web analytics

Lợi ích kép từ “sân nhà” 15/09/2020

KDTT) – Cùng với việc giữ và mở rộng thị trường XK, việc quay trở lại “sân nhà” cũng mang lại lợi ích kép cho cả nền kinh tế và DN trong nước. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế – tài chính cấp cao (Học viện Tài chính) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Dịch Covid-19 tác động mạnh đến thị trường XK. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng thị trường trong nước có ý nghĩa như thế nào đối với yêu cầu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, thưa ông?

Chinh phục thị trường nội địa là yêu cầu cấp thiết

Chiếm lĩnh thị trường nội địa là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến đầu ra của thị trường XK, cũng như tận dụng cơ hội từ sự tăng trưởng của kinh tế trong nước.

Nguyên nhân do, nền kinh tế của Việt Nam thời gian vừa qua phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Và kim ngạch XNK đã gấp đôi so với GDP cả nước. Tuy nhiên, cũng không vì vậy mà bỏ qua thị trường trong nước, nhất là khi GDP Việt Nam đã đạt khoảng trên dưới 250 tỷ USD. Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, thu nhập người dân không ngừng cải thiện kéo theo sức tiêu dùng tăng lên nhanh chóng. Do vậy, cùng với XK, đây là thị trường mà chúng ta cần phải nắm bắt và khai thác.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế – tài chính cấp cao (Học viện Tài chính)

Mặt khác, thị trường nội địa được đánh giá là dễ tiếp cận cho DN Việt, bởi chi phí phát triển thị trường sẽ thấp hơn rất nhiều so với phát triển thị trường nước ngoài. Người dân Việt Nam có tính dân tộc rất cao, người tiêu dùng Việt ngày càng ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các nước đều thực hiện giãn cách xã hội, giảm tối đa nhập khẩu nhằm giảm thiểu nguồn lây lan dịch bệnh. Một số nước trên thế giới còn có động thái đóng cửa, bảo vệ thị trường nội địa.

Dó đó, cùng với giữ vững, mở rộng thị trường XK, thì kích cầu tiêu dùng nội địa là một yêu cầu bắt buộc, không chỉ đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân trong nước mà còn tháo gỡ khó khăn cho khu vực DN.

Có ý kiến cho rằng, nhiều nơi chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa đến được với DN. Để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm, theo ông cần có những giải pháp gì?

Tôi đánh giá rất cao động thái hỗ trợ của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong việc hỗ trợ DN thời gian qua, như: Giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ… Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, mua sắm. Ngay cả chính sách cho vay không lãi suất để trả lương cho người lao động (NLĐ) cũng là động thái rất tốt giúp DN ổn định sản xuất, hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống. Đây cũng là biện pháp kích cầu hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tích cực, việc thực thi chính sách hỗ trợ vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng được thụ hưởng. Cụ thể, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đến thời điểm này mới giải ngân được rất ít. Hay gói vay 16 nghìn tỷ đồng cho DN vay để trả lương cho NLĐ thì vẫn chậm được giải ngân… Do vậy, cần xem xét, tính toán để các gói hỗ trợ sớm đến với những DN đang gặp khó khăn.

Bên cạnh tận dụng tốt các gói hỗ trợ, để chinh phục thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng trong nước, bản thân DN cần chủ động cắt giảm chi phí, tái cấu trúc lại sản xuất, nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ.

Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN HẠNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo link gốc: https://congthuong.vn/loi-ich-kep-tu-san-nha-143712.html