Thực hiện chức năng, nhiệm vụ về công tác truyền thông của cơ quan báo chí thuộc Viện IDE, căn cứ tôn chỉ – mục đích của Tạp chí, việc tổ chức Cuộc thi Tác phẩm báo chí “Xây dựng và phát triển đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp” sẽ góp phần thúc đẩy các sáng kiến trong lĩnh vực khoa học công nghệ và môi trường, từ đó ứng dụng vào thực tiễn sản xuất các ngành nghề công nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp, kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp xanh, bền vững.
Cuộc thi với chủ đề “Xây dựng và phát triển đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp” là nội dung rất mới trong nội hàm sinh thái về công nghiệp môi trường. Vì vậy, để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) và Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt nam (21/6/1925 – 21/6/2023), kết quả của giải báo chí lần này sẽ góp phần tạo ra hiệu ứng dư luận về xã hội trong xây dựng các tiêu chí cho công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển kinh tế hài hòa bền vững, đưa xu hướng làm công nghiệp sinh thái lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.
Mục đích, ý nghĩa
– Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế; đồng thời tạo động lực nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, góp ý từ chính sách đến thực tiễn, đẩy mạnh sáng tạo và nghiên cứu chuyên sâu về đa dạng hóa sinh thái trong môi trường công nghiệp.
– Động viên, khuyến khích, tạo sự quan tâm của phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí và mọi cá nhân trong việc viết, sáng tác; ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Nội dung
Để bảo đảm các tác phẩm báo chí gắn với chủ đề cuộc thi, đồng thời khẳng định được vai trò quan trọng về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cũng như tính nghiên cứu thực tiễn có hàm lượng khoa học cao, Ban Tổ chức đưa ra một số nội dung gợi ý cơ bản để các tác giả tập trung khai thác, có góc nhiền sáng tạo đa chiều.
– Tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; kết quả tổ chức thực hiện các mục tiêu về lĩnh vực môi trường tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; các kế hoạch theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này.
– Tuyên truyền về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, bảo vệ môi trường, phổ biến kiến thức về đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lĩnh vực công nghiệp sinh thái; thực hiện chuyển đổi số; phát triển Chính phủ số, Chính phủ điện tử đến từng ngành nghề sản xuất công nghiệp, bảo đảm môi trường bền vững trong hệ sinh thái công nghiệp, hướng tới tổ chức kinh tế tuần hoàn trong hoạt động công nghiệp; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường.
– Tuyên truyền, làm rõ vấn đề đa dạng sinh học của Việt Nam. Từ đó phổ biến kiến thức để người dân hiểu đa dạng sinh học không đơn thuần chỉ là hệ sinh thái tự nhiên, mà có sự gắn kết mật thiết, hữu cơ trong đời sông xã hội, giúp cho chất lượng cuộc sống tốt hơn. Từ trước đến nay, đã có những mô hinh liên kết về đa dạng sinh học trong canh tác nông nghiệp và một số ngành nghề, nhưng đa dạng sinh học trong hoạt động công nghiệp thì như thế nào? Đây là nội dung sát sườn của chủ đề, hết sức quan trọng, bởi nó tạo ra một trong những tiền đề cho sinh thái học công nghiệp, với những hệ sinh thái đa dạng ngay trong nội hàm của một mô hình sản xuất công nghiệp, hay một khu công nghiệp… Với tư duy đó, Ban Tổ chức khuyến khích các tác phẩm gắn với mô hình thực tế, tuyên truyền các tấm gương, các điển hình tiên tiến, sáng kiến, giải pháp, kinh nghiệm về hoạt động công nghiệp sinh thái, đặc biệt là mô hình khu công nghiệp sinh thái – xu thế chuyển đổi ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp tại Việt Nam…
– Tuyên truyền, phản ánh thực trạng, khó khăn, bất cập trong việc tổ chức công nghiệp sinh thái (Có dẫn chứng cụ thể); đề xuất giải pháp trong công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đa dạng hóa sinh học trong sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đối tượng và loại hình báo chí tham gia
– Đối tượng tham gia cuộc thi phải là công dân Việt Nam, bao gồm nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, các doanh nhân, chuyên gia kinh tế – môi trường, các nhà quản lý, nhà khoa học, và những cá nhân… có tác phẩm báo chí đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động báo chí và phù hợp với các quy định tại Thể lệ này.
– Gồm 4 loại hình báo chí: Báo/Tạp chí in, Báo/Tạp chí điện tử, Phát thanh, Truyền hình/Video.
Điều kiện đối với tác giả và tác phẩm báo chí
– Tác phẩm báo chí được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng tính từ ngày 20/04/2023 đến ngày 25/05/2023. Đối với các tác phẩm chưa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nào, nhưng có nhu cầu tham dự cuộc thi thì tác giả gửi tác phẩm qua E-mail hoặc qua đường bưu điện về trụ sở Viện IDE và Tòa soạn Tạp chí Kinh doanh và Phát triển theo địa chỉ tiếp nhận bên dưới.
