Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị ô nhiễm bởi việc đưa hóa chất gây ô nhiễm vào môi trường tự nhiên, đồng thời các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi gây tác hại tới sức khỏe con người và các sinh vật khác. Ô nhiễm môi trường có thể ở dạng bất kỳ chất nào (rắn, lỏng hoặc khí) hoặc năng lượng (chẳng hạn như phóng xạ, nhiệt, âm thanh hoặc ánh sáng). Mặc dù ô nhiễm môi trường có thể do các sự kiện tự nhiên gây ra, nhưng đa số ô nhiễm do con người tạo nên. Thực hiện chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước và đánh giá thực tiễn hoạt động doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường ở Trấn Yên (Yên Bái)”, qua khảo sát thực tế, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển nhận thấy còn nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân trên địa bàn thị trấn Trấn Yên.

Xưởng sản xuất than hoạt tính gây ô nhiễm môi trường tại thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái. Ảnh: Nguyễn Quang

Trong thời gian 3 ngày làm việc tại thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã nghiên cứu, nhận diện những hoạt động gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trạm bê tông nhựa nóng của Công ty Cổ phần Bạch Đằng BISICO sản xuất gây mùi khó chịu, xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân tại thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thế Dương

Thực tế trong những ngày ghi nhận, phóng viên đã có những hình ảnh, video hoạt động của doanh nghiệp Trạm trộn bê tông nhựa nóng 120T/H của Công ty Cổ phần Bạch Đằng BISICO; Trạm trộn bê tông Đồng Tâm Xanh; và Xưởng sản xuất than hoạt tính cùng trên một tuyến đường chưa tới 200m tại thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Theo người dân nơi đây chia sẻ và kiến nghị, thì trong số các doanh nghiệp trên có doanh nghiệp đã hoạt động từ nhiều năm trở lại đây, có doanh nghiệp mới hoạt động vài tháng, tuy nhiên, điểm chung là hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ cho con người, gây bức xúc trong nhân dân.

Trạm trộn bê tông Đồng Tâm Xanh xây dựng trên đất quy hoạch khu dân cư của xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Nguyễn Quang

Được biết, ngày 15/03/2023 tại quyết định số 615/GPXD của UBND huyện Trấn Yên cấp phép cho bà Nguyễn Thị Hiên được xây dựng xưởng chế biến mùn gỗ ép. Tuy nhiên, trong biên bản làm việc ngày 04/05/2022 của UBND xã Bảo Hưng cũng thể hiện rõ hành vi xây dựng nhà xưởng trái phép từ năm 2022. Mặc dù ngay từ khi bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất than và có hiện tượng xả khói đen thải ra môi trường dân cư, hàng chục người dân tại thôn Bình Trà đã kiến nghị lên cấp trên thông qua các cuộc họp tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc Hội, Đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên và đồng loạt đề nghị Xưởng than dừng hoạt động vì ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa hề được giải quyết dứt điểm và người dân vẫn đang phải chịu cảnh khói đen mù mịt, nồng nặc mùi khét, khó chịu của hoạt động đốt than, sản xuất than hoạt tính của xưởng đốt than này.

Lãnh đạo UBND xã Bảo Hưng mặc dù biết doanh nghiệp xây dựng sản xuất trên đất quy hoạch khu dân cư nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý.

Điều đáng quan tâm hơn là xã Bảo Hưng đã được UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1548/QĐ-UBND công nhận xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Theo Quyết định, UBND huyện Trấn Yên có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã Bảo Hưng tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quy định tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2682/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Cách đó chỉ vài chục mét đi bộ, trên cùng tuyến đường của thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng hai Trạm trộn bê tông nhựa nóng 120T/H của Công ty cổ phần Bạch Đằng BISICO; Trạm trộn bê tông Đồng Tâm Xanh đang ngày ngày xả thải ra môi trường, đặc biệt là Trạm trộn bê tông nhựa nóng 120T/H đang hàng ngày xả thải ra đồng ruộng của người dân, làm biến dạng dất nông nghiệp, bê tông thải thải trực tiếp xuống ruộng, hồ chứa nước tạo thành từng mảng lớn, khiến cho người dân không thể gieo trồng được. Hơn nữa, trong quá trình công ty hoạt động thì mùi nhựa bốc ra từ đây cũng khiến người dân khó thở và ngột ngạt.

