web analytics

Làm thế nào để người dân được hưởng đúng quyền lợi từ quy định về đất đai? 19/08/2021

(KDTT) – LTS: Việc tách thửa đất để làm nhà, chuyển nhượng nhằm giải quyết khó khăn trong cuộc sống hoặc chia tài sản là nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, nhiều người đã không thể thực hiện được quyền lợi hợp pháp và chính đáng nêu trên bởi giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước còn bất đồng về nhiều khái niệm, về quy định pháp luật và thực tế.

Chẳng hạn, trong việc xác định đất thuộc loại quy hoạch gì, nhiều trường hợp thực tế cho thấy, đất ở và cả nhà ở của người dân đã nằm trong khu dân cư đang sinh sống đông đúc, hằng năm người dân đều nộp thuế sử dụng đất ở đầy đủ, nhưng khi xin tách thửa đất thì lại không được giải quyết.

Thửa đất của ông Tuấn trên thực tế đã được xây thành 5 ngôi nhà riêng biệt

Để góp tiếng nói đến các cơ quan chức năng cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân trong việc sử dụng, sở hữu đất đai, Tòa soạn thực hiện chuyên đề: “Làm thế nào để người dân được hưởng đúng quyền lợi từ những quy định về đất đai” và lấy sự việc cụ thể ở huyện An Dương (Hải Phòng) làm minh chứng.

        An Dương (Hải Phòng): Nhiều bất cập trong quản lý đất đai

Luật đất đai 2013 quy định, đối với các thửa đất được giao trái thẩm quyền từ 2004 trở về trước, nếu phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp thì sẽ được công nhận quyền sử dụng đất của người dân. Riêng ở huyện An Dương (Hải Phòng) vẫn một mình một cách hiểu, bất chấp quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng.

Một mình một kiểu

Năm 2004, ông Lê Bá Thành được UBND xã Đồng Thái giao thửa đất số 661B + 661C, tờ bản đồ số 02, tại địa chỉ thôn Văn Phong, xã  Đồng Thái, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Mục đích giao đất là để làm nhà ở, có thu tiền sử dụng đất. Theo Luật đất đai năm 2003, UBND cấp xã, phường không có thẩm quyền giao đất cho các hộ dân làm nhà ở, do vậy, những trường hợp giao đất như của ông Lê Bá Thành được xác định là Giao đất trái thẩm quyền và không có bản đồ quy hoạch chi tiết các thửa đất được giao, không có quyết định giao đất.

Luật đất đai 2013 quy định, đối với các thửa đất được giao trái thẩm quyền từ 2004 trở về trước, nếu phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp thì sẽ được công nhận quyền sử dụng đất của người dân.  Do đó, năm 2020, xét các tiêu chí, điều kiện theo luật định, UBND huyện An Dương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lê Bá Thành. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Lê Bá Thành được Chủ tịch huyện An Dương thời điểm đó là ông Lê Anh Quân ký ngày 20/01/2020, số cấp GCN là CU406577, vào sổ cấp GCN số CH00062.

Tuy nhiên, tại mục ghi về nguồn gốc sử dụng trên giấy chứng nhận nêu trên, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện An Dương đơn vị trực tiếp làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Dương, đơn vị tham mưu về đất cho lãnh đạo huyện An Dương đã sai sót khi ghi mục này là “Nhà nước Giao đất có thu tiền sử dụng đất”.

Về bản chất, Nhà nước không có chủ trương giao đất cho hộ dân ở thời điểm năm 2004. Hành vi giao đất của UBND xã Đồng Thái đã diễn ra và được xác định là giao đất trái thẩm quyền. Năm 2020, khi UBND huyện An Dương làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho ông Lê Bá Thành là quy trình về công nhận quyền sử dụng đất của người dân, nhằm đảm bảo quyền hợp pháp của người dân, tức là Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Theo đó, đối với trường hợp Cấp giấy chứng  nhận cho đất có nguồn gốc là Giao trái thẩm quyền phải được ghi là “ Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất như Giao đất có thu tiền sử dụng đất”.

Khảo sát tại các quận huyện khác ở Hải Phòng, đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất có nguồn gốc giao trái thẩm quyền, ở mục ghi nguồn gốc sử dụng đều thống nhất thể hiện là “Công nhận quyền sử dụng đất như giao đất có thu tiền sử dụng đất”.