* Thời gian và địa chỉ tiếp nhận
+ Thời gian tiếp nhận: Từ ngày 01/05/2023 đến kết thúc ngày 26/05/2023 (tính theo dấu bưu điện).
– Địa chỉ nhận tác phẩm hoặc thông tin liên hệ: Tòa soạn: P.411-412, tòa E1, Khu Ngoại giao đoàn Trung Tự, số 6 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.353.353.48 – Hotline: 0968527066/ 0928789012
Email: bientap.ide@gmail.com – bandientukdpt@gmail.com
Trên bì thư hoặc chủ đề (đối với thư điện tử) cần ghi rõ: Tác phẩm tham dự Cuộc thi Tác phẩm Báo chí “Xây dựng và phát triển đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp”.
– Tác giả có tác phẩm tham dự không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và các quy định khác về hoạt động báo chí. Các tác giả chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của bản quyền tác giả đối với tác phẩm và tính trung thực của tác phẩm dự Giải thưởng.
– Tác phẩm tham dự được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt.
– Tác phẩm báo chí tham dự ghi rõ các thông tin theo Mẫu đăng ký kèm theo.
– Ban Tổ chức giữ bản quyền tác phẩm tham dự và được toàn quyền sử dụng tác phẩm Cuộc thi để phục vụ mục đích lưu trữ, tuyên truyền quảng bá.
– Các tác phẩm đoạt giải, tiêu biểu sẽ được sử dụng để trưng bày, giới thiệu tại các hoạt động phù hợp của Viện IDE và Tạp chí Kinh doanh và Phát triển/Tạp chí Kinh doanh và Tiếp thị.
– Trường hợp nhiều tác giả cùng thực hiện một tác phẩm sẽ trao cho nhóm tác giả. Số lượng nhóm tối đa là 05 tác giả.
– Ban Tổ chức Cuộc thi không xét các tác phẩm báo chí đã đoạt Giải báo chí Quốc gia hoặc tương đương và tác phẩm báo chí không đáp ứng các quy định tại Thể lệ này.
– Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về các tác phẩm gửi tham dự Cuộc thi bị thất lạc trong quá trình tác giả gửi tác phẩm hoặc tranh chấp bản quyền.
Công tác khảo sát, tham quan thực tiễn chuẩn bị tổ chức Cuộc thi
Để bảo đảm đúng định hướng và chất lượng cho các tác phẩm tham dự Cuộc thi, Ban tổ chức sẽ xây dựng kế hoạch tham quan mô hình thực tiễn về hoạt động sản xuất công nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Dự kiến: Kế hoạch khảo sát thực tế mô hình sẽ chia thành 2 đợt, được tổ chức vào đầu tháng 5/2023. Ban Tổ chức sẽ chủ động lựa chọn mô hình và địa phương để triển khai.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đi khảo sát thực tế mô hình phải đăng ký theo mẫu tham dự Cuộc thi (Ban hành Kèm theo Thể lệ này) và gửi về Ban Tổ chức trước ngày 05/05/2023.
Hội đồng Giám khảo
– Hội đồng giám khảo là các nhà báo, nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế – môi trường.
– Thường trực Cuộc thi: Tổng Thư ký Tòa soạn, Ban Thư ký – Biên tập, Ban Điện tử Tạp chí Kinh doanh và Phát triển.
Cơ cấu giải thưởng và mức giải thưởng
Giải thưởng được trao theo các loại hình báo chí quy định tại Thể lệ này. Số lượng giải thưởng cho mỗi loại hình báo chí:
a) Báo in: 01 giải A, 02 giải B, 03 giải C.
b) Phát thanh: 01 giải A, 02 giải B, 03 giải C.
c) Truyền hình: 01 giải A, 02 giải B, 03 giải C.
d) Điện tử: 01 giải A, 02 giải B, 03 giải C.
Mức tiền thưởng:
a) Giải A: 12.000.000 đ (Mười hai triệu đồng).
b) Giải B: 8.000.000 (Tám triệu đồng).
c) Giải C: 5.000.000 (Năm triệu đồng).
d) Giải khuyến khích: Ban tổ chức sẽ trao 10 giải Khuyến khích trong tổng số 4 loại hình báo chí, trị giá: 2.000.000đ/giải (Hai triệu đồng mỗi giải).
Tổng kết trao giải
Lễ trao giải Cuộc thi Tác phẩm báo chí “Xây dựng và phát triển đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp” dự kiến được tổ chức trong thời gian từ ngày 15 đến 19/06/2023.
Tải mẫu đăng ký tham gia: Mẫu đăng ký tham gia
BAN BIÊN TẬP