Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư 29 dự án, với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 1,568 tỷ USD (gồm 23 dự án trong khu công nghiệp với vốn tăng thêm 1,560 tỷ USD; 6 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có vốn tăng thêm 8,49 triệu USD).

Đặc biệt, với việc Dự án LG Innotek Hải Phòng tăng vốn thêm 1,054 tỷ USD, Hải Phòng vượt lên đứng thứ hai về lượng vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2023. Đến nay, Hải Phòng có 883 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 26,197 tỷ USD.

Theo chia sẻ của ông Cho Ji Tae, Phó chủ tịch Tập đoàn LG Innotek tại buổi trao giấy chứng nhận mở rộng đầu tư mới đây, những nỗ lực của Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng trong cải cách môi trường kinh doanh là lý do hàng đầu giữ chân nhà đầu tư. Với việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, Hải Phòng tiếp tục là điểm dừng chân lý tưởng để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và mở rộng dự án.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng khẳng định, Thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, thành công của các nhà đầu tư là thành công của Thành phố. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng luôn là chỗ dựa quan trọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tới đầu tư, mở rộng phát triển, góp phần đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội.

Trong 7 tháng đầu năm, cùng với sự gia tăng của vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, dòng vốn tăng thêm cũng tăng trưởng mạnh tại Hưng Yên. Tỉnh đã thu hút 25 dự án với vốn đăng ký hơn 374,9 triệu USD, nâng tổng số dự án còn hiệu lực lên 526 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 6,6 tỷ USD. Các dự án tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp nhẹ. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư lớn là Nhật Bản (170 dự án), Hàn Quốc (148 dự án), Trung Quốc (132 dự án).

Ông Phạm Trường Tam, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, để đón làn sóng đầu tư mới vào tỉnh, nhất là vào các khu công nghiệp, tỉnh đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp, tăng cường tính cạnh tranh trong thu hút, xúc tiến đầu tư. Sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành công nghiệp mới, là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng thêm năng lực cho ngành công nghiệp của tỉnh.

Tại Hải Dương, 7 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 256 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước. Nhưng dự án cấp mới tăng cao về cả số lượng và vốn đầu tư, với 38 dự án, tổng vốn 178,5 triệu USD, tăng gấp khoảng 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Các dự án chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức…

Ngoài ra, Hải Dương điều chỉnh tăng vốn cho 21 lượt dự án, với tổng vốn tăng thêm 77 triệu USD. Hiện toàn tỉnh có hơn 500 dự án đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn hơn 9,34 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, thời gian qua, Ban Quản lý và các chủ đầu tư hạ tầng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Thời gian cấp chứng nhận đầu tư cho các dự án mới được rút ngắn xuống còn từ 5-10 ngày, thay vì 15 ngày theo quy định.

Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương cho biết, thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, đơn vị cam kết tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.

Theo KDPT