web analytics

Nhìn thẳng thực trạng đại dịch, tạo nên một hào khí mới 07/04/2020

(KDTT) – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid19 là đại dịch toàn cầu và xác định đây là “cuộc chiến” dai dẳng, có thể kéo dài. Ở góc độ kinh tế, cần đánh giá đúng tác động của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam, từ đó mới có các giải pháp đúng, đủ để cân bằng.

Hỗ trợ kịp thời, chung tay chống dịch  

Theo Bloomberg trong kịch bản xấu nhất, GDP toàn cầu có thể giảm về 0% năm 2020, ước tính cần 26000 tỷ USD tương đương với 30% GDP toàn cầu để khôi phục kinh tế thế giới. Các nước G20 và các định chế tài chính quốc tế đã công bố những gói hỗ trợ tài chính để ứng phó với dịch bệnh và khôi phục kinh tế.

Ví dụ như Trung quốc là nơi khởi nguồn của tâm dịch, ngày 23/3, phát biểu tại hội nghị thúc đẩy phòng chống Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “Song song với phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu tối ưu hoá mọi mặt của công tác ổn định việc làm, đối với doanh nghiệp thiếu hụt lao động, nhóm lao động trọng điểm gặp khó khăn trong tìm kiếm việc, yêu cầu giảm tải áp lực, đảm bảo vị trí việc làm, mở rộng phạm vi tìm việc, hỗ trợ bằng nhiều nguồn…”. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đưa ra 6 nhóm ổn định: Ổn định việc làm, thương mại quốc tế, đầu tư, trong đó giao thông là ngành được ưu tiên thuộc chuỗi khôi phục kinh tế, công tác dân sinh được đặt lên hàng đầu, công nghệ 5G và công nghệ cao trí tuệ thông minh được đẩy mạnh khai thác với hàng loạt các chính sách và biện pháp thúc đẩy kinh tế đi vào khôi phục sản xuất.

Nhờ những quyết sách kịp thời này, tính đến ngày 29/3, tỷ lệ hoạt động của các doanh nghiệp quy mô lớn ở Trung Quốc đạt 98,6%, tỷ lệ đi làm trở lại của người lao động đạt 89,9%, tỷ lệ khôi phục hoạt động của các doanh nghiêp vừa và nhỏ đạt 76,8%.

Tại Mỹ, tình hình xấu đi nhanh đến mức các nhà kinh tế của Morgan stanley đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II /2020 từ -4% xuống còn -30,1%, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 12%, mức tiêu thụ giảm 31%, số người nhiễm bệnh và chết tăng kỷ lục theo từng ngày…

Với đại dịch khó kiểm soát, Chính phủ Mỹ có ngay gói hỗ trợ 8,3 tỷ USD để các cơ quan y tế nghiên cứu và phát triển vắc-xin, gói kích thích kinh tế 2000 tỷ USD cũng được thông qua tương đương với 10% GDP để giữ các doanh nghiệp cùng tồn tại. Gần đây, Hạ viện và Thượng viện Mỹ tiếp tục xem xét tiếp một gói kích thích khoảng 2000 tỷ USD để bơm ra nền kinh tế…

Đối với nước Anh, Chính phủ cũng thông qua gói kích thích trả 80% lương cho người lao động và trả vô thời hạn các doanh nghiệp dịch vụ, ăn uống và du lịch. Các ngân hàng cũng vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp tránh phá sản. Ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sumack đã công bố gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay trị giá khoảng 330 tỷ bảng Anh nhằm thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế trong lúc dịch bệnh và tiếp tục nghiên cứu các gói hỗ trợ tiếp theo.

Chính phủ các nước châu Âu cũng tìm ra các giải pháp cho các gói kích thích và cân bằng kinh tế để giữ nền kinh tế không bị đổ vỡ.

Tại Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, không hoang mang dao động trước làn sóng dịch bệnh và những thông tin trái chiều. Cho đến giờ phút này, đã có hàng vạn doanh nghiệp, doanh nhân và người dân chia sẻ, đóng góp tiền của, công sức để mua vật tư y tế, thuốc men, nhu yếu phẩm… cùng cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh.

Gói giải cứu và tạo động lực lớn nhất hiện nay cho doanh nghiệp là cởi bỏ, tháo gỡ về cơ chế, thủ tục hành chính.

Mặt khác, Đảng và Chính phủ đã có những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễm, giảm lãi hoặc giữ nguyên nhóm nợ vay để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, với gói hỗ trợ khoảng 30000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đã nghiên cứu gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm, tài trợ hàng tháng và các chính sách giảm, giãn đóng bảo hiểm xã hội …

Các lĩnh vực đều thiệt hại nặng nề

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh covid-19 có tác động rất mạnh, thậm chí nghiêm trọng đến nền kinh tế – xã hội Việt Nam, bởi tác động của nó đến từ nhiều chiều, trong đó có 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại, làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng.

