Hệ số nợ giảm mạnh so với cùng kỳ
Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2022, Tập đoàn Nam Cường đã thu về hơn 1.168 tỷ đồng lợi nhuận sau thế, con số này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng, điểm đáng chú ý trong bản báo cáo này là tình hình nợ của doanh nghiệp đã được cắt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Theo đó, Tập đoàn Nam Cường đã đưa tổng số nợ từ 4.891 tỷ đồng trong năm 2021 về mức 3.309 tỷ đồng trong năm 2022, tương ứng giảm gần 1.582 tỷ đồng, đưa hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu về mức đáng mơ ước chỉ còn 43,02%, trong khi cùng kỳ, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức báo động tới 70,94%.
Ngoài ra, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh, từ mức 8,67% về còn 4,40%. Tương ứng với dư nợ trái phiếu là 338,5 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Nam Cường có 1 lô trái phiếu duy nhất đang được lưu hành là NAMCUONG_BOND2018_01, được phát hành ngày 28/12/2018, kỳ hạn 5 năm. Ngày đáo hạn là 28/12/2023. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 718 tỷ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm 31/12/2022, Tập đoàn Nam Cường đã thanh toán 379,5 tỷ đồng gốc trái phiếu cho lô trái phiếu này.
Trong năm 2022, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng tăng lên mức 7.693 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái ghi nhận ở mức 6.895 tỷ đồng. Từ các chỉ số trên tính ra, tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp là hơn 11.000 tỷ đồng, đã giảm 7% so với đầu kỳ.
Ai là người sáng lập Tập đoàn Nam Cường?
CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy, thành lập từ năm 1984 do ông Trần Văn Cường sáng lập. Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải thủy nội địa các mặt hàng phân bón, xi măng, sắt thép phục vụ cho nhu cầu các tỉnh miền Bắc – Việt Nam.
Sau khi tăng vốn điều lệ lên thành 595 tỷ đồng vào năm 1998, Nam Cường dưới sự dẫn dắt của ông Trần Văn Cường đã tập trung phát triển các lĩnh vực quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng, tham gia đầu tư hàng loạt KĐT tại Hà Nội, TP Hải Dương và TP Nam Định.
Năm 2007, Tập đoàn Nam Cường ra đời, đến tháng 8/2009 cổ phần hóa, đổi tên thành CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội như hiện tại.
Đến năm 2010, ông Cường qua đời, sau đó vợ của ông là bà Lê Thị Thúy Ngà đã tiếp quản công ty, cùng với đó là sự xuất hiện của người con gái duy nhất của cố chủ tịch Nam Cường là bà Trần Thị Quỳnh Ngọc (1990) trở nên nổi tiếng vì tiếp quản vị trí Phó Chủ tịch HĐQT khi mới vừa trong 20 tuổi.
Có thể thấy, dưới sự dẫn dắt của vợ và con gái ông Trần Văn Cường, tập đoàn Nam Cường ngày càng phát triển và mở rộng nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Hiện tại, Nam Cường đang sở hữu nhưng dự án bất động sản lớn như: KĐT Dương Nội, Nam Cường còn sở hữu các dự án lớn gồm KĐT Cổ Nhuế (17,6 ha, quận Bắc Từ Liêm) và KĐT Phùng Khoang (46 ha, quận Nam Từ Liêm) với hàng nghìn căn hộ chung cư tại Hà Nội.
Tại Nam Định, Nam Cường đầu tư ba dự án, gồm KĐT Hòa Vượng (55,4 ha); KĐT Thống Nhất (63,9 ha) và KĐT Mỹ Trung (152,9 ha). Tất cả các dự án đều đã hoàn thành và bàn giao.
Tại Hải Dương, doanh nghiệp cũng đã triển khai hai dự án lớn, bao gồm Khu văn hóa thể thao – đô thị mới phía Đông TP Hải Dương (108 ha) và Khu thương mại – du lịch – đô thị phía Tây TP Hải Dương (595 ha).
Ở lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, năm 1998, doanh nghiệp khai trương dự án đầu tay là khách sạn Tray, đến năm 2009 được đổi tên thành Khách sạn Nam Cường Hải Phòng. Tại Hải Dương, năm 2005, khách sạn Nam Cường Hải Dương cũng đi vào hoạt động, với tòa nhà cao 25 tầng, tọa lạc ngay cửa ngõ thành phố.
Ngoài ra, hệ thống khách sạn của Nam Cường còn có thêm các khách sạn như Nam Cường Đồ Sơn hay Nam Cường Nam Định,…
Từ năm 2016 đến nay, Nam Cường cũng cho ra mắt thêm một số dự án đáng chú ý như Tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp Anland (Anland Complex), biệt thự thương mại An Phú Shop – Villa hay Công viên Thiên văn học ngoài trời,…