Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên (Cục Hải quan Bắc Ninh). Ảnh: QH
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên (Cục Hải quan Bắc Ninh). Ảnh: QH

Động lực cho doanh nghiệp bứt phá

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách, đi kèm là các giải pháp để thực hiện.

Trong đó, đáng chú ý tỷ lệ tờ khai luồng đỏ giảm 5%, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022…

Phó Tổng cục trưởng Hải quan Hoàng Việt Cường chia sẻ, việc cắt giảm tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, luồng vàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần cắt giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Bởi theo tính toán trên số liệu tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022, nếu giảm được 5% tỷ lệ các lô hàng tờ khai luồng đỏ, sẽ giảm tương ứng khoảng 31 nghìn tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa, qua đó giảm gần 20 nghìn giờ công lao động cho công chức hải quan.

Nếu giảm 10% tỷ lệ lô hàng luồng vàng sẽ cắt giảm khoảng 440 nghìn bộ hồ sơ hải quan phải kiểm tra và giảm gần 100 nghìn giờ công lao động cho công chức hải quan. Điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý.

Tiếp tục số hóa trong kiểm tra hải quan

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) 10 tháng năm nay ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% tương ứng giảm 59,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. ‘Tổng kim ngạch XNK 10 tháng năm nay giảm đã tác động lớn đến công tác thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan. Tính đến ngày 6/11, toàn ngành Hải quan thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 306.457 tỷ đồng, chỉ bằng 72,1% dự toán, giảm 17,3% với cùng kỳ năm 2022’, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết: Để thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, ngành Hải quan đã và đang tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số; chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị hành chính nội ngành.

Theo ông Lê Đức Thành, trước mắt, ngành Hải quan tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực nghiệp vụ hải quan với nội dung cốt lõi là thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan và xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số.

Trước mắt, từ nay đến năm 2025, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 1957/QĐ-BTC ngày 15/9.

“Mục tiêu của Dự án là xây dựng một hệ thống CNTT mới có khả năng mở rộng và tích hợp với các hệ thống CNTT hiện tại, hướng tới quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối trong quá trình thông quan; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, xây dựng Hải quan Việt Nam thành Hải quan số”, ông Lê Đức Thành nhấn mạnh.

Hiện, Tổng cục Hải quan đã huy động gần 200 cán bộ, công chức là chuyên gia thuộc các lĩnh vực trong toàn Ngành để rà soát, tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ, xây dựng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và các thủ tục cần thiết khác.

Theo TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, lĩnh vực hải quan hiện liên quan đến khoảng 80.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thời gian qua, có 64.700 doanh nghiệp đã đăng ký vào hệ thống dịch vụ công một cửa liên quan đến xuất nhập khẩu.

”Với sự ảnh hưởng này, chuyển đổi số sẽ có sự lan tỏa rất lớn và người dân sẽ được thụ hưởng từ việc này. Tôi mong muốn chuyển đổi số tốt hơn nữa để người dân được hưởng lợi. Việt Nam đã làm rất tốt khâu kế hoạch chiến lược. Cụ thể, lĩnh vực tài chính là 1 trong 8 lĩnh vực đầu tiên ưu tiên chuyển đổi số của Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã có chiến lược phát triển ngành Tài chính quốc gia, trong đó tôi thấy những trụ cột chuyển đổi số là rất quan trọng”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

TS Cấn Văn Lực cho biết thêm: Ấn tượng của ngành Hải quan đã số hóa hải quan đến cấp độ 3 và 4. Vấn đề tiếp theo, các cơ quan cần triển khai những bước tiếp theo như thế nào? theo đó, một số giải pháp quan trọng cần đặt ra.

Một vấn đề quan trọng nữa là dữ liệu, đó là hồn cốt của chuyển đổi số. Các doanh nghiệp lớn đều có 1 trung tâm quản lý và phân tích dữ liệu và các cơ quan nhà nước cũng nên làm như vậy.

”Giải pháp thứ nhất là phải có chiến lược, trong đó một vấn đề quan trọng là văn hóa chuyển đổi số; thứ hai là quy trình, các ngành Thuế và Hải quan làm tương đối tốt nhưng cũng cần tự động hóa thêm hơn nữa. Giải pháp tiếp theo là về công nghệ. Trong đó có yếu tố chọn loại công nghệ nào và đầu tư vào công nghệ như thế nào cho phù hợp. Đây là bài toán cần phải tính toán rất kỹ lưỡng, gắn với các câu chuyện về công nghệ và an ninh mạng, do đây là vấn đề rất quan trọng và mức độ ảnh hưởng lớn. Vấn đề cần quan tâm nữa là khách hàng, làm sao để việc sử dụng dịch vụ nền tảng số của các cơ quan tiện lợi”, chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ.