LTS: Thời gian qua, công tác quản lý, giám sát việc khai thác, vận chuyển khoáng sản ở nhiều địa phương đang tồn tại một số bất cập. Tình trạng không chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và khai thác khoáng sản đã làm thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc có những giải pháp căn cơ toàn diện nhằm chấn chỉnh tình trạng trên đang đặt ra cấp thiết.

Từ thực tiễn trên, tòa soạn Kinh doanh và Phát triển đã triển khai thực hiện chuyên đề nghiên cứu: “Công tác quản lý tài nguyên – khoáng sản ở địa phương: Kiến nghị và giải pháp”.

Trong quá trình triển khai, để minh chứng thực tiễn cho Chuyên đề, Nhóm PV đã khảo sát thực tế, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản tại một số địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Khoáng sản là gì? Đất, đất sét có phải khoáng sản hay không?

Theo quy định của pháp luật, khoáng sản được định nghĩa như sau. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Như vậy, đất có thể coi là một loại khoáng sản. Trong quá trình sử dụng thì người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ phần đất đó, không được tự ý khai thác trái phép. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.

Theo quy định của Luật khai thác khoáng sản 2010 trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ khoáng sản được thể hiện như sau:

“a) Khi thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;

b) Khi khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được”.

Hoạt động khai thác khoáng sản được hiểu là quá trình thực hiện nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm các công đoạn như: xây dựng mỏ, khai đào, phân loại, và các hoạt động khác có liên quan. Hoạt động này phải có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền mới được tiến hành và được tính bắt đuầ từ khi mỏ bắt đầu xây dựng cơ bản, khai thác bình thường theo công thức thiết kế, cho đến khi mỏ kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ – phục hồi môi trường).

Theo đó, có thể hiểu, khai thác khoáng sản trái phép là hoạt động thu hồi khoáng sản của cơ quan, tổ chức không có quyền hoặc có quyền mà thực hiện không đúng phạm vi quyền của mình, không được sự chấp thuận, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do là hành vi vi phạm pháp luật nên khai thác khoáng sản trái phép sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ, tính chất, phạm vi vi phạm.

Khảo sát thực tiễn tại Xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch

Có mặt tại hồ chứa nước thôn Làng Bến, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, nhóm phóng viên không khỏi bất ngờ, một dự án nạo vét hồ nhưng lại có đến hàng chục xe trọng tải lớn mang nhãn hiệu Huyndai, Howo gắn logo QT và 37 đang chờ được lấy đất. Tại đây 3 máy xúc có công suất lớn đang múc đất từ dưới hồ lên xe để chở đi mà không có bóng dáng một cơ quan chức năng kiểm soát nào.

Để xác minh tính minh bạch của đơn vị thi công, phóng viên đã đi theo các xe mang BKS 88C – 066.16 ; 88C – 006.47 ; 88C – 115.73 ; 88C – 082.28 lấy đất từ hồ thông Làng Bến xã Liên Hòa (Lập Thạch) đến nơi tập kết cuối cùng.

Sau một thời gian di chuyển trên nhiều cung đường thì điểm cuối của những chuyến xe này là Công ty Cổ phần Prime Đất Việt. Đây là công ty chuyên làm gạch men cao cấp có tiếng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy, loại đất này có phải là khoáng sản? Có phải là đất sét cao cấp, hay đất cao lanh giá trị cao?

Việc “tận dụng” tài nguyên như trên có được các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác hay không?

Hồ Làng Bến (Lập Thạch) nơi máy xúc công suất lớn “lộng hành” múc đất cho lên xe để vận chuyển đi.

Để làm rõ hơn vấn đề liệu doanh nghiệp có hay không việc lợi dụng Dự án từ vốn ngân sách nhà nước để khai thác khoáng sản thu lợi bất chính.

Phóng viên đã liên hệ và làm việc với ông Hà Xuân Quý – Chủ tịch UBND xã Liên Hòa, ông Quý cho biết, đây là dự án mà phía UBND xã làm chủ đầu tư, dùng tiền từ nguồn vốn ngân sách.