Quan điểm này của các quận huyện khác của Hải Phòng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của một lãnh đạo tại Sở tài nguyên và môi trường Hải Phòng. Chỉ duy nhất ở An Dương, vẫn cho rằng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất được giao trái thẩm quyền là “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”, và sự một mình một kiểu này ở huyện An Dương đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền hợp pháp của người sử dụng đất.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc cấp trái thẩm quyền

Vướng nợ nần chỉ vì … câu chữ

Năm 2020, ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Thành đã thực hiện thủ tục xin chia tách thành 5 thửa nhỏ hơn, diện tích 50m/1 thửa. Hơn 1 năm trôi qua, ông Thành đã xin đầy đủ xác nhận của UBND xã về nguồn gốc đất, về sự phù hợp với quy hoạch nhưng đến khâu xác nhận, ký đóng dấu vào tờ trích đo, mảnh trích đo chia tách thì ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện An Dương kiên quyết không ký xác nhận, chỉ với lý do là đất Giao trái thẩm quyền, không đồng ý cho chia tách. Trong khi đó, xét các quy định theo Quyết định 1394 của Hải Phòng về hạn mức giao đất, cấp đất, tách thửa, thửa đất của ông Lê Bá Thành đủ điều kiện tách thửa.

Mệt mỏi vì không thể thực hiện đầy đủ quyền sử dụng đất của mình, ông Thành đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất cho ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1981, trú tại phường Niệm Nghĩa, Lê Chân, Hải Phòng). Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Tuấn tiếp tục thực hiện thủ tục hành chính xin chia tách thửa đất. Lúc này, ông Tuấn phải nhờ một người am hiểu hơn về Pháp luật đất đai và qua sự tham vấn của một lãnh đạo văn phòng thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, ông Tuấn mới hiểu lý do thực sự của việc bị từ chối thủ tục chia tách thửa đất.

Theo đó, mục ghi về nguồn gốc sử dụng đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên ghi “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất” là sai, ghi đúng phải là “ Công nhận quyền sử dụng đất như giao đất có thu tiền sử dụng đất”.

Ngày 21/7/2021, ông Tuấn gửi đơn qua bộ phận một cửa của UBND huyện An Dương đề nghị đính chính lại mục ghi nguồn gốc sử dụng đất trên giấy chứng nhận. Sau 15 ngày làm việc theo quy định, ông Tuấn không được đính chính lại mục ghi nguồn gốc, hồ sơ xin đính chính bị trả ra khỏi hệ thống một cửa với lý do: “Đất do UBND xã giao có thu tiền sử dụng đất”, phiếu trả hồ sơ do ông Phạm Thế Hoàng (Phó Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện An Dương) ký thay ông giám đốc Lê Mạnh Hùng . Toàn bộ quy trình này được thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất chi nhánh huyện An Dương, chưa có sự tham vấn ý kiến của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Dương, của UBND huyện An Dương, đơn vị chịu trách nhiệm ký, cấp đối với những giấy chứng nhận cấp lần đầu, chịu trách nhiệm đính chính, hiệu chỉnh nếu xác định có sai sót.

Trao đổi thông tin, ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Dương cho rằng, “ Chúng tôi không liên quan đến việc đó”. Theo giải thích của ông Trường, phòng tài nguyên là đơn vị chỉ thẩm định, trình ký lên chủ tịch UBND huyện, còn nội dung ghi trên bìa cấp mới là do bên văn phòng đăng ký ghi, phải căn cứ theo thông tư hướng dẫn”.

Phóng viên đã liên hệ với bộ phận Thanh tra của Sở tài nguyên và môi trường Hải Phòng để làm rõ thông tin. Quan điểm của phía thanh tra sở cho rằng, văn phòng đăng ký đất các quận huyện chỉ là đơn vị lập hồ sơ để trình, còn các nội dung liên quan, chính sách về đất đai đối với cấp lần đầu của các địa phương phải là phòng tài nguyên và môi trường.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, người thực hiện thủ tục xin đính chính nội dung ghi sai trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bị từ chối đã bức xúc cho biết: “Tôi đang phải quay cuồng đối với các khoản nợ từ khi mua mảnh đất này mà không thể chia tách. Chỉ vì con chữ giao đất, mà phải ghi đúng là công nhận quyền sử dụng đất khiến tôi lao đao, dịch dã khó khăn lại càng mệt mỏi hơn…”.

Tìm hiểu thông tin, tại huyện An Dương, trường hợp như của ông Thành, ông Tuấn nêu trên là khá nhiều. Người dân đang gặp khó khăn, cản trở khi có nhu cầu chia tách thửa, một trong những quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. Thời gian gần đây, nhiều người dân bức xúc khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất tại huyện An Dương, bởi quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng nhưng “quả bóng trách nhiệm” thì vẫn bị các đơn vị chuyên môn “đá qua đá lại”, chưa có hồi kết.

Toà soạn tiếp tục tìm hiểu, thông tin về loạt những bất cập trong giải quyết về đất đai, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện An Dương, Hải Phòng trong các bài tiếp theo.

SONG LINH

Bạn đang đọc bài viết Làm thế nào để người dân được hưởng đúng quyền lợi từ quy định về đất đai? tại chuyên mục Nhịp cầu pháp lý
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo SK&MT