web analytics

Vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” tại Cao Bằng: Cần xem xét lại bản án sơ thẩm 09/08/2021

(KDTT) – Một bản án liên quan đến “21 con trâu” đang gây xôn xao dư luận ở Trùng Khánh (Cao Bằng). Câu hỏi lớn trong vụ án này là liệu có bỏ sót tội phạm? Và hai chi tiết quan trọng trong vụ án không được tranh tụng đến hồi kết, đó là “cân nặng” và “giá trị thực của trâu”. Cuối cùng, điều băn khoăn nhất là “điều kiện thi hành án” của bị cáo!? Tất cả vấn đề trên từ một bản án sơ thẩm, đã ảnh hưởng đến tư tưởng, niềm tin công lý, sức khỏe người trong cuộc, tạo nên những hệ lụy nhiều chiều trong đời sống nhân dân vùng biên giới.

Ngày 29/7 vừa qua, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, TAND huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đã tuyên phạt Đinh Thị Niềm 5 năm tù và Lương Văn Hội 3 năm tù. Bị cáo Đinh Thị Niềm đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, vì cho rằng mức hình phạt đối với bị cáo là chưa hợp lý, có dấu hiệu bỏ sót tội phạm, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của cấp sơ thẩm.

Vụ án 21 con trâu đã được xét xử nhưng vẫn để lại trong dư luận nhiều nghi vấn về sực công bằng của cán cân công lý (ảnh minh họa)

Cụ thể, theo đơn kháng cáo, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ được vai trò, trách nhiệm của bà Mạc Thị Hằng trong vụ án này. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã không xem xét đến mối quan hệ giữa bà Hằng và ông Thụ; nguồn gốc số trâu mà ông Thụ chăn thả tại bãi của mình và bà Hằng đã trao đổi gì với ông Thụ về việc giao trâu cho bị cáo Hội. Ngoài ra, khi được bà Hằng cho số điện thoại và liên lạc, anh Hội đến bãi chăn thả gặp ông Thụ nhận trâu đồng thời tìm kiếm phương tiện để vận chuyển số trâu này chứ không có trao đổi hay thỏa thuận gì với ông Thụ. Việc giao nhận trâu này cũng không có bất kỳ sự ràng buộc nào giữa hai người.

Như vậy, nguồn gốc số trâu là vật chứng trong vụ án đã không được các Cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ để làm căn cứ giải quyết vụ việc. Đồng thời cũng không xem xét có hay không sự liên quan, vai trò đồng phạm của bà Hằng trong vụ án. Từ đó, có thể đặt nghi vấn về dấu hiệu bao che cho hành vi vi phạm pháp luật, bỏ lọt người phạm tội của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thêm nữa, trong đơn kháng cáo, Đinh Thị Niềm cũng cho rằng Hội đồng xét xử đã nhận định không khách quan. Số tiền 1.000.000 đồng bị cáo đưa cho Hội không phải là khoản tiền công thuê vận chuyển. Bản thân Niềm và Hội có quan hệ họ hàng (Hội gọi Niềm là dì), gia đình Hội rất khó khăn, Hội không có công ăn việc làm ổn định lại có con nhỏ nên Niềm đưa tiền để giúp đỡ cháu mình. Còn số tiền 800.000 đồng để trả tiền xe cho Đoàn, Hội khai là Niềm đưa số tiền trên cho Hội là không đúng. Tuy nhiên, HĐXX chỉ dựa vào lời khai của hai người nhà Hội, không xem xét đến lời khai của bị cáo Niềm mà vội vàng kết luận bị cáo liên hệ vận chuyển trâu và trả công cho Hội là không khách quan.

Một vấn đề khác là tại Kết luận định giá tài sản số 28/KL-HĐĐGTS ngày 2/11/2020, Hội đồng định giá đã kết luận 15 con trâu có giá trị 525.140.000 đồng là không khách quan và vô lý, cao hơn giá thực tế thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo. Hơn nữa, việc Hội đồng định giá chỉ dựa trên các số đo mà không tiến hành cân để xác định trọng lượng trâu. Việc áp dụng giá thị trường huyện Trùng Khánh để kết luận là không có căn cứ vì khi bán chỉ định 12 con trâu (xử lý vật chứng) thì giá bán chỉ có 200.000.000 đồng. Như vậy 3 con trâu đã chết không thể có giá trị hơn 300.000.000 đồng để tương đương với giá trị theo kết luận định giá. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo đã đề nghị tiến hành định giá lại tài sản nhưng không được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.

Bị cáo cũng cho rằng mình chỉ là người làm thuê cho Mạc Thị Hằng và người phụ nữ Trung Quốc, trâu không phải là của bị cáo. Trong quá trình giải quyết, bị cáo luôn thành khẩn khai báo, bản thân có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân tốt, thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, hơn nữa đang trong quá trình nuôi con nhỏ. Ngoài ra, bị cáo cũng đã tạm nộp số tiền 600.000.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trùng Khánh và đủ khả năng tài chính để đảm bảo cho việc thi hành hình phạt tiền của mình. Tuy nhiên, HĐXX lại cho rằng bị cáo không có điều kiện thi hành án và tuyên phạt 05 năm tù là không hợp lý.

Trước đó, theo cáo trạng của VKSND huyện Trùng Khánh, do muốn có tiền công từ việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới, ngày 31/08 và ngày 01/09/2020, Đinh Thị Niềm và Lương Văn Hội đã đã có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa (21 con trâu) từ thị trấn Trùng Khánh đến khu vực mốc biên giới, với mục đích để đưa sang Trung Quốc. Khi trâu được đưa đến khu vực Lũng Thoang thuộc xóm Bản Mài, xã Ngọc Côn, cách biên giới Việt Nam – Trung Quốc khoảng 200m thị bị lực lượng chức năng phát hiên. Vật chứng thu giữ gồm 15 con trâu có tổng giá trị 525.140.000 đồng (theo Kết luận định giá tài sản số 28 ngày 02/11/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Trùng Khánh). Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không xuất trình được giấy tờ, tài liệu có liên quan đến số trâu trên để xuất sang Trung Quốc.

Ngày 20/04/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trùng Khánh đã ra văn số 36/KLĐT kết luận điều tra vụ án hình sự, đề nghị truy tố: Bị can Đinh Thị Niềm và Lương Văn Hội về tội danh: “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.

Tại bản cáo trạng số 49/CT-VKSTK ngày 3/6/2021,Viện KSND huyện Trùng Khánh đã ra quyết định Truy tố ra trước TAND huyện Trùng Khánh để xét xử các bị cáo Đinh Thị Niềm và Lương Văn Hội về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự.

Tại bản án sơ thẩm số 63/2021/HS-ST ngày 29/07/2021, Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh đã tuyên phạt Đinh Thị Niềm trú tại Pác Ngà – Bo Hay (xã Ngọc Côn) 5 năm tù và Lương Văn Hội trú tại Ngườm Hoài (Ngọc Khê) 3 năm tù.

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” tại Cao Bằng: Cần xem xét lại bản án sơ thẩm tại chuyên mục Nhịp cầu pháp lý
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo SK&MT