Thực hiện chuyên đề “Nhận diện môi trường kinh doanh trong sản xuất vật liệu xây dựng: Thực trạng và giải pháp”, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã triển khai nhiều hoạt động lấy ý kiến người dân, khảo sát thực tiễn tại nhiều địa phương. Qua khảo sát thực tiễn đã nhận thấy nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, thiếu sót, chưa đúng với quy định của pháp luật.

Đơn cử như tại Nhà máy gạch Tuynel Hồng Vân có địa chỉ tại xã Cao Đại huyện Vĩnh Tường, qua nhiều ngày nghiên cứu thực địa, phóng viên đã chứng kiến nhiều lượt xe tải cỡ lớn chạy trên tuyến đê tả Sông Hồng, địa phận xã Cao Đại gây ô nhiễm môi trường. Đã có không ít những xe chở đất được chuyển đến đổ trực tiếp tại bãi tập kết của nhà máy gạch Tuynel Hồng Vân địa phận xã Cao Đại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Những xe cỡ lớn chạy trên đường giao thông nông thôn gây bụi mịt mù, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, tới hoa màu xung quanh.

Xe tải chở đất đến công ty Gạch Tuynel Hồng Vân gây khói bụi, ô nhiễm môi trường

Để có những căn cứ, nhận định xác thực hơn cho chuyên đề, phóng viên đã có mặt tại Công ty gạch Tuynel Hồng Vân, theo ghi nhận, tại bãi tập kết đất của Công ty Gạch Tuynel Hồng Vân có hàng đoàn xe tải cỡ lớn đang vận chuyển nguồn đất bùn thải đổ về đây.

Nguồn gốc của đất bùn thải này được lấy từ một số các công trình dự án cải tạo, nạo vét hồ trên đại bàn huyện Vĩnh Tường. Bên cạnh đó, bãi đất tập kết đất của công ty gạch Tuynel Hồng Vân là đất nông nghiệp 5% do UBND xã Cao Đại quản lý và cho công ty gạch này thuê lại.

Vị trí tập kết đất của các xe tải là khu đất nông nghiệp 5% do Công ty gạch Tunnel Hồng Vân thuê của xã Cao Đại (Vĩnh Tường)

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ việc các xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng là đất trên các tuyến đường giao thông nông thôn, Ông N.V.H người dân địa phương, cho biết: “Trước đây công ty gạch cũng từng thu mua đất nông nghiệp của nhân dân để làm vị trí sản xuất kinh doanh, không biết thủ tục pháp lý đã xong chưa. Đợt này, thấy họ nhập đất bùn thải ở đâu về chạy qua đường nội đồng của thôn chúng tôi gây ô nhiễm khói bụi lắm, hôm nào đi làm đồng về cũng bụi kín người. Còn không biết chỗ họ tập kết đất xã giao khoán như thế nào, đất đấy là đất nông nghiệp”.

Trước thực trạng của vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND xã Cao Đại, ông Hùng cho biết: “Diện tích bãi tập kết bên ngoài công ty gạch Tuynel Hồng Vân là đất 5% do xã quản lý, để tôi cho cán bộ kiểm tra rồi thông tin lại sau”.

Trụ sở Công ty Gạch Tuynel Hồng Vân xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường

Về phía công ty Gạch Hồng Vân đang tiêu thụ đất bùn thải từ các dự án nạo vét hồ trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, đại diện công ty gạch Tuynel Hồng Vân trao đổi với phóng viên về việc các xe tải chở đất bùn tập kết tại vị trí của Công ty, bà Vân cho biết, “Đất bùn mà công ty đang nhập là đất thải của dự án nạo vét hồ. Công ty mua lại có ít bùn đẹp về để trộn làm nguyên liệu, mua tại chỗ từ 50.000 đến 60.000 đồng, cước xe khoảng 40.000đ nữa. Về đến nhà máy cả trăm nghìn một khối đất đấy, chứ không rẻ đâu”. Bà Vân còn chia sẻ thêm về vấn đề mà đơn vị đang băn khoăn: “Đất này thì làm gì có hóa đơn, công ty cũng đang nhức nhối về vấn đề hóa đơn đây, không thì phải xuống thuế mua…”.

Xe tải lấy đất tại dự án cải tạo, nạo vét ao đội 6, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Hiện tại chủ đầu tư chưa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng dự án đã được công ty TNHH tư vấn và đầu tư xây dựng Hải Yến triển khai

Trước thực trạng đơn vị mua bán đất đổ thải của dự án để phục vụ sản xuất gạch bán ra thị trường nhưng không có hóa đơn; và việc đổ thải không đúng nơi quy định của dự án nạo vét hồ sinh thái, bán đất lấy tiền không có hóa đơn, có dấu hiệu chưa đúng với quy định của pháp luật. Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển nêu ra những nhận định như trên để các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn huyện Vĩnh Tường xem xét, làm rõ, có những giải pháp căn cơ, triệt để khắc phục những tồn tại trên, để môi trường kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành.