web analytics

Chuyện làm báo thời 4.0 21/06/2019

 

(KDTT) – Chúng ta không thể phủ nhận một điều rằng, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ đã đem lại nhiều sự thay đổi cho cuộc sống. Báo chí với xu thế hội nhập không thể nằm ngoài sự biến đổi này, người làm báo cũng vậy. Ngoài những lợi ích, nhà báo cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ mà 4.0 mang lại.

Muốn tồn tại, phải thay đổi

Báo chí thời đại mới gắn liền với truyền thông số, vậy nên nếu ngay từ bản thân những người làm báo không tiến kịp chắc chắn báo chí sẽ bị đánh tụt lại phía sau những phương tiện truyền thông khác, mà mạng xã hội là một trong những nguy cơ hiện hữu. Xã hội phát triển khiến con người cũng bị cuốn theo dòng chảy liên hồi của nó, nhu cầu đọc báo của độc giả cũng vì thế mà khác trước rất nhiều. Các cơ quan báo chí nếu muốn khẳng định và giữ vững vai trò của mình thì thay đổi, đi tới cùng 4.0 là lẽ tất yếu.

Tác động thể hiện rõ nhất chính là sự ra đời của mạng xã hội với độ “phủ sóng” ngày càng lớn mạnh và tốc độ lan tỏa thì nhanh đến mức chóng mặt; thậm chí mạng xã hội đang cạnh tranh ngày một khốc liệt với báo chí. Điều này cũng đặt ra những thách thức lớn với người làm báo, buộc họ phải thay đổi. Như lời của nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí và điều đó sẽ làm thay đổi kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Nhà báo cần phải biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”, nhanh chóng chuyển  tác phẩm về tòa soạn và sau đó, đến bạn đọc dưới nhiều hình thức khác nhau”. Có nghĩa là mỗi nhà báo phải trở thành một nhà báo đa năng, biết nắm bắt và sử dụng công nghệ một cách thành thạo.

Nhà báo có thể viết bài ngay tại nơi tác nghiệp nhờ vào “tòa soạn thu nhỏ”. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, muốn giữ vững chỗ đứng của mình trong “thị trường tiêu thụ thông tin” thì người làm báo cần phải thay đổi, thay đổi cả về tiêu chí cũng như sự sáng tạo trong nội dung và hình thức trình bày. Những bài viết, bài phản biện các vấn đề nóng trong xã hội, những dòng bình luận nghiêm túc nhưng dài dòng phải thay bằng sản phẩm thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, các video clip livestream trên mạng xã hội, hay các bản tin rap news… Và điều then chốt là báo chí phải hấp dẫn và đủ sức thuyết phục, làm cho công chúng tâm phục khẩu phục.

 

Tìm tòi, phát hiện, dấn thân và bản lĩnh

Còn nhớ cố nhà báo Hữu Thọ đã từng dành 6 chữ: “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” tặng những người cầm bút như một lời nhắc nhở về chuyện nghề, và lời nhắc đó vẫn còn vẹn nguyên giá trị dù là ở bất cứ thời đại nào đi chăng nữa.

Chẳng phải tự nhiên mà người ta thường hay nhắc đến cái tâm của người làm báo trong thời 4.0, thời đại mà xã hội thông tin bùng nổ, ai cũng có thể trở thành một “nhà báo công dân”. Sự phát triển của mạng xã hội chính là cơ hội để những thông tin sai lệch, tin giả len lỏi và lan truyền trong cuộc sống. Nhà báo lúc này cần sử dụng kỹ năng nghiệp vụ cũng như khả năng quan sát, tìm cho mình một góc nhìn khách quan, trung thực để phản ánh, phân tích vấn đề để xác thực, đính chính thông tin, tạo dựng lòng tin cũng như trấn an dư luận.

Không chỉ vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra không gian kết nối thông tin, nhất là kết nối kho tàng dữ liệu thông tin không giới hạn cũng rất dễ biến thành môi trường làm cho nhà báo lười suy nghĩ, lười khám phá, lười tìm kiếm, lười học hỏi, thậm chí sẵn sàng đưa thông tin chưa được kiểm chứng vì nghĩ đến sự “nhanh” mà bỏ qua lợi ích của công chúng cũng như tôn chỉ hoạt động của cơ quan báo chí. Một nhà báo tồn tại được trong lòng độc giả không phải bằng tên tuổi trong thời đại 4.0 mà là bằng cách họ giữ gìn đạo đức nghề báo trong kỷ nguyên số ấy.

Hơn thế nữa, việc áp dụng công nghệ không nên diễn ra quá ồ ạt; nhà báo cần sử dụng chúng vào nội dung hợp lý, cho đúng đối tượng, trên đúng nền tảng và vào đúng thời điểm, nếu không chắc chắn thông tin cũng như toàn bộ trang báo sẽ bị “loãng” và mất dần lượng người đọc, và báo chí lúc này sẽ hoàn toàn trở nên bị động và tụt hậu.

Đón đầu xu hướng, tận dụng cơ hội mà 4.0 mang lại chính là những điều mà người làm báo thời đại mới cần trang bị cho bản thân. Vậy nhưng giá trị cốt lõi, bản sắc dân tộc vẫn phải là linh hồn trong mỗi tác phẩm, bởi đó là tiếng nói của nhân dân, của cả một dân tộc. Chúng ta chỉ được hòa nhập, không được phép hòa tan, có như vậy mới đưa báo chí Việt Nam ngày một hiện đại, phát triển nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt và sự trường tồn.

Theo KDPT