Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức cao nhất 10 năm trở lại đây.

Trong năm 2022, Ấn Độ xuất khẩu được 22,2 triệu tấn gạo – tương đương 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu; lượng gạo xuất khẩu của nước này nhiều hơn tổng xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu gạo lớn tiếp theo cộng lại (Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Hoa Kỳ). Trong đó, các loại gạo tẻ chiếm hơn 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.

Do đó việc Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ là cơ hội “vàng” cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Việt Nam tăng tốc chiếm lĩnh thị phần tại các thị trường mà gạo Ấn Độ đang chi phối. Những khách hàng chính đang mua gạo tẻ của Ấn Độ gồm: Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal.

Theo GS Võ Tòng Xuân, lệnh cấm xuất khẩu đột ngột của Ấn Độ sẽ gây tổn thương lớn cho các nước nhập khẩu vì họ không thể tìm kiếm các lô hàng gạo thay thế từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, thị trường Việt Nam và Thái Lan sẽ là điểm đến cho các nhà nhập khẩu. Ông dự báo kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm của Việt Nam có thể tăng đột biến.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho hay Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này làm điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.

Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati) sau khi giá gạo bán lẻ tăng 3% trong một tháng ở nước này do mưa gió kéo dài, gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.