Theo đó, hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của Thông tư 04/2017/TT-BXD và pháp luật khác có liên quan được ban hành nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, tại dự án tuyến đường bộ ven biển với tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng nối từ thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương, TP. Huế băng qua huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) có nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Trong quá trình phóng viên Kinh doanh và Phát triển thực hiện chuyên đề: “Nhận diện an toàn lao động trong việc doanh nghiệp thi công công trình”, đã khảo sát thực tiễn, ghi nhận, đánh giá và có góc nhìn về quá trình thi công công trình tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, đã nhận được phản ánh của người dân xã Hải Dương, TP. Huế về vấn đề nguy cơ mất an toàn lao động và nhiều vướng mắc bức xúc của người dân sống tại dự án đường ven biển Thừa Thiên Huế.

Hệ thống cần cẩu tại dự án

Theo ghi nhận, vì dự án này nằm ở địa điểm theo người dân là hiểm yếu, quá trình thi công cắt ngang đường, máy móc của đơn vị thi công chiếm dụng hoàn toàn hai con đường chính “độc đạo” của dân sinh nối từ các trụ sở hành chính xã Hải Dương về thôn Thai Dương Hạ Nam với gần 50 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu sinh sống trong thôn này.

Tại đây, hệ thống điện 3 pha của công trình nối chằng chịt từ đất liền ra cây cầu sắt tạm để thi công không có ống ghen bảo vệ, các múi dây điện không có biện pháp chằng chống, thả tự do xuống nước, thậm chí các múi dây điện hở treo lơ lửng chỉ cách mặt nước hơn 1 mét là rất nguy hiểm, nguy cơ cao về vấn đề tai nạn điện giật chết người trong quá trình thi công. Đơn vị thi công công trình không bố trí biển báo hiệu cọc tiêu hay rào chắn để ngăn cách giữa công trình và đường người dân qua lại.

Các dây điện nằm dưới nước nhưng công nhân thì vẫn làm việc trên cầu sắt

Hằng ngày, các máy móc trang thiết bị phục vụ công trình nằm ngổn ngang, vật liệu sắt thép không che đậy, có hiện tượng hoen gỉ để đầy đường, thậm chí chắn ngang đường, hệ thống các cần cẩu dày đặc một bên đường hoạt động liên tục thực hiện cẩu sắt thép và các cọc trụ qua đường hầu như là chiếm dụng hết đường và thời gian lưu thông đường cho người dân qua lại. Mặc nhiên cẩu và vật liệu hoạt động “bay lơ lửng” trên đầu, người dân nơm nớp lo sợ nhưng qua lại thì bắt buộc phải qua vì con đường đi chung với công trình. Vì đây là con đường chính mưu sinh của người dân trong thôn, cũng là con đường chính của các em học sinh trong thôn hằng ngày qua lại để tới trường. Tình trạng này diễn ra hằng ngày rất nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn đáng tiếc đến tính mạng người dân. Người dân ở đây biết vậy, nhưng bắt buộc phải ngậm ngùi chấp nhận vì không còn con đường nào khác để lưu thông.

Vật liệu sắt thép bị hoen gỉ do không được che đậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nam – Trưởng thôn Thai Dương Hạ Nam, cho biết: “Vừa qua người dân nơi đây có ý kiến nhiều với cử tri, yêu cầu công trình thi công phải có rào chắn hoạt có bảng hướng dẫn để cho người dân đi lại cho an toàn, hiện tại ở đây hai đường song song cách nhau gần 100m vì mỗi lúc mưa to gió lớn sóng nhiều thì người dân lưu thông con đường trong để tránh sóng đánh gây nguy hiểm, vừa qua người dân nơi đây đã yêu cầu công trình thi công đường trong thì phải dọn dẹp đường ngoài cho dân đi lại và ngược lại”.

Ông Nam cho biết thêm: “Công trình này nhếch nhác để các máy móc, vật liệu, xe cẩu… che chắn hết hai con đường làm cho con đường đi lại khó khăn và nguy hiểm, đã nhiều trường hợp người dân trong thôn vấp té ngã, lần nặng nhất là bị té gãy tay, còn xây xước người, hư hỏng tài sản thì liên tục”.

Ông Nguyễn Hữu Nam – Trưởng thôn Thai Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, TP. Huế) trao đổi với PV.

Vì công trình đang trong quá trình thi công và thời gian thi công lâu dài, thế nên qua các kênh truyền thông báo chí, người dân nơi đây mong muốn UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan lắng nghe ý kiến của người dân, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên. Đề nghị đơn vị thi công phải có biện pháp khắc phục và trách nhiệm đảm bảo an toàn đi lại cho người dân để tránh những vấn đề đáng tiếc không nên có trong tương lai.

Sắt thép vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang trên đường, thậm chí các thanh sắt chĩa thẳng ra đường.

Được biết, dự án tuyến đường bộ ven biển có tổng chiều dài 21,8 km gồm 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư 3.496 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 1 có quy mô dài 7,785 km: Từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao QL49A – QL49B thuộc phường Thuận An. Trong đó, cầu qua cửa Thuận An dài 2.360,6m, mặt cắt ngang tuyến là 26m, bề rộng cầu là 20m. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 2.400 tỷ đồng, thời gian thi công hoàn thành công trình dự kiến 3 năm. Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam – Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương – Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình là đơn vị thi công.

MẠNH ĐỨC – THỌ NGUYỄN

Theo KDPT