Ngành chế tạo chiếm 16% GDP đang chịu áp lực từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng do tạm thời bị đóng cửa biên giới thời gian vừa qua, đồng thời cũng ảnh hưởng đến một số dự án do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp FDI lớn như LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda… đã gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu và nhân lực, cũng như giá dầu giảm tới đáy là cú đánh nặng nề với nghành công nghiệp hoá dầu, công nghiệp sản phẩm hoá dầu như ngành nhựa, hoá chất, phân đạm, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ vô cùng khó khăn khi tìm kiếm nguyên liệu, tiêu thụ hàng hoá.

Giao thương quốc tế, tình trạng xuất nhập khẩu bị đình trệ khiến thuế xuất nhập khẩu – một nguồn thu quan trọng của nền kinh tế bị tác động rõ rệt. Năm 2020 số thu ngân sách được giao của hải quan là 338.000 tỷ đồng, như vậy mỗi tháng phải thu gần 28.200 tỷ, tuy nhiên với số thu thụt giảm trong 2 tháng đầu năm và khi chưa biết lúc nào hết dịch thì con số thu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách phải thu năm 2020. Ngành du lịch, giao thông vận tải là hai ngành nghề ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch covid 19. Cục Hàng không nhận định, các hãng hàng không Việt Nam có thể thất thu khoảng 30.000 tỷ đồng trong năm 2020, đây mới là con số dự đoán, thực tế nếu dịch bệnh kéo dài thì con số thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Ngành Hàng không phải đối mặt với bước lùi 3-4 năm sau mấy năm phấn đấu, tích luỹ bây giờ có thể về lại con số 0. Với vận tải Hàng hải và cảng biển, theo nhận định của đại diện Vinaline,  trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến giữa quý 2/2020 nhiều khả năng đội tàu Vinaline sẽ phải dừng hoạt động do không có tiền trả nợ và chi phi duy trì đội tầu.

Ngành nông nghiệp và thị trường nông sản cũng là một ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng có cơ hội phát triển, hồi phục, đổi mới công nghệ. Đây cũng là ngành có tiềm năng bứt phá nhất khi qua dịch phải đầu tư mạnh mẽ để có được giá trị gia tăng cao nhất do nhu cầu của thị trường tăng cao.

Đối với lao động việc làm, đó là những thách thức lớn, một loạt lao động trong khu vực kinh tế tư nhân đang chịu nghỉ không lương hoặc giãn, giảm giờ làm, kể các các doanh nghiệp FDI do không có nguyên liệu dự trữ đủ sản xuất và nhu cầu thị trường giảm, thị trường xuất khẩu lao động cũng bị đóng băng, điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội.

Doanh nghiệp đang cần gì?

Các gói cứu trợ của Chính phủ đã và đang lên kịch bản, tuy nhiên để đối tượng được thụ hưởng là các doanh nghiệp tiếp cận được thì vẫn còn quá nhiều rào cản. Từ trước đến nay, ngay cả Quốc hội, Chính phủ đều mong muốn thay đổi cơ chế vận hành. Cho đến giờ, điều này cấp bách hơn bao giờ hết. Đó là rất cần Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành , thành phố rà soát triệt để các văn bản chồng chéo trói buộc các chính sách phục vụ doanh nghiệp phát triển. Còn nhiều thủ tục rườm rà về đất đai, môi trường, giấy phép xây dựng, thanh tra kiểm tra… Rồi sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc tỉnh, thành phố, mỗi địa phương áp dụng một cách riêng… đã gây khó khăn và không có tính ổn định cho doanh nghiệp.

Những thách thức lớn đang đặt ra đối với khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, công nghiệp xuất nhập khẩu.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chính sách ban hành được áp dụng nhất quán, rút gọn dễ hiểu và có sự tích hợp giữa các luật đã được ban hành. Doanh nghiệp cần thời gian, doanh nghiệp cần cơ hội, nếu để doanh nghiệp mất hai điều cơ bản này thì tiền cứu trợ, hoặc tiền đầu tư của doanh nghiệp sẽ giảm hiệu quả và có thể ko còn ý nghĩa nữa. Đó là chưa nói nếu một “rừng” văn bản đan chéo nhau, khi áp dụng sai, hoặc đúng với luật này nhưng vênh với luật khác, sẽ làm doanh nghiệp thui chột, không phát triển được.

Trong tình hình thực tế hiện nay, gói giải cứu lớn nhất và tạo động lực nhất cho doanh nghiệp là gói cởi bỏ, tháo gỡ về cơ chế, thủ tục hành chính. Nút thắt này được giải quyết sẽ tạo cho doanh nghiệp một hào khí mới. Đó chính là điều mong mỏi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Bài tiếp theo: Kinh tế chia sẻ – Mũi nhọn bứt tốc sau đại dịch      

Theo KDPT