web analytics

Gặp “cha đẻ” các mẫu tiền Việt Nam 16/02/2021

(KDTT) – Ngôn ngữ đồ họa của tiền không giống như các loại đồ họa khác. Họa sĩ phải phối hợp hàng chục công đoạn như: vẽ, khắc tay, làm bằng máy tính, mạ, in, ghép bản… Đáng chú ý là những phần phải khắc tay hết sức công phu như chân dung Bác Hồ, và các hình ảnh phong cảnh Việt Nam… đó là những ký ức không phai mờ của họa sĩ Trần Tiến, nguyên Trưởng phòng thiết kế mẫu tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quá trình 30 năm vẽ những đồng tiền Việt Nam.

Tôi hẹn gặp ông vào một ngày cuối năm, người họa sĩ già tỏ ra hào hứng khi nói về đồng tiền Việt Nam, “đứa con tinh thần” của mình trong suốt mấy chục năm công tác. Đã gần 80 tuổi, nhưng họa sĩ Trần Tiến vẫn còn rất minh mẫn.

Khi đang học Trung cấp Mỹ thuật, ông lên đường đi bộ đội. Ra quân vào năm 1970, ông tiếp tục theo học và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1975. Tốt nghiệp, ông được phân công về bộ phận thiết kế tiền trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lúc này, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị có mong muốn phát triển bộ phận thiết kế mẫu tiền cho Ngân hàng Nhà nước, và ông là “người được chọn”. Nhưng “lúc đầu có lăn tăn bởi đang là họa sĩ vẽ sơn dầu, vẽ tiền lại có các chi tiết nhỏ, bút lông cũng nhỏ, trái với nguyện vọng và khả năng của bản thân”, họa sĩ Trần Tiến chia sẻ.

Họa sĩ Trần Tiến đang giới thiệu về những công nghệ bảo an trên tờ tiền 500.000 đồng.

Để theo được công việc này, ông cho biết mình phải học lại từ đầu vì ngôn ngữ đồ họa của tiền không giống như các loại đồ họa khác. Họa sĩ phải phối hợp hàng chục công đoạn như vẽ, khắc tay, làm bằng máy tính, mạ, in, ghép bản… Phần phải khắc tay cũng hết sức công phu như chân dung Bác Hồ, và các hình ảnh phong cảnh Việt Nam. Phác thảo bao giờ cũng phải vẽ với tỷ lệ 1:1 như thật, vẽ qua kính lúp bằng một loại bút cực nhỏ để vẽ được những nét nhỏ li ti. Bản vẽ không chỉ là một bản mỹ thuật, mà còn phải là một bản công nghệ với các yêu cầu về tính bảo mật, và khả năng chống làm giả.

Trong bộ tiền polymer của Việt Nam, ông đã thiết kế cả hai mặt của đồng 200.000 đồng, mặt sau của đồng 50.000 đồng, mặt trước của đồng 500.000 đồng. Đồng tiền có mệnh giá càng cao thì càng hay bị làm giả, do đó đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao, đường nét tinh xảo để đảm bảo vấn đề bảo an của đồng tiền.

Cái đẹp trên đồng tiền Việt Nam ngoài hình tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh,
còn có những hình ảnh điển hình về văn hóa, kinh tế và con người Việt Nam.

Khác với ở các nước, Ngân hàng Trung ương có thể tự phát hành tiền trước khi thông qua Chính phủ, ở nước ta, mỗi đồng tiền muốn được phát hành đều phải được Chính phủ phê duyệt và đích thân Thủ tướng ký vào bản phác thảo. Cho nên vẽ phác thảo trên giấy theo tỷ lệ 1:1 sắc nét, giống y như thật là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình thiết kế tiền. “Trước đây, khi công nghệ kỹ thuật số chưa phát triển, chúng tôi phải thực hiện thao tác này trong vòng 3-4 tháng, hoàn toàn bằng tay với những loại bút lông cực nhỏ và sự hỗ trợ của một chiếc kính lúp, nhưng vẽ xong rồi, có khi không được duyệt, lại tiếp tục 3-4 tháng nữa để vẽ lại tới khi nào được thì thôi”, ông chia sẻ.

Với đồng tiền 500.000, họa sĩ Trần Tiến cho biết đây là đồng tiền có mức độ bảo an rất cao. Ở mặt trước được sử dụng công nghệ in khắc lõm, tạo nét nổi, đây là công nghệ mà các đối tượng làm tiền giả không có, do đó không thể làm giả. Phần nền, được in bằng công nghệ ốp-sét khô chuyên dụng in trên giấy bạc, in cùng lúc hai mặt, tạo ra yếu tố định vị chính xác giữa mặt trước và mặt sau khi soi trên nguồn sáng. Máy móc để in bằng công nghệ này có giá lên tới hàng chục triệu USD. Ông “bật mí”, cụm số 500.000 do 3 màu tạo nên, do đó, nếu đối tượng in tiền giả có máy in lõm mà không có công nghệ in 4 màu cùng lúc sẽ không thể đạt được chất lượng. Dải màu kim loại lấp lánh sản xuất từ lúc làm giấy, sau đó in hình ảnh đè lên, tạo ra sự lấp loáng, chống làm giả. Trong các cửa sổ, độ nổi của dòng số 500.000, sẽ biến đổi màu sắc theo góc độ khi nhìn. Có thể nói trên tờ 500.000 có những công nghệ bảo an tối tân. Hoặc “trung tâm chống làm giả” được đặt trong hình ảnh Bác Hồ, bằng cách in nét nổi, sờ vào sẽ thấy gờ, hoặc không thể in được đầy đủ hình ảnh Bác trên tờ tiền nếu không có công nghệ, máy móc chuẩn.

Đồng tiền là “đại sứ” của một đất nước, nói lên sức mạnh của một dân tộc.

Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, đáp ứng các yêu cầu khắt khe, áp lực là vậy nhưng dù dành cả đời làm nghề vẽ… ra tiền, gia đình ông vẫn sống giản dị trong một con ngõ nhỏ trên phố Bạch Mai. Căn nhà mà theo ông phải “nâng cấp đến 3 lần mới được như ngày nay”.

Họa sĩ Trần Tiến nhấn mạnh, tuy nhiều yêu cầu khắt khe trong quá trình thiết kế và ấn loát, nhưng mẫu tiền cần phải đẹp. Nhất là đối với các đồng tiền có mệnh giá lớn như đồng 200.000, 500.000. Mà cái đẹp ở đây ngoài hình tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có những hình ảnh điển hình về văn hóa, kinh tế và con người Việt Nam.

Đó là hình ảnh làng Sen quê Bác, hình ảnh di tích cố đô Huế trên dòng sông Hương, hoặc đó là hình chùa Một Cột… hiện diện từ cội nguồn văn hóa và lịch sử của một giang sơn gấm vóc có 4000 năm văn hiến. Nét đẹp này chính là thành quả sáng tạo của họa sĩ.

Người ta còn nói đồng tiền là “đại sứ” của một đất nước. Đó chính là vẻ đẹp Việt Nam, nói lên giá trị lớn mạnh của một dân tộc; đồng thời cũng khẳng định vị thế và sức mạnh của đất nước ta trên trường quốc tế, trong hơn 70 năm qua.

CHÂU AN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT