 m3/tấn). Nước thải của ngành chế biến thực phẩm cao gấp 3,4 lần so với thế giới. Chi phí năng lượng trong các ngành công nghiệp cũng tương đối cao: ngành giấy tiêu hao 1.200 kWh và 1.500 kg than/tấn giấy tẩy trắng; ngành thép cần 700.000 kWh/tấn thép thỏi và 25 kWh/tấn gang tinh luyện.Trong khi đó, với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn 10 năm qua, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến các nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững.

Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở mức nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái, 3R và là những hoạt động đơn lẻ, thiếu tính kết nối, phạm vi tác động giới hạn trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.

Tăng trưởng xanh không chỉ lợi ích về mặt kinh tế, đó là lợi ích tổng thể, bao gồm cả môi trường, xã hội… Như khẳng định của các chuyên gia, đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề quan trọng đầu tiên, vẫn là thay đổi nhận thức, còn nguồn lực và công nghệ – dù lợi thế đang nghiêng về các doanh nghiệp FDI nhưng bối cảnh mới đang hiện hữu nhiều cơ hội, thuận lợi với cộng đồng doanh nghiệp nội. Nếu biết cách học hỏi, khai thác và tận dụng những lợi thế đó, tiến trình xanh hoá doanh nghiệp sẽ hiệu quả sớm hơn, đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng của người Việt.

Theo KDPT