Theo UBND xã Liên Hòa, đây là dự án nạo vét đất bùn, có điểm đổ thải và đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH Tiến Nhạn, địa chỉ tại thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch. Dự án sử dụng mức vốn ngân sách là 3 tỉ đồng.

Trước những nội dung phóng viên ghi nhận được về việc các xe chở đất cỡ lớn lấy đất từ hồ cải tạo, nạo vét của xã mang đến nhà máy gạch bán thì Chủ tịch UBND xã Liên Hòa Hà Xuân Quý khẳng định trong giai đoạn đầu nạo vét đất phía trên, doanh nghiệp đã tự ý mang đất bán cho hộ dân và UBND xã đã nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp không được tự ý mang đất bán trái quy định.

Hàng chục xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau chờ “tận thu” khoáng sản tại hồ Làng Bến vận chuyển đi tiêu thụ

Các phương tiện sau khi lấy đất tại hồ Làng Bến tập kết tại Công ty gạch Prime Đất Việt

Theo dấu những xe trở đất từ điểm các hồ cải tạo, nạo vét, đến điểm cuối là Công ty gạch Prime Đất Việt

Sự việc múc đất từ dự án cải tạo, nạo vét hồ dân sinh mang đất đi bán cho nhà máy gạch không chỉ có ở xã Liên Hòa, tại khu vực hồ Giếng Giáp của thôn Kiên Đình xã Quang Sơn huyện Lập Thạch, hàng đoàn xe có tải trọng lớn hàng chục tấn vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp biển cấm xe có tải trọng trên 5 tấn, gây mất an toàn giao thông, hỏng đường dân sinh.

Tại thời điểm phóng viên ghi nhận các xe tải mang biển kiểm soát 88C – 101.87 ; 88H – 016.12 ; 19C – 160.93 ; 29H – 477.44 tất cả đều trở đất được lấy từ khu vực hồ rồi chuyển thẳng tới nhà máy gạch Vĩnh Quang có địa chỉ tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chủ tịch UBND xã Quang Sơn, ông Diệp Minh Phú cho biết: Dự án nạo vét lòng hồ là dự án mà xã làm chủ đầu tư và giám sát, doanh nghiệp trúng thầu là doanh nghiệp Cương Tùng có địa chỉ tại thị trấn Lập Thạch. Ông Phú cho biết điểm đổ cuối của loại đất này là “một công ty gạch to lắm”.

Các phương tiện vận tải công suất lớn đang chờ để lấy “hàng” từ hồ Giếng Giáp để vận chuyển tới nhà máy gạch Vĩnh Quang.

Tiền ngân sách của xã là nhằm phục vụ xây dựng các công trình, hoàn thiện hạ tầng dân sinh phục vụ mục đích phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Hiện tại các dự án cải tạo hồ của hai xã Liên Hòa và Quang Sơn đang thực hiện có giá trị thầu trên dưới 3 tỷ đồng một hồ. Trong khi tiền ngân sách đang phải gánh cho việc nạo vét, cải tạo hồ thì những ai đang lợi dụng việc nạo vét để lấy đất từ hồ bán cho đơn vị khác thu lợi bất chính?

Sự việc sai phạm tại dự án nạo vét hồ của 2 xã Liên Hòa và Quang Sơn xảy ra nhiều ngày qua, vì sao chính quyền địa phương không ngăn cản các doanh nghiệp ngang nhiên khai thác tài nguyên, khoáng sản vận chuyển đi bán trái quy định? Ai phải chịu trách nhiệm trong việc buông lỏng quản quản lý, tạo kẽ hở cho những hoạt động thu lợi bất chính và thất thu ngân sách nhà nước đang xảy ra tại xã Liên Hòa và xã Quang Sơn? Câu hỏi thực tiễn này người dân đang mong chờ chính quyền địa phương sớm có câu trả lời.