Người dân thôn Bình Trà đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị lên các cơ quan chức năng di dời trạm trộn bê tông, xưởng than hoạt tính gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết, ngày ngày người dân nơi đây vẫn phải sống chung với ô nhiễm không khí, khói bụi, tiếng ồn…

Về các hoạt động của Trạm trộn bê tông Đồng Tâm Xanh trong quá trình hoạt động và chuyên chở nguyên vật liệu cho công ty bằng những xe tải trọng lớn cũng đang dần dần làm phá huỷ con đường dân sinh, gây khói bụi ô nhiễm. Việc xả thải từ trạm trộn bê tông cũng không đúng quy định, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân. Chị N.T.N, thôn Bình Trà cho biết, người dân chúng tôi khổ lắm, trước có 1 trạm trộn bê tông thôi đã thấy khổ rồi, giờ lại thêm cả xưởng than và bê tông nhựa thế này thì làm sao chúng tôi sống được. Lúc ngược gió thì bụi, khói than, mùi nhựa ồ ạt bay vào nhà, không thể thở được.

Chị N.T.P là người phản ứng gay gắt hoạt động xả thải ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp cho biết, trong thôn đã có hộ phải chuyển đi nơi khác vì không thể chịu được không khí và môi trường quá ô nhiễm. Các con và cháu tôi từ ngày những công ty này hoạt động thì thường xuyên phải đi viện vì bị khó thở.

Để có thêm những căn cứ thực hiện chuyên đề, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã liên hệ với lãnh đạo UBND xã Bảo Hưng về sự việc người dân bức xúc về các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì được biết, tại vị trí Xưởng sản xuất than hoạt tính và Trạm trộn bê tông Đồng Tâm Xanh đều đã được quy hoạch thành đất ở khu dân cư từ lâu. Tuy nhiên việc các doanh nghiệp xây dựng trạm trộn bê tông, xây dựng xưởng sản xuất than hoạt tính lại chưa bị xử lý dứt điểm, các doanh nghiệp vẫn hoạt động không có dấu hiệu dừng lại. Người dân vẫn ngày ngày phải gánh chịu những màn khói đen kịt phủ kín khu dân cư.

Để một doanh nghiệp sản xuất than xây dựng xưởng trên đất ở nông thôn, xả thải ra khu dân cư, ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe người dân trong thời gian dài như vậy, vì sao UBND xã Bảo Hưng không có biện pháp xử lý các công trình xây dựng trái quy định, sử dụng đất sai mục đích? UBND huyện Trấn Yên có cấp phép hoạt động hay không?

Khi một doanh nghiệp Trạm trộn bê tông đi vào hoạt động đúng theo quy định pháp luật thì phải đăng ký kinh doanh, được UBND cấp huyện, cấp tỉnh đồng ý cho phép xây dựng các hạng mục, có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải xin ý kiến đồng thuận của khu dân cư, có trạm cân ra vào trạm…

Hay Xưởng sản xuất than hoạt tính, đối với hoạt động này phải thực hiện xa khu dân cư, và trong đất được quy hoạch là đất thương mại, sản xuất kinh doanh và được các cơ quan liên quan kiểm tra rất chặt chẽ về hoạt động dây truyền công nghệ, hoạt động xả thải…

Nếu chủ đầu tư không được cấp các giấy tờ liên quan đảm bảo tính pháp lý của dự án thì đây được coi là xây dựng trái phép, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

Trên cơ sở những thực trạng nhận thấy trong quá trình nghiên cứu chuyên đề, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển nêu ra những bất cập như trên, chuyển đến các cơ quan chức năng xã Bảo Hưng, UBND huyện Trấn Yên, UBND tỉnh Yên Bái để thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động của những doanh nghiệp này, từ đó có những biện pháp, giải pháp xử lý, trả lại môi trường sống cho nhân dân thôn Bình Trà nói riêng và nhân dân xã Bảo Hưng nói chung; đồng thời có kế hoạch di dời các Trạm trộn bê tông, xưởng than hoạt tính ra khỏi khu dân cư theo quy định của pháp luật. Để xã Nông thôn mới nâng cao Bảo Hưng đáp ứng đúng các tiêu chí về xã Nông thôn mới Nâng cao theo đúng quy định của Chính phủ.