web analytics

Công khai rao bán pháo nổ trên mạng xã hội: Cần xử lý nghiêm 01/12/2020

(KDTT) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định này đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, khi cho phép người dân được đốt pháo hoa (không gây tiếng nổ) trong các dịp lễ, tết và ngày kỉ niệm… Tuy nhiên, hiện nay nhiều đối tượng ngang nhiên quảng cáo, buôn bán trái phép pháo nổ một cách công khai trên các trang mạng xã hội. Nguy hiểm hơn, nhiều người còn lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để đặt mua các sản phẩm hóa học về chế tạo pháo và hướng dẫn cho nhiều người làm.

Chợ thật làm nghiêm, chợ mạng bán công khai

Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), hiện nay tại nhiều cửa hàng trên phố Hàng Mã (Hà Nội) bày bán các loại pháo đốt không nổ chỉ phát sáng. Pháo kim tuyến hay còn gọi là pháo giấy, đây là loại pháo nén bằng hơi, khi bắn hơi sẽ đẩy kim tuyến lên rất đẹp mắt, đây là loại pháo an toàn và được bán rộng rãi phục vụ cho lễ hội, sự kiện, đám cưới có giá 20.000 đồng/cây; pháo sáng sinh nhật 40.000 đồng/túi 5 cây,..

Ở ngoài “chợ thật” công tác quản lý pháo được kiểm soát tương đối chặt chẽ. Ngược lại, trên các trang mạng xã hội, hàng loạt người dùng ngang nhiên đăng bán pháo bi nổ, pháo hoa nổ công khai, kèm lời mời “giá yêu thương”.

Trên mạng xã hội facebook, có rất nhiều nhóm bán công khai pháo. (Ảnh chụp màn hình)

Các viên pháo có hình quả bóng nhựa, gọi là pháo bi. Người bán cho biết, loại nhỏ là 5.000 đồng/quả, loại lớn 7.000 đồng/quả, pháo nổ có giá từ 10.000 – 35.000 đồng/quả, pháo hoa được tính theo dàn có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/dàn trở lên.

Người dùng có thể dễ dàng truy cập các nhóm có tên như: “Pháo hoa Tết…”; Pháo hoa 2021… “ . Liên hệ đặt mua pháo qua số điện thoại được công khai dưới bài viết bán ở Hà Nội, PV được người bán hàng tư vấn rất nhiệt tình và cho biết chỉ giao trong nội thành Hà Nội, giao tận nơi mới thu tiền.

Thậm chí người bán còn quay video cảnh pháo nổ để làm minh chứng cho việc quảng cáo “hàng xịn” của mình. Dưới các bài đăng là hàng trăm bình luận hỏi mua pháo hay nhờ hướng dẫn cách làm.

Nhà nước đã có những quy định nghiêm cấm hành vi buôn bán và sử dụng pháo, thuốc nổ nhưng hiện việc quản lý các loại hóa chất dùng để chế tạo mặt hàng này vẫn còn lỏng lẻo. Qua tìm hiểu, hai loại hóa chất được sử dụng chủ yếu trong quy trình làm pháo, thuốc nổ là kali clorat (KClO3) và phốt pho (P). Đây là các loại hóa chất nằm trong danh mục hạn chế kinh doanh, người mua phải xuất trình được các giấy tờ liên quan đến mục đích sử dụng và được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại hóa chất này có thể dễ dàng tìm kiếm, mua bán trên thị trường, trong khi các cơ quan chức năng lại khá lúng túng trong vấn đề quản lý.

Một cửa hàng trên trang Sendo.vn rao bán các mặt hàng như: dây cháy chậm, bột than, Kali Clorat (KClO3), lưu huỳnh,… Trong đó, mặt hàng bột KNO3 công khai ghi rõ dùng để làm pháo, được bán với giá 110.000 đồng túi 2 kg.

Pháo và nguyên liệu làm pháo được bán công khai trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Người dân cần tránh nhầm lẫn

Tại Điều 17, 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo có ghi rõ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Từ quy định trên có thể thấy người dân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong các dịp Tết, sinh nhật… và chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng.

Được biết, tại Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là đơn vị duy nhất được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao sản xuất, cung ứng pháo hoa, pháo hoa nổ.

Người dân chỉ được mua pháo hoa của doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (Ảnh website của Z121).

Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 là một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất thuốc nổ, phụ kiện nổ công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp khai thác, xây dựng trong cả nước; sản xuất các sản phẩm tín hiệu và an toàn hàng hải; sản xuất các loại pháo hoa, pháo hỏa thuật phục vụ các dịp lễ hội và xuất khẩu, đồng thời sản xuất các mặt hàng quốc phòng phục vụ quân đội.

Theo định nghĩa tại Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Từ giải thích trên có thể thấy sự khác biệt lớn nhất của pháo hoa so với pháo hoa nổ chính là không gây ra tiếng rít, tiếng nổ.

Trong thời gian tới nhằm tránh việc người dân mua nhầm, sử dụng nhầm pháo hoa không được cho phép, cơ quan quản lý cần lưu tâm kiểm soát chặt các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm sản phẩm bán đến tay người dân sử dụng chỉ là pháo hoa theo quy định. Đồng thời, người dân cũng cần nắm vững các quy định của pháp luật, phân biệt rõ pháo hoa không gây tiếng nổ và pháo nổ để tránh vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo an toàn cháy nổ, sức khỏe của bản thân.

Phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 3 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP:
Pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m.
Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kinh trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120 m.
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

NGUYỄN NGÂN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT